Nhà thiết kế Sĩ Hoàng 'bén duyên' kịch Bắc lẫn kịch Nam

Hoàng Kim
Hoàng Kim
05/07/2020 13:00 GMT+7

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng mới đây đã tham gia hai vở kịch của sân khấu Lệ Ngọc là sân khấu xã hội hóa hoạt động mạnh tại Hà Nội. Trước đó anh cũng góp mặt trong nhiều vở của sân khấu Hoàng Thái Thanh và Thế Giới Trẻ (TP.HCM).

Cái duyên với kịch đến khá bất ngờ với họa sĩ - nhà thiết kế nổi tiếng, và Sĩ Hoàng trên sân khấu đã chinh phục được khán giả một cách nhẹ nhàng.
* Anh có thể chia sẻ vì sao anh tham gia kịch nói vốn không phải sở trường của mình?
- Thực sự là lúc học ở trường Đại học Mỹ thuật tôi đã tham gia các nhóm văn nghệ sinh viên, và có diễn kịch. Mê lắm luôn. Đến năm 1982, đang học mỹ thuật năm thứ hai, tôi làm gan đi thi trường sân khấu, định học một lúc hai trường đó chứ. Nhưng trước khi thi thì tôi có học một lớp dự bị, coi như ôn luyện. Khi cả lớp dựng một vở kịch để báo cáo thì tôi nhận ra mọi người tranh giành vai diễn, chia rẽ lẫn nhau, tôi thất vọng quá. Thế là tôi không thi nữa.
Mấy năm sau, nghệ sĩ Thành Lộc nhờ tôi thiết kế trang phục cho vở Lôi Vũ, rồi Bí mật vườn Lệ Chi, lại đến cải lương cũng nhờ thiết kế cho Kim Vân Kiều, Chiếc áo thiên nga, rồi đạo diễn Ái Như cũng nhờ thiết kế cho Trò chơi tham vọng, tự nhiên tình yêu sân khấu quay trở lại. Một hôm, bất ngờ chị Ái Như bảo tôi: “Có một vai nho nhỏ trong Trò chơi tham vọng anh đóng thử xem”. Tôi khoái trong bụng lắm, nhưng khi đọc kịch bản thì tôi không chịu, vì vai đó là nhân vật đạo diễn An Khương quậy quạng, ham tiền, lại có “máu dê” nữa, không giống tôi chút nào, làm sao tôi đóng được. Tôi viết thư cho Ái Như xin trả vai. Nhưng Ái Như cứ động viên, và tôi xiêu lòng. Vậy là mỗi tối tôi phải tranh thủ chạy qua nhà Ái Như để được dạy nghề. Công nhận Ái Như cũng kiên nhẫn, thiếu gì diễn viên mà cứ bắt tôi phải đóng. Nhờ bước đi đầu tiên đó mà sau này tôi mạnh dạn nhận tiếp những vai diễn khác.

 Sĩ Hoàng và Vân Anh trong vở 'Lạc giữa phố người'

Ảnh: H.K

'Diễn viên trẻ triển vọng tuổi 50'

Tôi nhớ rồi. Vai đạo diễn An Khương anh đóng cứ ngây ngây thế nào, lại hóa trang bặm trợn khiến khán giả chúng tôi ngồi bên dưới cãi nhau không biết có phải Sĩ Hoàng hay không. Nhưng sau đó anh vào vai Hai Thẹo, một gã giang hồ hậu đậu vụng về, nhưng lại rất dễ thương trong vở Lạc giữa phố người, khiến ai cũng cười bể bụng. Rõ ràng anh tiến bộ rất nhanh, và mọi người đã gọi đùa anh là “diễn viên trẻ triển vọng tuổi 50”. Sau đó là hàng loạt vai như Nguyễn Hiền (Yêu là thoát tội), quan Bạch Hổ (Cây tre thần), thái giám (Tấm Cám)… gây ấn tượng rất mạnh mẽ.
- Vâng, tính ra cũng cả chục vai, và tôi đã có những “người thầy” dạy nghề cho tôi như nghệ sĩ Ái Như, Thành Hội, Trần Minh Ngọc, Trần Ngọc Giàu, Lệ Ngọc…tôi thực sự cảm ơn. Tôi học nghề cả với anh nhân viên làm âm thanh, ánh sáng, đạo cụ, kéo màn, cảnh trí… Cái gì tôi không biết là tôi hỏi, mong người ta chỉ dẫn cho mình. Đối với tôi, trên đời này bất cứ ai cũng có thể là “thầy” của mình. Ngay với một đứa trẻ, có khi mình cũng “học” từ nó về tư duy mới lạ, độc đáo.
* Anh thấy sân khấu khó hay dễ hơn mỹ thuật?
- Khó hơn nhiều. Với mỹ thuật thì tôi sáng tạo độc lập, không phụ thuộc ai. Còn với sân khấu, diễn viên phải phụ thuộc vào người làm nhạc, ánh sáng, thiết kế, tương tác với bạn diễn khác… trăm thứ chung quanh. Chỉ cần một khâu trong chuỗi sáng tạo ấy bị sự cố là mình không diễn được. Cho nên sự đồng thuận, hài hòa trong sân khấu là rất quan trọng.
* Anh đã có một cuộc chơi thú vị song song với ngành mỹ thuật?
- Xin lỗi nha, tôi không chịu cái từ “cuộc chơi” mà mọi người thường hay dùng, hoặc từ “lấn sân” sang lĩnh vực mới. Sân khấu của người ta mình có quyền gì mà “lấn”. Và người ta bỏ bao nhiêu tiền bạc, công sức ra làm, mà mình “dạo chơi” sao được. Phải làm hết sức nghiêm túc. Ví dụ vai quan Bạch Hổ trong vở Cây tre thần, tôi phải đặt làm hàm răng hô với giá 3 triệu đồng để diễn cho ra nhân vật. Mình đầu tư thật sự chứ không có dám dễ dãi.
Tôi cũng không dùng từ “thử sức”. Mình nhắm có làm nổi thì mới nhận chứ. Thật ra mỹ thuật cũng hỗ trợ tôi rất nhiều khi diễn xuất. Bởi khi làm trang phục, tôi đã phải nghiền ngẫm tính cách từng nhân vật để thiết kế cho phù hợp, cho nên tôi “thấm” hết, khi ra diễn thì tôi tương tác rất tốt với họ.
Duyên nợ nào lại khiến anh bén duyên với kịch Bắc, cụ thể là sân khấu Lệ Ngọc?
- Tôi được mời thiết kế trang phục. Rồi chị Lệ Ngọc mời tôi diễn luôn. Tôi nhận lời, coi như đi Bắc học nghề thêm thôi.

Sĩ Hoàng vào vai quan Bạch Hổ trong vở 'Cây tre thần'

Ảnh: S.H

* Anh nhận xét thế nào giữa kịch Bắc và kịch Nam?
- Kịch Nam thì khán giả đòi có ngôi sao mới xem, còn kịch Bắc khán giả xem vì kịch bản hay. Và tôi thấy khán giả miền Bắc đi tới nhà hát ngồi xem nghiêm túc, xét nét từng câu từng chữ, chứ không cười hề hề dễ chịu như khán giả miền Nam.
* Sân khấu Lệ Ngọc là sân khấu xã hội hóa phải nói là hiếm hoi của miền Bắc, anh thấy có gì đặc biệt so với mặt bằng chung của sân khấu?
-Tôi nể tính kỷ luật của sân khấu Lệ Ngọc. Tập tuồng cực kỳ đúng giờ, trễ 5 phút đã bị “ghi sổ”, và trễ 3 lần thì bị thay vai. Tiết lộ một điều là thù lao khá cao nên mọi người đều nỗ lực, không muốn bị mất chỗ. “Bà bầu” NSND Lệ Ngọc luôn có hai ê kíp diễn viên, tập cùng lúc, chất lượng y như nhau, vì thế không bị động khi có sự cố. Suất diễn nào cũng đầy rạp, khiến nghệ sĩ phấn khởi. Làm nghề không chỉ có thù lao mới vui, mà phải có không khí như vậy cho nghệ sĩ hưng phấn. Sân khấu xã hội hóa làm được điều mà sân khấu công lập chưa làm được.
* Trong các vai đã diễn, anh thích vai nào nhất?
- Tôi thích vai quan Nguyễn Hiền trong vở Yêu là thoát tội của Nhà hát Thế Giới Trẻ TP.HCM do NSND Hoàng Yến đầu tư sản xuất. Vai đó dường như “viết riêng” cho tôi, với những nỗi niềm cô đơn, ngậm ngùi ẩn sâu trong lòng mà không ai biết. Cuối cùng Nguyễn Hiền chết trong một tư thế thật đẹp. Có những ngày diễn hợp đồng 4 suất thì tôi khóc đủ 4 suất. Và tôi cũng thấy khán giả những hàng ghế đầu khóc như mưa. Tôi nghĩ sẽ không bao giờ tôi có được một vai như thế nữa.
* Cảm ơn họa sĩ - nhà thiết kế Sĩ Hoàng. Chúc anh tiếp tục thành công trên sân khấu và trong mỹ thuật mà anh đã đeo mang.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.