Anh có bao giờ nghĩ có một ngày nhạc của mình ai ai cũng thuộc và khắp nơi hát theo trong mọi cuộc vui, buồn trong đời sống?
Bất kỳ ai, trước khi làm việc gì cũng từng ít nhất một lần nghĩ về kết quả của nó. Tôi cũng có nghĩ tới một ngày nào đó mình sẽ nổi tiếng. Thực sự "có nghĩ tới", nhưng trước đó tôi không có nhiều xác suất để tin.
Anh tìm những ý tứ câu chuyện từ đâu để sáng tác nên những ca khúc "chạm đến trái tim" số đông người nghe?
Ý tưởng, cảm xúc luôn "giao tiếp" với mình bằng một cách nào đó đơn giản nhất, như qua sách báo, cảm xúc vu vơ, xem phim, trải nghiệm thực tế. Cảm xúc muôn hình vạn trạng, người sáng tác phải mở lòng ra để đón lấy một chút cảm xúc nào đó thì mới có thể phát triển thành một bài hát. Tôi nghĩ khi càng tập trung, càng ép mình vào khuôn khổ đề tài, thì cái ta thu về được chỉ là vài dòng chữ nghĩ ra từ kiến thức khi phân tích về đề tài ấy. Như vậy thì sẽ thiếu cảm xúc. Tôi tin một chủ đề luôn cho ta rất nhiều cảm xúc để sáng tác.
Vì sao anh lại chọn dòng nhạc trữ tình, không quá trẻ trung nhưng cũng không thuộc loại "già" khó nghe, để lấy đó định hình phong cách sáng tác cho mình?
Thực ra tôi không hề chọn "dòng nhạc", mà cái tôi chọn là làm sao để làm hài lòng khán giả. Với nghề nhạc, đối tượng tôi hướng đến là "khán giả", không phải "khách hàng". Khán giả nghe nhạc là để làm mềm cảm xúc. Hỉ nộ ái ố, khán giả có đủ cả, nên tôi luôn phân tích khán giả thích nghe thể loại nào, lối văn phong nào, chủ đề nào… rồi cứ thế mà phụng sự khán giả thôi.
Xuất thân từ người làm kỹ thuật, vốn là một lập trình viên, từng mở công ty thiết kế web, vậy con đường nào đưa anh trở thành một nhạc sĩ?
Năm 2008, tôi có mở một công ty thiết kế website. Năm 2010, tôi gặp tai nạn giao thông, phải mất gần 1 năm để khắc phục hậu quả. Và trong 1 năm đó, tôi mất đi rất nhiều khách hàng. Tôi chuyển hướng sang thiết kế website cho các nghệ sĩ. Tìm được phương thức liên hệ với nghệ sĩ thì không khó, nhưng làm sao để liên hệ được với họ mới là chuyện "khó như lên trời" vì lúc đó tôi chưa là ai cả và giờ giấc sinh hoạt của họ cũng khác giờ hành chính của mình. Mãi không liên hệ được. Tôi cảm nhận giới nghệ sĩ cứ như có một bức màn vô hình ngăn cách riêng, khó tiếp cận. Tức mình quá, nên tôi đăng ký đi học nhạc, để tiếp cận. Rồi dần dần, tôi không nhớ mình bỏ nghề lập trình khi nào, và cũng không biết mình thành nghệ sĩ từ bao giờ.
Ca từ trong nhạc của anh rất đời thường nhưng cũng đậm chất thơ văn, và nhiều người cũng nói cái hay của Đông Thiên Đức là "trong nhạc có thơ", như câu hát "Ngày hôm ấy em đi trong mưa, thế nhưng lại quên tim không khóa cửa, để cho mưa lân la hỏi thăm, lẻn vào trộm đi khế ước trăm năm…"; hay như: "Anh vội bán đôi cánh chim quyên để đổi lấy đôi khóa ly biệt, khóa duyên mình…". Có lẽ từ nhỏ anh rất giỏi văn?
Tôi thích đọc sách và vẫn duy trì thói quen đó đến bây giờ. Có lẽ kiến thức tôi đúc kết từ sách là nhiều, chứ tôi không dám nhận mình là người học giỏi môn văn.
Mảnh đất miền Trung, cụ thể là quê hương Bình Định, nơi anh sinh ra và lớn lên, đã hun đúc được điều gì, đức tính hay khát vọng gì trong anh?
Tôi tự hào và cảm thấy rất may mắn được sinh ở mảnh đất khô cằn, lớn lên cùng những người con miền Trung lam lũ, được thừa hưởng tính tự lập, cần cù, nghị lực của quê hương và con người miền Trung. Tôi có một câu ghi nhớ mãi trong đầu để làm động lực vượt mọi khó khăn là: "Bão lũ, thiên tai, nắng gió, lụt lội còn không quật nổi nghị lực của dân mình, mấy cái khó khăn này có thấm tháp gì với ta".
Không chỉ thành công với những ca khúc về tình yêu đôi lứa, Đông Thiên Đức gần đây còn nổi tiếng với các ca khúc về quê hương đất nước, hay gia đình như Một vòng Việt Nam, Cơm đoàn viên… Lý do anh chọn mảng đề tài này? Khi viết đề tài này, anh có tin cũng sẽ ăn khách?
Tôi rất tự tin khi viết về đề tài quê hương, đất nước, con người, gia đình… Bởi trước đây tôi chưa khai thác nhiều ở mảng đề tài này, nên có rất nhiều câu chuyện để viết. Cái quan trọng là cảm xúc về đề tài này luôn đong đầy trong tôi, bởi sự biết ơn như tôi đã nói ở trên.
Để thành công, được nhiều ca sĩ săn đón, đặt hàng ca khúc như hiện giờ, chắc có lẽ ít ai biết những gian truân, khó khăn mà anh đã trải qua trong nghề. Anh có thể chia sẻ thêm về điều này?
Ai cũng phải va vấp nhiều thì mới tìm thấy nhiều cơ hội để đi tiếp. Khó khăn thì ai cũng có, nhưng với tôi thì nhiều, nhiều không kể hết. Tôi chọn cách quên được lúc nào thì nên quên. Tôi không thường kể về mấy cái khó khăn.
Khi tìm kiếm cái tên Đông Thiên Đức trên Google, mọi người lại thấy có kết quả hình ảnh Đông Thiên Đức từng là ca sĩ? Anh tự tin với giọng hát của mình, hay đó chỉ là một nghề để mưu sinh lúc trước?
Tôi từng đi hát và phát hành album là có 2 lý do. Đầu tiên là tôi đi hát để có tiền trang trải cuộc sống. Nếu đi hát chỉ để trang trải chi phí sinh hoạt thì chẳng cần phải phát hành album. Nhưng tôi lại làm hẳn 2 album. Lý do là vì những ca khúc tôi sáng tác, bán không ai mua. Mà tôi thì rất coi trọng những ca khúc của mình viết ra, nên không bao giờ năn nỉ, không tặng, không hạ giá… Bài hát không ai mua thì mình tự thu âm và phát hành album thôi, "của nhà trồng được" nên cũng giảm phần nào chi phí.
Vậy sao anh lại bỏ nghề đi hát và chỉ chọn làm nhạc sĩ, đứng sau thành công của các ca sĩ khác?
Nhạc sĩ và ca sĩ hay đi chung với nhau, nhưng lại khác nhau hoàn toàn về tính chất công việc. Người ca sĩ thì "sống còn" ở ngoại hình và giọng hát. Ai làm ca sĩ đều phải giữ rất kỹ. Và tất nhiên, làm sao họ dám lăn xả vào cuộc sống để trải nghiệm cảm xúc như nhạc sĩ được. Vì thế, nếu quyết định theo nghề thì chỉ nên chọn một trong hai là nghề chính. Và tôi chọn nghề viết. Lâu lâu thèm hát thì xin đi một hôm, hát "đã" rồi về viết tiếp.
Anh thấy nhạc trẻ Việt Nam hiện giờ có cái được và cái không được là gì? Một điều chia sẻ của anh về âm nhạc gen Z hiện nay?
Mảng nhạc trẻ ở Việt Nam luôn là nơi sôi động nhất. Ở đó luôn có cái lửa của người trẻ. Nhiều người hay nhầm lẫn giữa cái "ngông" và "nhiệt huyết", nên đôi lúc nhìn nhận sai về các bạn trẻ. Các bạn nhạc sĩ trẻ bây giờ có đủ sự thông minh, đủ tất cả các điều kiện cần để sáng tạo và bùng nổ. Tương lai thuộc về các bạn ấy, tôi thay vì nhận xét đúng - sai, thì tốt hơn hết cứ xem họ hay chỗ nào thì mình học theo.
Anh nghĩ sao về việc sáng tác theo đơn đặt hàng, sáng tác chạy theo "trend" thời thượng hay theo cảm xúc?
Bản thân tôi chỉ nhận sáng tác theo đơn đặt hàng đối với các dự án phim truyền hình, quảng cáo, phim điện ảnh, phim ngắn, phim ca nhạc. Tôi không nhận viết theo đơn, theo trend. Viết thế, tôi cảm thấy ức chế lắm vì bị theo khung, không bay bổng hết ý mình mong muốn.
Anh có sợ nhạc mình hết thời, người nghe sẽ "cả thèm chóng chán"? Và bí quyết của anh để âm nhạc của Đông Thiên Đức luôn có chỗ đứng, vị trí trong lòng công chúng yêu nhạc, hoặc là một phân khúc, đối tượng khán giả nào đó riêng nhưng gắn bó bền chặt?
Tôi không bao giờ sợ. Thay vì sợ rồi nghĩ ra kế hoạch để vun vén thành công của mình thành một tượng đài, rồi dần dần tự mình cách ly với khán giả, thì tôi luôn tìm đề tài mới. Tôi trân trọng những gì khán giả và cuộc sống đã cho mình, nên tôi làm nghề với tâm thế bình thản nhất.
Có một lần tôi nghe được tâm sự của anh là sau hơn 10 năm bôn ba ở "miền đất hứa" Sài thành đô hội, giờ đây anh mới có thể nhẹ nhõm quẳng bớt gánh lo cơm áo gạo tiền để được làm những điều mình thích?
Câu này sai ở chỗ "10 năm". Đông Thiên Đức vào TP.HCM lập nghiệp từ năm 2006, vậy là sắp 20 năm bươn chải rồi.
Công việc của một nhạc sĩ có đủ để anh làm giàu và có được đời sống khá giả? Anh có vướng bận lo lắng cho gia đình nhỏ của mình và cha mẹ hai bên? Người thân, bà con dòng họ ở quê chắc tự hào về anh và đôi khi có khiến anh bị áp lực?
Tôi không giàu. Tôi thuộc diện "hộ nghèo" chính gốc (cười). Khi nào tôi trả hết nợ vay mua nhà, và nếu may mắn tôi dư được 10 triệu trong túi, thì lúc đó tôi mới vừa thoát nghèo thôi. Khi tôi mới theo nghệ thuật, điều làm tôi áp lực đến mức tột cùng, đó chính là sự ngăn cản quyết liệt và đầy chân thành của bạn bè, gia đình, người trong họ hàng, bạn cùng lớp, bạn mới quen… Bởi vì ngoại hình tôi không có, tài chính cũng không, mối quan hệ cũng không nốt, kinh nghiệm là chưa biết gì… Ai cũng bất ngờ và ra sức ngăn cản khi biết tôi theo nghệ thuật. Cho nên, giờ mọi người tự hào về tôi, tôi cũng không áp lực mấy.
Một ca khúc của nhạc sĩ nổi tiếng nghe nói có thể bán ra cả trăm triệu, hay có thể hợp tác để chia tiền tỉ doanh thu? Ở thời đại mới, nhạc sĩ cũng phải biết kinh doanh trên chất xám của mình chứ đâu thể thơ thẩn để người khác hưởng hết thành quả của mình? Liệu điều đó có đúng không, và với anh thì sao?
Thực ra nhiều lúc áp lực, tôi cũng muốn "thơ thẩn" một lần thử xem có tìm được cái cảm xúc nào không. Nhưng nhìn các con nhỏ, rồi trăm điều khác nữa. Tất cả hầu như không có việc nào vừa "thơ thẩn" mà vừa giải quyết được hết, nên thôi. Tôi tập trung làm việc theo đúng kiến thức mình biết. Chất xám là của mình, mình được trả công xứng đáng. Tôi hiện chỉ dừng lại ở mức độ là cố bảo vệ thành quả vốn là của mình và thuộc về mình. Còn nói đến kinh doanh âm nhạc thì lại là một câu chuyện khác. Cần có dự án, nhân lực, vốn… Mà hầu như chẳng ai làm kinh doanh giỏi mà có thể viết nhạc hay cả.
Công việc sắp tới của Đông Thiên Đức có gì mới? Liệu sẽ có những dự án hay ca khúc nào tiếp tục chinh phục trái tim khán giả như đã từng?
Tôi vẫn viết đều và cần mẫn. Sau gần 4 tháng đặt trọn vẹn cảm xúc vào kịch bản, tôi đã hoàn thành ca khúc chủ đề Cha một đời vì ta cho phim điện ảnh Hai Muối của đạo diễn Vũ Thành Vinh (chiếu rạp vào 30.8), có Quyền Linh đóng chính, và vừa ra mắt ca khúc trong chùm bài hát về "lá diêu bông" có tên Lớp trang điểm phai rồi do ca sĩ Maya thể hiện... Ca khúc nào tôi cũng tâm đắc và ca sĩ khi nhận bài hát cũng rất ưng bụng. Cả hai đều đầu tư hết công sức và thời gian vào từng sản phẩm. Khán giả giờ nếu yêu thích nhạc Đông Thiên Đức thì thấy bài mới sẽ mở nghe, và khán giả khi nghe phải ngẫm nghĩ về ca khúc thì tôi mới mong có cơ hội. Tôi thật sự cảm ơn quý vị khán giả đã "thương" cái tên nhạc sĩ Đông Thiên Đức trong thời gian qua.
Bình luận (0)