Nhạc của ai ? Lời của ai ? - Bài cuối: Râu ông, cằm bà

21/02/2006 22:15 GMT+7

Đôi khi vì thành ý, lắm lúc do... cố tình mà tên của các tác giả ca khúc cứ bị "hô biến" tùy theo "hoàn cảnh" nhằm qua mắt các cơ quan quản lý văn hóa và để bài hát đến được với công chúng.

Lùi xa hơn một chút về thời gian, ca khúc Thương về miền Trung (đích xác là của nhạc sĩ Duy Khánh) được đóng "mác" là sáng tác của Minh Kỳ, từng được liệt vào dạng "top" một thời. Rồi bài hát Ngày xưa lên năm, lên ba cũng được mang ra và gắn tên một tác giả lạ hoắc: Duy Thiên ("chơi... chữ" - vì đây là tác phẩm của Duy Khánh - Trầm Tử Thiêng) đàng hoàng xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thực tế có khá nhiều nhạc sĩ tên tuổi ở miền Nam (trước 1975) hiện đang sinh sống ở nước ngoài nhưng chưa rõ nhân thân hay quá trình hoạt động của họ ở hải ngoại nên tính phổ biến tác phẩm của họ ở trong nước bị hạn chế là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, có khá nhiều nhạc phẩm của họ đã

Một số nhạc phẩm bị “nhầm lẫn”...

được phổ biến và hằn sâu vào ký ức của người nghe trong nước như Ai ra xứ Huế, Thương về miền Trung... (Duy Khánh), Đường xưa lối cũ, Gạo trắng trăng thanh, Mùa thu Đông Kinh... (Hoàng Thi Thơ), Mười bài không tên, Em đến thăm anh đêm 30, Tình khúc thứ nhất... (Vũ Thành An và phổ thơ Nguyễn Đình Toàn), Trộm nhìn nhau, Kinh khổ... (Trầm Tử Thiêng). Dù biết có những ca khúc bị đánh tráo tên tác giả nhưng họ vẫn "làm lơ" và có lẽ các cơ quan quản lý văn hóa trong nước cũng "làm lơ" luôn.

Một chuyện không thể không nhắc đến là chuyện trùng tên giữa các nhạc sĩ thế hệ A và thế hệ B (tạm gọi như thế). Trước 1975, nhạc sĩ Hoài An từng là một tên tuổi trong dòng nhạc boléro với các ca khúc Câu chuyện đầu năm, Dựng một mùa hoa, Gởi ánh trăng thề, Kỷ niệm nào buồn, Tấm ảnh không hồn... Nhạc sĩ Hoài An hiện sống gần chợ Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình - TP.HCM) nhưng do tuổi cao và bệnh tật nên ông không còn minh mẫn. Có một nhạc sĩ trẻ cũng tên Hoài An nổi lên ở thập niên 90 với các ca khúc rất được giới trẻ ưa thích: Hãy quay về cùng em, Bên em mùa xuân, Tình thơ, Bài Tango xa rồi, Chờ phone của em... Cũng thế, trước đây từng có một nhạc sĩ Tuấn Khanh (sinh năm 1933) nổi danh với những: Hoa soan bên thềm cũ, Quán nửa khuya, Nhạt nhòa, Dưới giàn hoa cũ - đặc biệt là ca khúc Chiếc lá cuối cùng được nhiều người yêu thích. Thập niên 90, ở TP.HCM lại xuất hiện nhạc sĩ trẻ Tuấn Khanh, tác giả của các ca khúc: Cánh buồm đỏ thắm, Rêu phong, Chuyện nhỏ, Trả nợ tình xa... Oái oăm hơn: nếu Tuấn Khanh nổi tiếng với Chiếc lá cuối cùng thì Tuấn Khanh (trẻ) cũng sáng tác Chiếc lá đầu tiên cho nó... "đối xứng" chăng? Ở Hội m nhạc TP.HCM còn có một nhạc sĩ tên Nguyễn Tuấn Khanh nữa nhưng anh chỉ làm nghiệp vụ văn phòng.

Thơ và nhạc thường như hình với bóng, cố thi sĩ Kim Tuấn trước đây đã từng có đến 17 bài thơ được phổ nhạc (trong đó có 2 ca khúc rất quen thuộc là Những bước chân âm thầm do Y Vân phổ nhạc và Anh cho em mùa xuân do Nguyễn Hiền phổ nhạc). Lại có một nhạc sĩ trẻ có tên Kim Tuấn, tác giả của Biển cạn, Nỗi đau dĩ vãng, Hương nồng... Vẫn biết ai cũng có quyền muốn lấy bút danh, nghệ danh nhưng việc trùng tên ở những người cùng hoạt động trong một lĩnh vực (ở đây là sáng tác nhạc) thì rất dễ gây hiểu lầm và khó tránh được những trường hợp nhập nhằng "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Trên trang web dactrung, bài viết về nhạc sĩ Kim Tuấn với 2 ca khúc Hương nồng, Nỗi đau dĩ vãng nhưng phần Tiểu sử lại ghi: "Kim Tuấn tên thật là Vĩnh Khuê, hậu duệ dòng Tùng Thiện Vương Miên Thẩm. Sinh ngày... mất ngày... thọ 65 tuổi". Còn nếu vào trang thuquan sẽ thấy những ca khúc Câu chuyện đầu năm, Kỷ niệm nào buồn  sánh vai cùng Bài Tango xa rồi, Bên em mùa xuân, Chờ phone của em... tất cả đều là tác phẩm của một nhạc sĩ Hoài An! Cũng ở trang web này, 17 ca khúc của hai nhạc sĩ Tuấn Khanh (già và trẻ) được gộp chung vào một mục Nhạc sĩ Tuấn Khanh cho nên nghe "...Rượu cạn ly uống say lòng còn giá, lá  trên cành một chiếc cuối bay xa" (Chiếc lá cuối cùng) bên cạnh "...Mắt đẹp cớ sao nhìn em. Khiến em lo buồn như đời đổi thay...Oh...oh...hey...hey...I love you ! Oh...oh...hey...hey...I need you !" (Mắt đẹp) nghe vừa thê thiết vừa buồn cười !

Hà Đình Nguyên

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập - Phó tổng thư ký Hội m nhạc TP.HCM: "Đối với một nhạc sĩ, khi biết tác phẩm của mình bị nhầm lẫn, dù vô tình hay cố ý, đều cảm thấy rất đau lòng, tôi nghĩ vậy. Với trường hợp cầm nhầm ca khúc,  không có cách giải quyết nào tốt hơn ngoài việc bản thân tác giả biết tự trọng, nghiêm túc trong sáng tác, nghề nghiệp. Những trường hợp tác giả bị nhầm không rõ lai lịch, hay chính họ cũng không biết vì sao có tên trong bài hát, thì trách nhiệm thuộc về nhà sản xuất và cơ quan cấp phép.  Làm công tác quản lý mà không nắm rõ tác giả, tác phẩm, bản quyền... thì thiếu trách nhiệm quá. Tôi nghĩ đây là vấn đề khá nhức nhối... Có vẻ như chúng ta đã hời hợt với sự tôn trọng quyền tác giả".

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện: "Vấn đề này theo tôi xuất phát từ ca sĩ. Lâu nay dường như họ rất ít chú ý đến tác giả và mối quan hệ giữa ca sĩ - tác giả hầu như không có. Hơn nữa, gần đây các ca sĩ thường tự biên tập album của mình; nếu có hãng sản xuất thì lại thiếu người biên tập có chuyên môn... nên chuyện nhầm lẫn, sai sót là rất dễ xảy ra. Vì thế khi chọn một ca khúc để thể hiện, tốt nhất ca sĩ nên liên lạc với tác giả để tránh những trường hợp nhầm lẫn, sai sót".

Nguyên Vân (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.