Nhà thiết kế phục trang Ngọc Tuấn - người khoác áo cho các nhân vật

Hoàng Kim
Hoàng Kim
01/05/2024 07:25 GMT+7

Nhìn vào hành trang gần 600 vở kịch, cải lương, lễ hội, festival, mà mỗi vở, mỗi chương trình đều từ vài chục tới cả trăm bộ trang phục, có thể thấy sức sáng tạo, niềm đam mê và thành quả đáng ghi nhận của nhà thiết kế phục trang Ngọc Tuấn.

Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử (tác giả Phạm Văn Quý, đạo diễn Hoàng Duẩn) và Ngày xửa ngày xưa: Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Huyền thoại mắt thần (tác giả Quang Thảo, đạo diễn Đình Toàn) - hai vở kịch hay, trang phục đẹp của Nhà hát IDECAF công diễn dịp lễ 30.4 đều có bàn tay tài hoa của nhà thiết kế phục trang Ngọc Tuấn.

Ngọc Tuấn thiết kế phục trang cho vở Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử

Ngọc Tuấn thiết kế phục trang cho vở Đức thượng công Tả quân Lê Văn Duyệt - người mang 9 án tử

NSCC

Ngọc Tuấn (tên thật là Phan Ngọc Tuấn, sinh năm 1967, sinh sống tại TP.HCM) có "duyên nợ" với ông bầu Huỳnh Anh Tuấn của IDECAF từ những ngày còn công tác tại Nhà hát Múa rối TP.HCM. Vở kịch đầu tiên IDECAF dựng cho thiếu nhi là Hoàng tử chăn lợn với NSƯT Thành Lộc đóng vai chính đã làm mê mẩn biết bao trẻ em lẫn người lớn, để từ đó tạo tiền đề cho Huỳnh Anh Tuấn mở sân khấu IDECAF. Và người bắt tay làm trang phục Hoàng tử chăn lợn chính là Ngọc Tuấn, từ đó đến nay ông đã gắn bó mấy chục năm cùng IDECAF.

Những vở ấn tượng mà ông thiết kế phục trang có thể kể đến là: Ngàn năm tình sử, Vua thánh triều Lê, Bí mật vườn Lệ Chi, Tin ở hoa hồng, Ba người lính ngự lâm, Quyền lực tình yêu, Cái tráp vàng, Tấm Cám… và 34 vở trong chương trình Ngày xửa ngày xưa như Lee Kim Chi, Hoàng tử Ai Cập, Công chúa và chiếc áo tầm gai… Cải lương thì có Chiếc áo thiên nga, Kim Vân Kiều, Câu thơ yên ngựa, Nàng Xê Đa… Ngọc Tuấn cũng là người thiết kế hàng trăm bộ trang phục cho Festival Hoa Đà Lạt, Festival Biển Nha Trang, Festival Huế, Lễ hội Pháo hoa Đà Nẵng…

Ngọc Tuấn (trái) thiết kế phục trang cho Thành Lộc (1), Lê Khánh (2), Mỹ Duyên (3)

Ngọc Tuấn (trái) thiết kế phục trang cho Thành Lộc (1), Lê Khánh (2), Mỹ Duyên (3)

Nhà thiết kế phục trang Ngọc Tuấn - người khoác áo cho các nhân vật- Ảnh 3.

Nhà thiết kế phục trang Ngọc Tuấn - người khoác áo cho các nhân vật- Ảnh 4.

NSCC

Thanh Niên có cuộc trao đổi cùng nhà thiết kế phục trang Ngọc Tuấn về công việc nhiều đam mê, sáng tạo và cũng không ít trở ngại, khó khăn của ông trong bối cảnh sân khấu hiện tại.

Được biết ông chưa từng học qua trường lớp dạy cắt may hoặc thiết kế trang phục nào, vậy lý do gì khiến ông "dám" bước vào nghề và thành công rực rỡ như vậy?

Nhà thiết kế Ngọc Tuấn: Tôi chỉ xin dám nói là trời cho mình năng khiếu thôi, rồi mình mày mò tự rèn luyện thêm. Tôi tri ân trời đất, tri ân tổ nghiệp, và cảm ơn anh Đoàn Khoa đã tạo cảm hứng ban đầu, khuyến khích tôi làm thử, đồng thời cũng trao cho tôi chìa khóa để tôi mở cánh cửa thiết kế trang phục. Tôi nhớ lúc đó anh dạy tôi rằng: "Trang phục cho sân khấu không cần quá tỉ mỉ như điện ảnh, vì điện ảnh khi phóng cận lên sẽ thấy rõ từng chi tiết. Trang phục sân khấu chỉ cần tạo điểm nhấn, tạo ấn tượng chứ không thể nào giống y như thật". Nhờ chìa khóa đó mà tôi mạnh dạn làm.

Tất nhiên, khi thiết kế cũng phải biết cắt may chút chút, và tôi tự học. Điều thuận lợi là ông bầu Huỳnh Anh Tuấn có một đội rối, trong đó ai cũng có tay nghề làm con rối, cắt may và anh em đã hỗ trợ tôi rất tốt trong việc thực hiện các bản vẽ.

Trong công việc của mình, ông có từng gặp khó khăn nào chưa?

Khó khăn đầu tiên là vật liệu để may trang phục sân khấu ở nước ta không phong phú, không đầy đủ, nên dù phóng đầu óc tưởng tượng của mình tới đâu thì cũng phải hạn chế bớt lại vì tìm vật liệu không ra. Ở nước ngoài, đặc biệt là Pháp, nơi tôi có đi tham quan, có chỗ dệt đúng loại vải mà đạo diễn yêu cầu. Diễn viên mặc bộ mẫu đó ra biểu diễn thử một suất, rồi nêu ý kiến là có cần chỉnh sửa gì không thì nhà hát mới theo đó mà may bộ khác dành để biểu diễn chính thức. Còn sân khấu mình eo hẹp kinh phí, khi may trang phục phải tính thật kỹ để đừng bị lỗi, đừng phải may thêm. Vậy nhưng vẫn có lần tôi bị sơ suất. Vở Nàng tiên cá, tôi dùng vật liệu mút xốp may lên rất đẹp, nhưng anh Thành Lộc mặc vào bị bí hơi, mồ hôi tuôn chảy, tôi phải may ngay bộ khác. Thiếu tiền cũng là khó khăn thứ hai, khiến sự sáng tạo phải vất vả.

Lớn lên trong gia đình không ai mang dòng máu nghệ thuật, nhưng ông lại thích múa nên theo học múa tại các nhóm phong trào. Nghề múa trước kia có giúp ông trong việc thiết kế trang phục?

Có chứ. Nghĩ lại, không cái gì là thừa. Nhờ biết múa nên tôi hiểu những cử động, thao tác của diễn viên, tôi sẽ may thế nào cho họ thoải mái suốt mấy tiếng đồng hồ, không bị căng, không bị rách, không bức bách khó chịu.

Nhớ có lần ông làm việc với nhà thiết kế người Pháp trong vở Ba người lính ngự lâm, ông có thể chia sẻ về việc hỗ trợ nhau giữa các nhà thiết kế?

Lần đó chúng tôi quá khó khăn khi tìm vật liệu, tôi bèn nói với ông ấy: "Giờ mà tìm hoa văn của trang phục thế kỷ 17, 18 bên Tây còn khó huống gì VN. Thôi chúng ta chọn phương pháp tả ý, chỉ đi màu thôi, không có hoa văn. Ông ấy chịu. Thế là chúng tôi thành công, mọi người không phàn nàn gì. Đó cũng là kinh nghiệm làm nghề cho các bạn trẻ sau này. Hoa văn mỗi thời đại mỗi khác, mình làm sai là "chết" liền.

Ông có thêm vở nào "tả ý" như vậy không?

Nhiều lắm. Chẳng hạn Ngàn năm tình sử, anh Thành Lộc muốn dùng vật liệu lụa, nhưng tôi biết lụa rất dễ rạn khi cử động, tôi thấy vải phi đẹp quá nên mua, vì lật bề trái lên sẽ không bị bóng. Nhưng hoa văn thời Lý giờ đâu còn bao nhiêu tài liệu mô tả, tôi ra tận miền Bắc thấy các nơi cũng chỉ vẽ hình đầu rồng thôi, chẳng có gì khác. Anh Lộc lại cho tôi cái chìa khóa, anh nói phần đầu dùng gam màu xanh gốm thời Lý vì nhân vật Thuận Khanh xuất thân từ lò gốm, còn phần 2 đã vào hoàng cung thì dùng gam màu kem. Thế là tôi nhuộm

600 m vải phi thành hai gam màu đó. Tôi thật sự biết ơn anh Lộc đã không ít lần cho tôi những chiếc chìa khóa để tôi bay. Còn ngôi nhà IDECAF lại cho tôi cơ hội làm nghề, tôi cũng rất biết ơn.

Người ta cũng nói ngược lại là ông bầu Huỳnh Anh Tuấn "có phước" nên mới có Ngọc Tuấn cộng tác, vì ông tiết kiệm cho sân khấu IDECAF biết bao nhiêu tiền về trang phục. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Cuộc sống là vậy, phải nương tựa nhau để sống, trong công việc người này giúp người kia, người kia giúp ngược lại, rất bình thường. Trung bình một vở kịch thuê người ngoài thiết kế phải mất 300 - 400 triệu đồng, tôi đã ăn lương của sân khấu rồi, tôi chỉ mua vật liệu về làm, thường trên dưới 100 triệu. Phương châm của IDECAF là cả nhóm cùng sáng tạo, cùng tồn tại lâu dài, vở diễn sống lâu thì mình lãnh tiền dài dài.

Với tài năng của mình, sao ông không chọn trở thành nhà thiết kế nổi tiếng như Sĩ Hoàng, Minh Hạnh… mà lại lặng thầm đứng sau cánh gà sân khấu?

Có người từng nói với tôi vậy, lại còn sẵn sàng bỏ vốn cho tôi mở cơ sở. Nhưng tôi không thích. Bởi thiết kế trang phục thì cũng chỉ quanh quẩn đầm váy sơ mi veston, đằng này tôi có hàng trăm hàng ngàn nhân vật để "đổi món" sáng tạo, thú vị nhiều chứ. Thí dụ, tôi làm con cá thì chả con cá nào giống con cá nào, làm cho công chúa, quái vật, hoàng tử cũng vậy, thay đổi liên tiếp. Chưa kể, làm vở bối cảnh Tây, Tàu, Thái Lan, Campuchia, Hàn Quốc… cũng tha hồ tung tăng. Tôi lãnh lương, có thêm cát sê từng đêm diễn, sống khỏe rồi.

Nhưng cũng thấy ông "chạy show" qua cải lương, lễ hội đó chứ?

Là bạn bè mời thì mình làm thôi, cũng thử sức lĩnh vực mới, thú vị lắm. Như cải lương, tôi thích vì trang phục rất đẹp, nhưng tôi cũng buồn vì một số diễn viên lên mạng tìm rồi đặt may bất kể tính văn hóa, tính lịch sử. Thí dụ, áo thì đính hột, đính kim tuyến, mắt gà quá nhiều, đến nỗi nặng nề mặc không nổi, hoặc sáng trưng "nuốt" luôn khuôn mặt diễn viên, nhìn lên chỉ thấy cái áo; hoặc vai đào thương mà vai áo cong vút như thái hậu, vai tiều phu mà ngực áo đầy kim tuyến…

Khi tôi làm, chất kịch "ảnh hưởng" vào cải lương, trung hòa bớt, khiến trang phục đằm thắm hơn. Một nhóm khách nước ngoài đã khen vở Nàng Xê Đa trang phục sang trọng quá. Nói đến cải lương tôi phải cảm ơn anh Công Minh, nhà thiết kế trang phục cải lương nổi tiếng, đã giúp tôi nhiều kiến thức cần thiết. Anh không giấu nghề, rất nhiệt tình tư vấn. Ngược lại, tôi cũng ảnh hưởng đến anh, sau này anh thiết kế trung hòa hơn, ít rườm rà hơn. Chúng tôi làm vì yêu cải lương chứ kinh phí của họ ít lắm, thấy thương lắm, mình đâu nỡ tính toán.

Thấy vở nào ra mắt ông cũng đi xem, ông mê sân khấu hay chỉ đi xem trang phục mà rút kinh nghiệm?

Tôi mê cả hai. Nhưng trước hết tôi mê hát bội từ hồi nhỏ, rồi mê cải lương, sau là tham gia kịch nói. Tôi còn là đạo diễn dựng các vở rối mấy chục năm nay, nên tôi đi xem hết để thỏa lòng thưởng thức. Nghệ thuật là không gian sống của tôi, tôi dành hết thời gian cho nó. Đơn giản vậy.

Cảm ơn ông. Chúc ông luôn đầy sức sáng tạo. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.