Chạm tới trách nhiệm văn chương với hiện thực
Nhà thơ Nguyễn Duy cho biết rất mừng, rất bất ngờ khi bài thơ được đưa vào đề thi như vậy. Có nhiều điều khác so với kiểu cũ.
Ông cho biết bây giờ người ta bắt đầu nhìn nhận đến giá trị thực tế của văn học đối với đời sống đương đại đang diễn ra. Có lẽ đây là điều mà trước nay chưa thấy ai làm. Đây là lần đầu tiên ra bài thi chạm tới trách nhiệm của văn chương đối với hiện tình của đất nước đang diễn ra.
Ông cũng cho biết bản gốc của bài thơ nằm trong tập bút ký của ông. Sau đó, trong bài viết “Hành trình thơ – Đánh thức tiềm lực”, ông đã nói rất rõ về hoàn cảnh ra đời bài thơ này.
Ông kể lại trong bài viết “Hành trình thơ – Đánh thức tiềm lực”: “Thời đó, gia đình tôi ở trong khu tập thể Hội Văn Nghệ thành phố:…lầu ba, nhà 190 Nam Kỳ Khởi Nghĩa/ tiếng tắc kè nhỏ giọt trong đêm/ tiếng mưa rừng nhỏ giọt trong trí nhớ/ vết đạn trên tường dù trát lại vẫn có màu vôi khác… Nghe tiếng tắc kè kêu trong thành phố, nhìn thấy ánh trăng một đêm cúp điện, lại nhớ về những cánh rừng xưa, những bạn lính cũ. Lại thương đến nhão lòng những ước mơ đơn sơ, mộc mạc một thời. Về với mẹ. Về với vợ con. Về với thanh bình vườn ruộng…”.
Ông bắt đầu một nỗi day dứt khác: “…Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non/ châu báu vô biên dưới thềm lục địa/ rừng đại ngàn bạc vàng là thế/ phù sa muôn đời sữa mẹ/ sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể/ còn mặt đất hôm nay – em nghĩ thế nào?/ lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?...”. Đó là nỗi day dứt của một thường dân. Một thường dân làm thơ:…Lúc này ta làm thơ cho nhau/ đưa đẩy mà chi mấy lời ngọt lạt/ ta ca hát quá nhiều về tiềm lực/ tiềm lực còn ngủ yên…”
Ông cho biết từng chút, từng chút, ý tứ bài thơ tượng hình dần trong tâm trí, đến đầu năm 1980 mới ngọ nguậy nở thành từng con chữ trên giấy. Những dòng chữ nặng nề và chậm chạp chở lênh đênh tâm sự trầm buồn chân thật như bọt bèo, như rều rác bập bềnh trôi trên dòng sông tuổi thơ. Thêm rồi bớt, viết rồi sửa, đến giữa năm 1982 bài thơ dài ra thành vài trăm dòng.
“Tôi tự thấy nó còn nôm na lắm, ngôn ngữ thơ chưa được như ý. Nhưng cái được ở đây là cái tâm tình thật của tôi. Thôi, cứ để thế. Tôi dừng bài thơ lại với đọan kết: Tôi muốn làm tiếng hát của em/ tiếng trong sáng của nắng và gió/ tiếng dẻo dai đòn gánh nghiến trên vai/ tiếng trần trụi lưỡi cuốc/ lang thang khắp đất nước/ hát bài hát Đánh Thức Tiềm Lực!” – ông viết trong “Hành trình thơ – Đánh thức tiềm lực”.
Hành trình của bài thơ
Theo nhà thơ Nguyễn Duy, lần đầu tiên ông công bố bài thơ là đọc tặng trước ông Võ Văn Kiệt, tức ông Sáu Dân – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM.
“Hồi đó, khỏang đầu thu năm 1982, ông Sáu chuẩn bị thôi giữ chức Bí thư Thành ủy để ra Hà Nội làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế họach Nhà nước. Ông Nguyễn Quang Sáng chợt nảy sáng kiến họp mặt vài anh em bạn ruột (ngay tại căn hộ lụp xụp của ông trong khu tập thể 194 B Nam Kỳ Khởi Nghĩa) để mời ông Sáu đến…chơi! “Quí trọng ông Sáu thì tụi mình mới mời ổng uống li rượu đế. Trước, để coi ổng có chịu đến (*) chơi không. Sau, để nói thẳng nói thật với ổng chút ít tâm sự của tụi mình về tình hình thế sự”. Ông Sáng xác định “mục đích và ý nghĩa” cuộc gặp như vậy, rồi gọi điện thọai “thử ” xin nói trực tiếp với ông Sáu. Ông Sáu nhận lời ông Sáng. Cuộc “chơi” hôm đó thật thoải mái và vui vẻ. “Phe văn nghệ” có nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Trần Long Ẩn, nhà thơ Nguyễn Bá (từ Cần Thơ lên) và tôi', nhà thơ Nguyễn Duy nhớ.
Nhà thơ Nguyễn Duy kể lại: " Ông Sáu nghe bài thơ xong im lặng chốc lát, rồi chậm rãi: “ Nặng lắm. Nhưng chịu được”.
Bình luận (0)