Năm nay, Zing Music Awards có sự thay đổi khá lớn trong hội đồng nghệ thuật. Chỉ có nhạc sĩ Nguyễn Cường với vai trò Chủ tịch hội đồng còn tiếp tục vị trí, các thành viên khác đã được thay thế bởi nhạc sĩ Quang Huy, ca sĩ Lý Hải, đạo diễn Phạm Hoàng Nam, nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong và nhạc sĩ Nguyễn Hồng Thuận. Ông đã có nhũng chia sẻ về âm nhạc Việt Nam trong buổi họp báo vừa qua.
Nhạc sĩ thì nhiều mà tác giả thì quá ít
* Hầu hết đề cử trong Top 5 Zing Music Awards đều là những gương mặt và dòng nhạc thị trường, thiếu những chất liệu gọi là nhạc dân tộc, ông có trăn trở vì điều đó không?
- Nhạc sĩ Nguyễn Cường: Tôi không thích chữ thị trường lắm vì người ta nghĩ ngay đến chuyện tiền nong, đổi chác. Thế nên tôi nghĩ không nên dùng chữ thị trường mà gọi là nhạc đang thịnh hành. Tôi cũng thấy thiếu những bài hát mang màu sắc dân gian, những bài hát ca ngợi vẻ đẹp của đất nước. Tôi nói thẳng những bài đó mới tồn tại lâu, nếu những bài đó được phổ biến rộng rãi thì sức tồn tại của nó còn lâu hơn những bài nhạc khác. Tôi ví dụ như bài Quảng Bình quê ta, những bài như thế có sức sống hàng trăm năm chứ không phải vài năm, vài chục năm.
Vậy vì chúng ta nên có giải thưởng cho dòng nhạc như thế, có thể một vài năm tới nhưng mình nên có mục đó, ngoài ra tôi nghĩ nên tính theo một chỉ số khác, ví dụ 100 người nghe dòng nhạc bên này phải khác 1.000 người nghe dòng nhạc khác. Nếu làm được những điều đó sẽ phong phú hơn, đầy đủ hơn về gương mặt âm nhạc của Việt Nam. Thậm chí có những bài dân ca mà nghệ sĩ hát người ta biết cách làm mới dân ca, người ta giữ gìn vẻ đẹp của dân ca cũng có thể cho vào. Không cần một năm một lần nhưng vài năm có thể làm một lần, cho họ một tiêu chí khác. Tất nhiên âm nhạc Việt Nam không chỉ có những bài hát, còn có những hợp xướng, giao hưởng, nó sẽ về sau này. Trước mắt thì nên có những bài hát về quê hương, những bài hát dân gian đương đại nó sẽ thú vị hơn, âm nhạc Việt Nam sẽ tròn trịa hơn.
|
* Trong đề cử không có những gương mặt gạo cội như Hồng Nhung, Bằng Kiều... Có phải vì họ đã thành danh, sống được từ những ca khúc cũ nên họ không cần sáng tạo để góp mặt vào các giải thưởng âm nhạc trẻ?
- Tôi không nghĩ rằng họ không cần mà người ta không cho, vì mỗi giải thưởng nhằm một đối tượng khác nhau. Những ca sĩ như Hồng Nhung, Tùng Dương, Thanh Lam... họ ở một phần khác. Tôi nghĩ mình có thể đưa họ vào theo kiểu giải thưởng danh dự thì cũng thú vị. Ví dụ như giải cống hiến mình trao cho họ thì sẽ khác. Giải cống hiến dành cho cả người hát, người biểu diễn, người sáng tác và cả đạo diễn của chương trình, điều đó rất hay mà tại sao mình không làm. Mình phải có tham vọng dành cho tất cả trong nền âm nhạc Việt Nam chứ không phải chỉ có âm nhạc thịnh hành.
* Nhạc bây giờ rất khác với âm nhạc ngày xưa, vậy ông thẩm định như thế nào là một bài nhạc trẻ hay, hay một MV có ý tưởng?
- Âm nhạc có những cái mình cảm được ngay. Bởi vì thứ nhất âm nhạc có cấu trúc, mà cấu trúc thì rất rõ ràng. Điều thứ hai là âm nhạc hướng tới vẻ đẹp, hướng tới cái thiện hay cái đẹp dành cho công chúng. Những bản nhạc thiếu tinh tế, hay dung tục thì tôi không hướng tới những điều đó. Ngoài ra còn đòi hỏi các bạn phải có cái gì mới, theo nghĩa đóng góp cho ngôn ngữ âm nhạc.
Hiện tại tôi thấy nhạc sĩ thì nhiều nhưng tác giả thì ít. Nhạc sĩ thì cứ viết nhạc thì gọi là nhạc sĩ, đâu có ai lái xe, bán hàng mà gọi là nhạc sĩ đâu. Còn tác giả là bạn có một ngôn ngữ riêng, một phong cách riêng, quan trọng nhất là ngôn ngữ âm nhạc riêng, họ có cả một hệ thống biểu đạt. Những điều đó không thể đòi hỏi ở các bạn trẻ được. Khi đánh giá, tôi không chú ý lắm đến vấn đề đó nhưng đối với những tác giả khác thì sẽ khác. Với tôi bài hát vui thì nó vui, nó thánh thiện hay nó gợi lên cái gì đó mới là được.
|
Người ta viết beat riêng lời riêng thì cũng đừng nên nói là đạo nhạc
* Được mời làm giám khảo của cuộc thi này ông mới nghe nhạc trẻ hay bình thường ông vẫn hay nghe nhạc trẻ?
- Tôi nghe chứ, tôi nghe rất nhiều, kể cả nhạc Sơn Tùng. Tôi là người đề cử Sơn Tùng ngay cả khi cái tên Sơn Tùng chưa nổi lên. Tết nào bố mẹ cậu cũng tìm đến như một lời cảm ơn đối với tôi. Tôi đặc biệt quan tâm đến các tác giả trẻ, hay trước đó những người như Lê Minh Sơn, chúng tôi luôn ủng hộ.
* Nhiều người cho rằng nhạc của nhiều người trẻ không đủ đẳng cấp để so với thế hệ ngày xưa, ông nghĩ như thế nào về điều này?
- Tôi không nghĩ vậy, trong âm nhạc không nên so sánh có đẳng cấp hay không. Mỗi thế hệ có một ngôn ngữ riêng, tiếng nói riêng. Nói như thế không có nghĩa là nghệ thuật không có những nguyên tắc chung, dĩ nhiên vẫn phải có cấu trúc bài bản. Có những người họ chẳng chịu nghe nhạc trẻ, hay nghe được vài giai điệu đã tắt đi. Tôi không đồng tình như thế, mình phải nghe ở tâm thế bình tĩnh, từ hàng ngàn người rồi chắt lọc ra những mầm móng trân quý, đó là tiếng nói, là ngôn ngữ riêng của thế hệ đó. 8X khác 7X, 7X khác 6X và ngay cả bây giờ cũng khác nữa, nên không thể đánh đồng tất cả được.
* Ông có bất bình với một vấn nạn nào của làng nhạc Việt không?
- Tôi không nghĩ nhạc Việt có vấn nạn. Ngay cả đạo nhạc cũng không phải nạn. Thứ nhất, anh định nghĩa thế nào là đạo nhạc đã. Đạo cái gì? Trong buôn bán hỏi có doanh nghiệp nào không chiếm dụng vốn của nhau không? Chiếm dụng vốn của nhau là chuyện thường xuyên. Trong âm nhạc và trong nghệ thuật thì nó có hai loại.
Thứ nhất, làm nghệ thuật vì cái khám phá nội tâm, khám phá tâm hồn của chính họ. Những người sáng tạo luôn muốn tìm cái gì mới mẻ. Họ lặp lại họ họ còn thấy xấu hổ chứ đừng nói đi đạo. Những người như thế mà không ra được cái gì mới người ta còn buồn. Nhưng dạng thứ hai viết nhạc như một cái nghề kiếm sống, như đạp xích lô, như các nghề khác, đi buôn vải, buôn thịt. Những cái đó thì cấm người ta làm gì. Cái đạo đó cũng như chiếm dụng vốn thì có gì đâu. Mà chiếm dụng vốn thì cuộc đời đầy ra thì sao âm nhạc lại khó? Có những chuyện lấy beat rồi làm melody lên, tôi thấy chuyện đó cũng bình thường. Bởi vì khi bản thân anh lấy beat của người khác, rồi anh làm lại melody, thì cũng là một việc làm nhạc, chứ không phải là không lao động.
Và khi chúng tôi học trường nhạc thì có hẳn môn ấy luôn mà, có hẳn bài tập lấy phần âm thanh, hòa thanh của các tác giả lớn rồi mình làm các melody vào đấy. Bài tập đàng hoàng, chính tôi còn phải làm. Mà chính trong thế giới này đã có trường hợp như thế. Chính trong thế giới này đã có trường hợp như thế, như ca khúc kinh điển Ave Maria mà Charles Gounod sáng tác vào năm 1859 có bổ sung beat của Johann Sebastian Bach ra đời trước đó 137 năm. Nếu như thế gọi là đạo beat thì sẽ không có ai công nhận Ave Maria của Bach/Gounod là một tác phẩm lớn của nhân loại. Chả có vấn đề gì cả, rồi cứ ném đá nhau, cái đó là sự không hiểu biết, mà chúng tôi đã từng nói trong vụ Sơn Tùng. Kể cả nó lấy phần đó thì cũng chẳng có cái gì. Cái gì mà vấn nạn các thứ. Không phải, âm nhạc không có vấn nạn. Vấn nạn là thế này, nếu những bài đó chống lại Đảng, chống nhà nước, chống lại con người, hòa bình thôi.
Tiếc cho Siu Black
Hơn 50 năm hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, gia tài của nhạc sĩ Nguyễn Cường đã có 200 ca khúc. Ông cũng là nhạc sĩ tạo nên dấu ấn đậm nét cho hai ca sĩ Tây nguyên huyền thoại là NSND Y Moan và Siu Black.
Nói về "họa mi núi rừng", nhạc sĩ Nguyễn Cường lập tức thở dài: "Tôi rất buồn, rất tiếc vì thật ra sự nghiệp của Siu vẫn còn đang nảy nở, vẫn còn đóng góp được nhiều. Hôm trước có bên kia gọi mời tôi, Tùng Dương và Siu Back ra nước ngoài diễn nhưng tôi gọi Siu thì Siu bảo hiện tại con không thể ra ngoài được, không xuất cảnh vì còn nợ tiền rất nhiều. Tôi thật sự rất tiếc vì không bao giờ có thể tìm ra một giọng ca giống như Siu Black, hay Y Moan, Tùng Dương".
|
Bình luận (0)