"Tôi không tán đồng quan điểm với tổng thống là nếu chúng ta đánh Cuba, họ sẽ tấn công Berlin mặc dù vấn đề Berlin luôn buộc chúng ta phải dè chừng. Bây giờ nếu chúng ta không có hành động quân sự mạnh ở Cuba, họ sẽ nghĩ chúng ta chỉ là những kẻ bám đuôi", LeMay lập luận.
Kennedy cắt ngang: "Ông nghĩ họ sẽ chẳng trả đũa gì cả nếu chúng ta tấn công Cuba à ? Khi nào họ có động thái (ở Berlin), chúng ta sẽ đánh. Tôi không nghĩ việc đánh Cuba sẽ thay đổi được tình hình ở Berlin, trừ phi ông có một đề nghị khác".
Bị dồn, viên tướng lắp bắp: "Tôi không thấy có một giải pháp nào khác. Giải pháp phong tỏa, đàm phán chính trị, tôi nghĩ sẽ dẫn đến chiến tranh. Điều này tệ hại không khác thỏa hiệp nhượng bộ ở Munich là mấy. Theo tôi, không có giải pháp nào khác ngoài việc tấn công quân sự trực tiếp, ngay bây giờ".
LeMay lên giọng làm cả hội đồng nín thở. Ông ta đã đi quá giới hạn của một lời khuyên dành cho tổng thống mà còn có vẻ như bất tuân thượng lệnh. Thậm chí, ông ta lôi cả thỏa hiệp Munich ký năm 1938 với Hitler ném vào mặt Kennedy chẳng khác gì phỉ báng tổng thống. Bất kỳ ai trên bàn họp lúc ấy đều biết rất rõ cha của John F.Kennedy - ông Joseph P.Kennedy là đại sứ Mỹ ở Anh trong những năm 1938 - 1940 và là người rất ủng hộ các thỏa hiệp tránh chiến tranh để đổi lấy hòa bình trên. Kennedy không nói gì, vài giây sau, viên tư lệnh không quân tiếp tục "tấn công":
"Tôi nghĩ là việc phong tỏa đường biển và đàm phán chính trị sẽ bị đồng minh và các nước trung lập, thậm chí cả người dân Mỹ nghĩ rằng đây là sự đáp trả quá yếu kém. Hay nói một cách khác, ngài (tổng thống) đang phản ứng không đúng sách với thực tại".
Kennedy có vẻ nghe không rõ hoặc nghĩ rằng mình nghe nhầm: "Ông vừa nói gì ?". "Tôi nói là - ngài phản ứng hơi kém về vụ này", LeMay đáp. "Vào đây với tôi" - Kennedy yêu cầu với nụ cười chua chát "với tư cách cá nhân".
Chiều thứ hai, ngày 22/10/1962
Thông tin về chiến dịch phong tỏa được gửi đến tất cả các nhà lãnh đạo nước ngoài, các tòa đại sứ, tổng lãnh sự Mỹ trên khắp thế giới. Khi Kennedy chuẩn bị lên truyền hình vào tối hôm ấy, cuộc di tản ở căn cứ hải quân Guantanamo bắt đầu. Đến 4 giờ chiều, khoảng 2.500 thân nhân các quân nhân được 15 phút để chuẩn bị hành trang, mỗi người một túi nhỏ gọn, lên đường đến Norfolk, Virginia. Paul Nitze - trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng về an ninh vụ thế giới, bắt đầu cuộc họp với Hội đồng An ninh quốc gia. Kennedy cố tìm cách thoát khỏi cuộc chiến nguyên tử có thể nếu Liên Xô phản ứng lại việc Mỹ phong tỏa đường biển hoặc không kích Cuba bằng cách tấn công các vị trí triển khai hỏa tiễn Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Kennedy đã đề cập đến khả năng này lần đầu tiên vào ngày 20/10, đề nghị các tướng tư lệnh liên quân ra lệnh cho các căn cứ hỏa tiễn không được khai hỏa trừ phi có lệnh tổng thống. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng - Roswell Gilpatric báo cáo 15 phi đạn ở Thổ Nhĩ Kỳ đã vào tư thế báo động sẵn sàng tác chiến. Kennedy quay sang Nitze để đảm bảo mệnh lệnh của ông được hiểu một cách đúng nghĩa hoàn toàn: "Chúng ta cần truyền ngay mệnh lệnh mới, Pau". "Vâng thưa ngài, tôi sẽ truyền lệnh ngay lập tức," - Nitze đáp. Rồi thông báo cho tổng thống biết Hội đồng Liên quân đề xuất ý kiến phải thông báo cho NATO biết trong trường hợp đánh trả.
"EDP của NATO cũng cần nhận được ý định của chúng ta một cách rõ ràng (trong trường hợp bị tấn công bằng vũ khí nguyên tử), thưa tổng thống". Nitze nói.
"EDP là cái gì ?" - Kennedy hỏi.
"Kế hoạch phòng thủ châu u" - Nitze đáp lạnh lùng. "Là chiến tranh hạt nhân".
Tối thứ hai, ngày 22/10
5 giờ chiều, tổng thống triệu tập cuộc họp khẩn gồm các cố vấn trụ cột và khoảng 20 chính khách lãnh đạo của cả hai đảng. Các quan chức này lập tức bay về Washington dự họp bằng máy bay quân sự, thậm chí có người chỉ nhận được lệnh triệu tập trước đó 2 tiếng đồng hồ. Phiên họp mở đầu bằng bản báo cáo chi tiết của Giám đốc CIA - John McCone và Lundahl. Kennedy nhận định: "Nước Mỹ sẽ đứng trước khả năng trở thành mục tiêu của các phi đạn hạt nhân. Khrushchev có thể sẽ đánh chiếm Berlin và sự hợp nhất của NATO có thể bị đổ vỡ".
Và ông quyết định: "Bắt đầu từ tối nay, chúng ta sẽ phong tỏa Cuba theo hiệp ước phòng thủ Rio (1947). Chúng ta sẽ kêu gọi các nước trong hiệp ước Rio nhóm họp và hy vọng sẽ kiếm được 2/3 số phiếu để hợp thức hóa việc phong tỏa. Chúng ta sẽ bắt đầu việc phong tỏa các chuyến tàu đến Cuba, nhưng không phải cứ gặp tàu nào cũng chận. Nếu tình hình xấu hơn, việc phong tỏa sẽ siết chặt thêm... Nếu có ý kiến phản bác nào thuyết phục, tôi sẵn sàng lắng nghe".
(Còn tiếp)
Lê Huỳnh Lê
Bình luận (0)