Lệ Lý Hayslip đang triển khai các hoạt động Nha học đường do Làng toàn cầu tài trợ ở Quảng Nam, Đà Nẵng và thực hiện nhiều công việc riêng tư khác. Mặc dù đã 66 tuổi, lại đi xa các con và cháu nội cách hơn nửa vòng trái đất, bà vẫn là người hoạt động năng nổ ở nhiều lĩnh vực đồng thời gắn bó với làng quê Hòa Hải của mình. Tôi, bà cùng những người bạn Nhật, Việt Nam đi thuyền ngược sông Thu Bồn và bất ngờ bị cuốn vào những câu chuyện văn hóa.
|
Hết lòng vì quê hương
Bà đã không ngần ngại trả lời nhiều câu hỏi. Theo bà, lần này sẽ ở lại đến hết tháng 4. Việc đầu tiên là đến làng quê của người bạn ở Đại Lộc và về làng Hòa Hải để cùng gia đình, tộc họ tổ chức các buổi lễ tế xuân, mà ông bà mình thường gọi là lễ Kỳ Yên để cầu quốc thái dân an, cầu tịnh độ cho những nạn nhân đã ngã xuống trong chiến tranh, dù là người của bên nào và cả những thường dân bị tên bay đạn lạc. Trong các buổi lễ này, bà sẽ mời các nghệ sĩ tuồng diễn các trích đoạn Phước Lộc Thọ truyền thống để cầu mong bà con mình cùng yên lành, thịnh vượng trong cuộc sống…
“Tôi muốn đến nhiều làng quê, làng nghề truyền thống. Hiện tôi đang có hơn 5.000 địa chỉ email của các cộng sự, bạn bè trên toàn cầu, ở Mỹ có nhân viên giúp tôi đặt các quan hệ, chia sẻ thông tin hằng ngày theo từng nhóm nội dung. Hy vọng có thể kết nối được các chương trình hợp tác khác cho quê hương”, Lệ Lý Hayslip nói.
“Sau cuốn Khi trời đất đổi thay, chị đã viết thêm những gì?”, tôi hỏi. Bà đáp vẫn viết nhiều và viết những gì mình đã trải nghiệm. Cuốn Trẻ thơ trong chiến tranh, thiếu phụ trong hòa bình (Child of War, Woman of Peace) xuất bản năm 2003 và nhiều tập sách giáo dục đạo đức cho học sinh của bà đã được đưa vào chương trình giáo dục ở Mỹ. “Nhiều cuốn khác, cả thơ nữa (cười) nhưng chưa xuất bản, vì như anh thấy, tôi di chuyển suốt ngày này qua ngày nọ, hết khách sạn này đến các nhà nghỉ bình dân khác và cả những vùng quê, ăn uống ở mọi nơi, ăn với bà con nông dân, không cần nhà hàng với công tác từ thiện từ Đông Tây hội ngộ đến Làng toàn cầu… Nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là tôi đang ở trọ trên trần gian vậy! Ở trọ với tất cả tấm lòng yêu thương cuộc đời, yêu thương con người”, bà bày tỏ.
Cổ súy cho hòa bình, phi bạo lực
Trước câu hỏi Đông Tây hội ngộ đã giúp đỡ được rất nhiều người qua các dự án văn hóa, y tế, xã hội; nhất là ở quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, nay lại lập và làm Chủ tịch Tổ chức Làng toàn cầu với mục tiêu gì? Lệ Lý Hayslip cho biết: “Làng toàn cầu hướng đến giúp đỡ những trẻ em bất hạnh và nông dân nghèo. Chú trọng chăm sóc sức khỏe, văn hóa nhiều hơn. Trên trang globalvillagefoundation.org (GVF), chúng tôi đã nêu mục đích rất rõ, đó là các hoạt động nhân đạo, cổ súy cho hòa bình, phi bạo lực. Thành lập từ năm 1999 đến nay, với sự cộng tác của đạo diễn Oliver Stone và diễn viên Martin Sheen, đây là tổ chức phi lợi nhuận. Từ năm 2005 đến nay, GVF đã trao các giải thưởng Nhịp cầu hòa bình (Bridge of Peace) cho các nhân vật tên tuổi như Ngoại trưởng John Kerry, Thượng nghị sĩ John Mc Cain, Đại sứ Peter Peterson, Ron Kovic, thiền sư Thích Nhất Hạnh... vì những nỗ lực vận động xóa bỏ cấm vận, thiết lập quan hệ Việt - Mỹ. Đầu năm 2014 vừa rồi, đến lượt Làng toàn cầu được Tổ chức World Affairs Council (WAC) ở Mỹ trao giải Công dân toàn cầu (World Citizen). Hoạt động của GVF nói chung không chỉ tài trợ cho các dự án như thư viện lưu động, tổ chức ngày hội đọc sách cho học sinh ở nông thôn, xây dựng nhà cho người nghèo, cầu nông thôn... mà chúng tôi còn vận động các thiện nguyện trẻ ở các nước đến Việt Nam để tạo ra nhận thức (how - know) trong cộng đồng, nhất là các bạn trẻ trong nước. Ở Quảng Nam - Đà Nẵng, hiện có một dự án liên quan đến bảo vệ răng cho trẻ em thông qua chương trình Nha học đường nhưng tiến triển còn khá chậm chạp”.
Lệ Lý Hayslip nói thêm bà muốn hợp tác sưu tập những làn điệu ca dao tục ngữ, đồng dao, hát hò khoan của quê mình, tổ chức những buổi giao lưu như vậy để ghi chép, lưu giữ những giá trị văn hóa của cha ông; kể cả trong chiến tranh. “Hồi nhỏ đi giữ trâu hay theo mẹ đi cấy, tôi nghe và thuộc nhiều câu ca dao, nhiều bài vè, đồng dao hay lắm, nhưng bây giờ còn nhớ quá ít”, bà thú nhận.
Bà Lệ Lý Hayslip tuy rời xa Việt Nam hơn 40 năm nhưng vẫn nhớ rất nhiều những bài ca dao, những điệu hát hò khoan rất hay. Suốt giờ nghỉ trưa bà say sưa ngồi hát, lúc thì cười, lúc lại đăm chiêu, xa vắng… Bà nói chính những bài ca điệu hát ấy của quê hương đã nuôi dưỡng bà, cả trong trang viết lẫn công tác từ thiện.
Nhà văn nữ Lệ Lý Hayslip, tên thật là Phùng Thị Lệ Lý, quê ở Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng. Bà đã trải qua một số phận nghèo khó, nghiệt ngã trong chiến tranh như nhiều thiếu niên khác ở vùng quê mình. Năm 1973, bà theo chồng định cư ở Mỹ. Cuốn tiểu thuyết bà viết Khi trời đất đổi thay (When Heaven and Earth Changed Places) sau đó đã được đạo diễn nổi tiếng Oliver Stone (Mỹ) dựng thành phim Trời và đất đã đưa bà trở thành một nhà văn được chú ý. Bà trở về Việt Nam, sáng lập các tổ chức: Đông Tây hội ngộ (East Meets West), Làng toàn cầu (Global Village Foundation - GVF), thu hút sự tham gia của nhiều chính khách, nhiều nhà văn hóa, hoạt động xã hội ở Mỹ và thế giới.
|
Trương Điện Thắng
>> Tưởng niệm nhà văn Nguyễn Quang Sáng
>> Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh bội thu giải thưởng FAHASA
>> Nhà văn Nguyễn Đình Tú có niềm vui lớn
>> Nhà văn Nguyễn Trí giao lưu với độc giả TP.HCM
>> Giao lưu với nhà văn Nguyễn Đông Thức
>> Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp 36 hội viên mới
Bình luận (0)