Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu: "Tôi chưa bao giờ có ý định viết về sex"

28/09/2005 23:04 GMT+7

Buổi giới thiệu tập truyện ngắn Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu dù tổ chức đúng vào thời điểm bão số 7 đang hoành hành vẫn hội tụ đầy đủ các tên tuổi trong làng văn. Một cuốn sách mà cho tới lúc in ra, NXB Đà Nẵng vẫn chưa dám thở phào nhẹ nhõm. Hoàng Diệu đã trả lời những câu hỏi trong buổi giới thiệu sách.

* Trên tờ Khám phá, chị đã nói rằng: "Văn chương không phải và không thể là quan trọng nhất trong cuộc sống của tôi". Một người viết văn chuyên nghiệp liệu có thể nói nhẹ tênh như thế?

- Có một chút nhầm lẫn ở đây chăng? Chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ đi theo con đường chuyên nghiệp. Tôi cũng không xác định mình sẽ sống chết vì văn chương.

* Vậy hiện tại, cái gì ràng buộc chị với văn chương?

- Những gì tôi viết ra, cho đến bây giờ đều bởi thích thì viết. Vì vậy, trước khi đặt bút xuống, tôi chẳng bao giờ phải băn khoăn vì những câu hỏi: sẽ viết cổ điển hay hiện đại, sẽ cách tân hay không cách tân.

* Người ta nói rằng, trước Đỗ Hoàng Diệu thì độc giả VN đã quá quen thuộc và sắp nhàm với... sex của Cửu Đan, Xuân Thụ, Vệ Tuệ rồi. Cuộc kết hợp oái oăm và kinh dị giữa cô con dâu với một tập thể những linh hồn nhà chồng trong Bóng đè phải chăng là một cách học đòi hoặc đổi vị?

- Tôi xin khẳng định là tôi không viết về sex. Có thể trong quá trình viết, tôi đề cập đến sex. Nhưng đó là mượn sex như một ẩn dụ để nói về vấn đề khác. Tôi chưa bao giờ có ý định viết về sex cả.

* Đồng ý là chị không viết về sex và sex của Bóng đè mang tính biểu tượng. Nhưng để cho một nhân vật nữ phải gồng gánh chừng ấy sức nặng từ  những ám ảnh quá khứ và mặc cảm lịch sử, chỉ vì cô ta là phụ nữ Việt Nam, như vậy có quá không?

-  Đó là một lẽ đương nhiên. Vì bản chất của người phụ nữ Việt Nam vốn là  nhẫn nhịn và chịu đựng.

* Tại sao trong truyện của chị lại xuất hiện nhiều hình ảnh người đàn ông Trung Hoa - một cách mạnh mẽ và đầy uy lực đến vậy?

- Tôi xin đính chính, nhân vật cô gái trong Vu quy yêu người đàn ông Trung Hoa chứ tôi chưa biết tôi có yêu hay không. Dù nói gì đi nữa, Trung Hoa ở sát Việt Nam và từ nhiều đời trước đã có mối quan hệ và ảnh hưởng nhất định. Tôi không cố ý nhưng sự xuất hiện của những người đàn ông Trung Hoa như là một cái gì đấy ở sẵn trong tâm thức của mình.

* Một người viết văn trẻ sao cứ phải trói mình vào những mặc cảm lịch sử, mặc cảm nhược tiểu, mặc cảm chiến tranh như thế?

- Mỗi bận tôi về quê, bước vào căn nhà của bố mẹ tôi, ngay từ cổng tôi đã trông thấy một cái bàn thờ quá to ở giữa nhà, hình ảnh của tổ tiên tôi. Tôi làm sao quên được quá khứ. Trong Bóng đè, Vu quy, có dằn vặt của quá khứ. Nhưng tôi cũng mơ ước đấy chứ. Trong Bóng đè, tôi có hình ảnh bàn tay, bàn tay đưa tôi thoát ra và trong Vu quy, có nắng, nắng rất đẹp. Nghĩa là tôi vẫn muốn thoát ra khỏi quá khứ, khỏi Bóng đè.

- Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên: Những phản ứng nhiều chiều cho thấy Bóng đè quả thực là một hiện tượng văn học thách thức cảm nhận và đánh giá của giới trong nghề, và của giới độc giả rộng rãi. Vì tư tưởng của tác phẩm, vì cách viết của tác giả. Truyện ngắn Đỗ Hoàng Diệu gần như chủ yếu viết về phụ nữ và dục tính. Phụ nữ trong quan hệ với dục tính, nhưng quan trọng hơn, phụ nữ và dục tính trong quan hệ với xã hội và lịch sử. Ở đây, có phần nào màu sắc nữ quyền. Tuy nhiên, chị dùng người nữ và chuyện dục tính như một bộ mã để gửi đi một thông điệp của mình cho cuộc sống này.

- Nhà văn Châu Diên: Đây là cuốn sách mà tôi kính trọng.

- Dịch giả Trần Tiễn Cao Đăng: Tôi không thích cách hành văn của Đỗ Hoàng Diệu. Văn chương được tôi đánh giá cao phải là văn chương giản dị, dứt khoát, trực tiếp. Qua Đỗ Hoàng Diệu, tôi thấy người viết văn Việt Nam vẫn bị ràng buộc bởi những mặc cảm về quá khứ, mặc cảm nhược tiểu. Tôi mong được đọc những nhà văn mới, viết với một phong thái hào sảng.

- Độc giả Hoàng Hạc (Canada): Cách hành văn như của Đỗ Hoàng Diệu ở VN có thể là mới, nhưng nếu so sánh, không đâu xa với ngay Trung Quốc thôi thì không có gì mới cả.

Hương Lan
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.