Nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương trút hơi thở cuối cùng vào 4 giờ sáng ngày 24.12 đã làm nhiều người bất ngờ và khóc hết nước mắt, dù bà lâm trọng bệnh tuổi già cũng khá lâu.
Nhà thơ tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương, sinh năm 1935 (trên giấy tờ khai năm 1937) tại Vỹ Dạ (Huế). Từ 1964 đến nay, bà đã xuất bản nhiều tập thơ Đợi mùa trăng (1964), Mộng thanh bình (1970), Còn gặp nhau (1999), Bâng khuâng tình khúc (2001), Thơ tình và tình thơ (2006), Thơ dâng Cha Mẹ (2007),... và tập văn xuôi Hồi ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Gia thị (1996, tái bản bổ sung 2002). Nhà thơ Hỷ Khương từng sinh hoạt trong Tao đàn Bạch Nga và Tao đàn Quỳnh Dao, là 2 tao đàn nổi tiếng trước đây.
Chân dung nhà thơ lúc trẻ |
MINH LÊ chụp lại từ tl gia đình |
Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Hương (giữa) với nhà thơ Lê Thị Kim (phải) và Tôn Nữ Thu Thủy |
FBNV |
Nữ thi sĩ Hỷ Khương từng sinh hoạt trong Tao đàn Bạch Nga và Tao đàn Quỳnh Dao nổi tiếng trước đây |
FBNV |
"Chung nòi nghệ sĩ vốn đa tình"
Thời còn đi học, hẳn những câu thơ của Ưng Bình Thúc Giạ Thị từng khiến nhiều người nao lòng mỗi khi nhắc đến Huế: Chiều chiều trước bến Văn Lâu/Ai ngồi ai câu ai sầu ai thảm/Ai thương ai cảm, ai nhớ ai trông/Thuyền ai thấp thoáng bên sông/Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non…, thì thật bất ngờ Ưng Bình chính là cha ruột của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, tác giả bài thơ nổi tiếng Còn gặp nhau sau này.
Bài thơ Còn gặp nhau của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương ra đời vào năm 1999, lưu truyền rộng rãi khắp nơi nhưng lâu nay cứ tưởng của dân gian nên thường để khuyết danh tên tác giả, ít ai biết đến nữ thi sĩ đã làm nên những câu thơ tài hoa: Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/Chuyện đời như nước chảy hoa trôi/Lợi danh như bóng chim chìm nổi/Chỉ có tình thương để lại đời… lại là Tôn Nữ Hỷ Khương.
Sinh ra trong một gia đình 5 đời trực hệ về thơ văn, nhà thơ Hỷ Khương gọi vua Gia Long là Tằng, vua Minh Mạng là Cao. Vì dòng dõi vua chúa nên ngay từ năm 8 tuổi, bà đã được cha dạy cho cách gieo vần thơ Đường luật. Lớn lên, Hỷ Khương vào học trường Quốc Gia âm nhạc Sài Gòn nhưng phải bỏ dở vì cụ Ưng Bình không thể xa cô con gái rượu. Đến năm 1961, khi ông mất thì Hỷ Khương mới rời quê hương định cư ở Sài Gòn. Bà tham gia Tao Đàn Bạch Nga, Tao đàn Quỳnh Dao và cộng tác với nhiều tờ báo danh tiếng thời bấy giờ, trong đó Phổ thông tạp chí là nơi bà in thơ nhiều nhất, hầu như số nào cũng đăng thơ Hỷ Khương. Nhà thơ Hỷ Khương còn “bật mí”: BS Phạm Ngọc Thạch chính là anh em cô cậu ruột với bà và tại Huế, có 3 người là cha của bà là Ưng Bình, ông nội Hồng Thiết và ông cố Tuy Lý Vương đều đã được trân trọng đặt tên 3 con đường lớn của đất cố đô.
Nhà thơ còn được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục |
Bà từng nhận được giải thưởng Đào Tấn |
T.L |
Trong tập thơ Cung đàn tri kỷ tri âm in những bài thơ xướng họa của hai người, GS – TS Trần Văn Khê kể: “Ngày 7.3.1989, Hỷ Khương tổ chức hội thơ Quỳnh Giao tại Thùy Khương Trang để đọc và ngâm những bài các bạn họa bài Tự thuật của tôi đã làm tại Honolulu. Hôm đó thật bất ngờ. ‘Âm nhạc đã lạc vào vườn thơ và được dự quần hội tao nhân thật bất ngờ… Cuộn băng ghi âm kỷ niệm tôi đem về Pháp và lúc nào nhớ bạn thơ, nhớ hiền muội tôi đem ra nghe. Khi cho băng chạy trong máy, tôi thấy đàn tranh hòa theo. Người ngâm thơ và tiếng đàn đệm cách nhau hơn 10 ngàn cây số, thời gian ghi tiếng thơ ngâm cách nhau 2 tháng… nhưng khi nghe lại tưởng chừng trong cùng một thời điểm và thi nhân, nhạc sĩ đang ngồi cạnh nhau trong một gian nhà. Tôi chép lại thơ – nhạc trong hai cuộn băng gởi về cho Hỷ Khương hiền muội để kỷ niệm lần nhạc lạc vườn thơ và anh em xướng họa”.
Sau bao ngày tháng xa cách, ngày gặp lại hiền huynh GS – TS Trần Văn Khê trở lại Việt Nam, Hỷ Khương cảm động viết: “Mừng đón hiền huynh trở lại đây/Duyên thơ càng thấm tứ thêm đầy/Thu sang cúc đượm màu nghiên bút/Nhạc trỗi thi đề hội nước mây”, GS họa lại ngay: “Không ngờ được sớm trở về đây/Suối nhạc dòng thơ nước vẫn đầy/Trầm bổng nhạc reo vang đất nước/Trắc bình thơ vọng ngút trời mây...”.
Nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương bên cạnh những câu thơ hay của bà được khắc trên đá |
QUỲNH TRÂN |
Vậy mà sáng sớm nay, nữ sĩ Tôn Nữ Hỷ Khương cùng đã đi theo hiền huynh của mình về trời như những câu thơ bà dành tình cảm cho GS Trần Văn Khê: “Anh em mình chung một tháng sinh/Chung nòi nghệ sĩ vốn đa tình/Tình cùng thơ nhạc say ngâm hứng/Tình với non sông nguyện bóng hình”.
Nhà thơ Trần Mai Hường kể: "Cách đây 3 ngày Ban Nhà văn nữ (Hội Nhà văn TP.HCM) đã đến thăm chị Hỷ Khương. Lúc đoàn đến, chị ấy mắt nhắm nghiền nằm thiêm thiếp vậy mà khi chị đọc thơ chị ấy: Còn gặp nhau thì hãy cứ vui/Cuộc đời như nước chảy hoa trôi/Lợi danh như bóng mây chìm nổi/Chỉ có tình thương để lại đời... Chị ấy như bừng tỉnh còn cười tươi nữa và đọc hết bài thơ ấy. Thương vô cùng".
Hiện công việc hậu sự đang được ông Trần Bá Thùy, chồng của nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương lo lắng chu tất. Ông vừa gọi báo tin cho PV Thanh Niên thông báo lễ nhập quan diễn ra vào 17 giờ ngày 24.12, hỏa táng 8 giờ sáng chủ nhật 26.12.2021. Tang lễ nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương tổ chức tại tư gia 339/10 Lê Văn Sỹ, P.13, Q.3, TP.HCM.
Bình luận (0)