Tôi quen Diệp Minh Tuyền từ những ngày trong chiến khu R, nhất là khi anh biên tập một bài thơ của tôi đưa vào tạp chí “Văn nghệ giải phóng”. Cuốn tạp chí có bài thơ chưa kịp phát hành thì chính bài thơ của tôi đã làm khổ số tạp chí ấy: nó bị phát hiện là “có vấn đề” và bị “bóc” ngay trong xưởng in. Báo hại nhà thơ Diệp Minh Tuyền người biên tập chính của phần thơ số tạp chí ấy - phải bị năm lần bảy lượt kiểm điểm.
Nhưng cũng vì cái “nạn” ấy mà chúng tôi trở nên quen biết sâu với nhau. Tết năm 1974, Diệp Minh Tuyền cùng vài người bạn bên văn nghệ đã đạp xe nửa ngày đường sang “cứ” binh vận của tôi để cùng ăn Tết chung với nhau. Đó là cái Tết thật vui! Từ hồi ấy, Diệp Minh Tuyền đã có thơ in nhiều ở các báo miền Bắc và có thơ phổ nhạc (Lưu Hữu Phước phổ nhạc). Tuyền cũng có cả ca khúc do chính anh sáng tác và đã phát nhiều lần trên sóng Đài phát thanh Giải phóng và Đài tiếng nói Việt Nam. Những nhà thơ kiêm nhạc sĩ như thế ở nước ta không có nhiều, và điều lạ là tuy “đăng ký thương hiệu” là nhà thơ nhưng những ca khúc của họ lại rất phổ biến.
Sau giải phóng, người ta hay nói ở Việt Nam có 5 nhà thơ - nhạc sĩ, trong đó Diệp Minh Tuyền là một (bốn người kia là Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Thụy Kha) và họ đều có những ca khúc nổi tiếng, thậm chí nổi tiếng hơn thơ của họ. Có lẽ do đặc trưng dễ lan truyền dễ phổ biến của âm nhạc so với thơ, chứ cả 5 nhà thơ ấy đều có những bài thơ vượt thời gian. Tôi còn nhớ, hồi Đại hội nhà văn lần 4 năm 1989, Diệp Minh Tuyền phát biểu rất hăng hái trên diễn đàn đại hội. Sau đó, một số nhà thơ chúng tôi, trong đó có Diệp Minh Tuyền, được mời vào đọc thơ ở khoa Văn của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi tới lượt Diệp Minh Tuyền đọc thơ, anh xin phép được... ca. Anh đã hát rất sôi nổi bài “Đời mình là một khúc quân hành/Đời mình là bài ca chiến đấu/...” do chính anh sáng tác. Có lẽ đó là một trong những lần đầu tiên bài hát này được chính tác giả của nó hát phục vụ người nghe là thanh niên sinh viên. Bài hát hào hùng và xúc động ấy đã được cử tọa vỗ tay hoan hô nhiệt liệt. Và sau đó, nó đã trở thành bài hát gần như chính thức trong thanh niên và quân đội. Cho tới bây giờ, mỗi khi vùng biên giới biển đảo Tổ quốc ta đứng trước những nguy cơ bị xâm lấn, cứ nghe bài hát “Đời mình là một khúc quân hành” của Diệp Minh Tuyền, thế hệ những cựu binh như chúng tôi lại rạo rực rưng rưng lên như những ngày xưa ra trận.
Diệp Minh Tuyền đã đi vào chiến trường miền Nam khá sớm, ngay sau khi anh tốt nghiệp khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp và được về công tác tại Viện văn học. Là con trai một nhà giáo, một cán bộ cách mạng lão thành (ông Diệp Tư), lại có thành tích học tập tốt, nếu bình thường thì Diệp Minh Tuyền đã là nhà nghiên cứu văn học, rồi sẽ là một giáo sư tiến sĩ gì đó ở Viện văn học... Nhưng anh đã dứt khoát xung phong đi chiến trường. Và trở thành một nhà thơ - nhạc sĩ, một “người hát rong” của cuộc chiến tranh giải phóng. Đó là cách lựa chọn phổ biến của thế hệ thanh niên ngày đó, một cách lựa chọn có thể làm ngỡ ngàng nhiều người đang sống bây giờ. Nhưng khi Tổ quốc lâm nguy, đó là cách lựa chọn bình thường và hợp lẽ nhất: cách lựa chọn của những người sống vì lý tưởng yêu nước. Chính vì thế mà bài hát “Đời mình là một khúc quân hành” của Diệp Minh Tuyền thành một “ca khúc vượt thời gian” mà mỗi thế hệ, dù không cầm súng, vẫn có thể say sưa hát. Bởi đó là bài ca của một người yêu nước mình, của những người yêu nước mình.
Nhật Chung
Bình luận (0)