Nhạc sĩ Hoàng Hiệp: Vĩnh biệt Viễn Phương, người anh thương mến !

22/12/2005 22:51 GMT+7

Nhà thơ Viễn Phương và nhạc sĩ Hoàng Hiệp đều là những người con của quê hương An Giang, chung tay súng - tay bút thời kháng chiến chống Mỹ, đến hòa bình lại cùng cơ quan công tác. Họ còn chung đứa con tinh thần mang tên Viếng lăng Bác, bài hát - bài thơ khiến bất cứ ai hòa vào dòng người vào viếng Bác cũng đều rưng rưng xúc động.

Chúng tôi đến nhà nhạc sĩ Hoàng Hiệp vào buổi trưa muộn. Mấy ngày nay, ông vẫn mệt liên tục nhưng khi nghe chúng tôi đặt vấn đề xin ông vài lời về mối duyên thơ - nhạc với nhà thơ Viễn Phương, ông đã bằng lòng ngay và cất giọng chậm rãi về câu chuyện của họ.

"Tôi và anh Viễn Phương rất thân thiết với nhau, anh lớn hơn tôi vài tuổi. Ca khúc Viếng lăng Bác chính là một dấu son đậm đà để tình bạn của chúng tôi thêm thăng hoa. Năm 1976, chúng tôi cùng ra họp ở Hà Nội, cùng vào viếng Bác. Lúc về, cả hai rất xúc động, tự hứa với mình sẽ làm điều gì đó. Về lại miền Nam, anh Viễn Phương đã làm bài thơ Viếng lăng Bác. Sau đó vài tháng, tôi phổ nhạc cho bài thơ này. Đây cũng là ca khúc nằm trong chùm sáng tác giúp tôi nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Viễn Phương là người đầu tiên nghe bài hát này, anh rất xúc động. Tôi có sửa một vài từ trong bài thơ của anh nên tôi rất cảm động khi anh hoàn toàn không phiền trách gì.

Thời kháng chiến chống Mỹ, anh và tôi cùng công tác chung ở Đoàn văn công của ông Nguyễn Ngọc Bạch. Nhờ là đồng hương nên chúng tôi cảm thấy gần gũi, thân thương lắm! Tôi nhớ tính anh rất hiền hậu nhưng cũng hay nghịch ngầm. Thời gian trước giải phóng,  tôi và anh đều trẻ lắm, chưa ai có người yêu, đi công tác chung ở Bình An thuộc Hà Tiên bây giờ, tụi tôi gặp cô Lan Hương, dễ thương lắm. Vậy là Viễn Phương làm thơ trêu chọc tôi. Tôi còn nhớ được mấy câu đầu như vầy: "Tôi đi công tác Bình An/Đi qua rẫy mới gặp nàng Lan Hương/Tôi về tôi nhớ tôi thương/Năm canh trằn trọc thất thường bữa ăn/Đêm năm canh nhớ nàng tha thiết...". Anh Viễn Phương như vậy đó. Rất hiền hậu mà cũng hóm hỉnh lắm, nhưng chỉ có vài người bạn thân mới biết thôi...

Tôi rất buồn khi biết tin anh ra đi. Dù vẫn biết phải như vậy nhưng vẫn buồn... cứ nghe nhói ở trong tim... Những người bạn thân của mình cứ như lá vàng trên cành, héo dần rồi rụng, họ bỏ chúng tôi rồi...".

Sau thời gian lâm trọng bệnh, nhà thơ Viễn Phương đã từ trần vào lúc 15h15 ngày 21/12/2005 tại tư gia, hưởng thọ 78 tuổi.

Ông tên thật là Phan Thanh Viễn, sinh ngày 1/5/1928 tại xã Bình Đức, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang). Ông tham gia cách mạng từ tháng 8/1945 thuộc Chi đội 23. Những bài thơ đầu tiên của ông được đăng trên tờ Tiếng súng kháng địch (tờ báo của Khu 9 Nam Bộ). Sau hiệp định Genève, ông được phân công về Sài Gòn hoạt động báo chí trong lòng địch. Bị địch bắt ở tù năm 1960, ra tù (1962) ông thoát ly ra vùng Củ Chi tiếp tục chiến đấu trên cương vị Tổng thư ký Hội Văn nghệ giải phóng cho đến 1975.

Sau 1975, ông từng giữ các chức vụ Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM, Phó chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm chính: Chiến thắng Hòa Bình (1952, trường ca, giải nhì thơ Nam Bộ), Anh hùng mìn gạt (1968, truyện ký), Nhớ lời di chúc (1969, trường ca), Như mây mùa xuân (1978, thơ), Quê hương địa đạo (1981, truyện ký), Sắc lụa Trữ La (1988, truyện), Phù sa quê mẹ (1991, thơ), Miền sông nước (1999), Đá hoa cương (2000, truyện ký)... Người đọc luôn nhớ đến ông qua bài thơ Viếng lăng Bác (Hoàng Hiệp phổ nhạc) và bài văn bia Đời đời ghi nhớ khắc tại Đền tưởng niệm các liệt sĩ Bến Dược (Củ Chi). Linh cữu của ông quàn tại tư gia (40A Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM). Lễ truy điệu lúc 6 giờ ngày 24.12.2005, động quan lúc 6 giờ 30 cùng ngày. An táng tại nghĩa trang TP.HCM.

Báo Thanh Niên xin thành kính phân ưu cùng tang quyến.

T.N

Vinh Nguyễn (ghi)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.