"Lụa - 10 năm" - "bình cũ rượu mới" chăng?
Là một dự án mới mà cũ, vì vốn là một thanh xướng kịch tôi từng dựng cách đây 10 năm, lấy cảm hứng từ cuốn truyện cùng tên nổi tiếng của nhà văn Ý Alessandro Baricco. 19 tác phẩm (gồm cả nhạc khúc không lời) từng được diễn live hồi tháng 8.2013 giờ được chuyển thành ca khúc và rút gọn lại thành album 9 bài, do 3 giọng hát Phạm Hoài Nam, Trini và Dạ Ngân thể hiện. Nó là sự nhắc nhớ kỷ niệm với những ai từng được xem "Lụa" 10 năm trước, nay tái sinh trong một hình hài mới, nhưng với những ai nghe nó lần đầu thì có thể tiếp nhận nó như một album gồm những ca khúc mới của Quốc Bảo.
Sau 10 năm, khung cảnh phát hành album cũng đã khác nhiều, khi sự định giá được đo bằng các định lượng view, like..., thay vì định giá "album bán chạy", anh có cảm thấy bị áp lực? Có lúc nào cảm thấy hơi "lạc thời"?
Không hề lạc thời chút nào mà ngược lại, còn "gặp thời". Tôi có hợp đồng phát hành trên các nền tảng và không bị o ép gì, cũng không bắt buộc phải PR cho sản phẩm. Vậy là nhẹ gánh hơn nhiều so với phát hành CD.
Nhưng nếu sự định lượng kia không được như ý, vì kiểu thanh xướng kịch này chắc chắn sẽ kén người nghe hơn nhiều so với các ca khúc "điệu đà, tán gái" trước đây?
Chẳng kén người nghe chút nào. Fan của tôi nghe suốt. "Lụa - 10 năm" theo tôi là một album nhẹ nhàng vì tôi đã sửa thanh xướng kịch thành ca khúc rồi. Công bằng mà nói, về sau này tôi cảm thấy mình viết tốt hơn, hay hơn.
Sau hơn 30 năm làm nghề, anh đã "khoanh vùng" được fan của anh là nhóm đối tượng nào?
Họ vẫn là những "người lạ quen biết" và vẫn luôn ở đấy, vẫn chung thủy và thường xuyên kết nối.
10 năm qua, anh đã kịp khác đi thế nào?
Ôi, nói chuyện khác thì chúng ta khác đi từng ngày ấy mà!
Nhiều nghệ sĩ "bảo chứng" mình bằng sự đồng hành với những cộng sự lâu năm. Anh thì không, dù từng có duyên gắn bó với những giọng ca tên tuổi: Mỹ Tâm, Hà Trần… Là do anh khó, khiến người ta ngại đi lâu, hay với cộng sự mới thì dễ tiếp cận và áp đặt hơn?
Cái gì cũng có thời điểm và giai đoạn. Những ngôi sao nổi tiếng đó, lâu rồi tôi không làm việc với họ, trong đầu tôi cũng không có tên họ. Mấy người đã đủ lông đủ cánh, phải để họ bay đi chứ! Tôi thích đi tìm những gương mặt mới chưa mấy ai biết đến. Hiển nhiên họ sẽ lập cập, vụng về hơn nhiều so với các ca sĩ đã cứng nghề, nhưng bù lại họ lại có sự ngây thơ tươi mới. Tôi không quá quan trọng sự chín chắn trong giọng hát. Kỹ thuật thì theo thời gian sẽ dần hoàn thiện, duy sự tươi tắn hồn nhiên thì không bao giờ có lại được. Thứ quý nhất, tinh túy nhất của một giọng hát, là cái sự "em về tinh khôi".
Thế nào là người tinh khôi, theo anh?
Trong sáng, hồn nhiên, thông minh
Đàn ông giúp phụ nữ từng trải, trưởng thành (?!). Rồi tới lượt họ lại "bắt" phụ nữ phải giữ cho kỳ được sự ngây thơ hồn nhiên, quá là đánh đố?
Cái đó nó cũng làm khó cả đàn ông mà! Ai cũng bị thời gian và cái cuộc đời này làm khó hết, để mà giữ cho được sự hồn nhiên. Lê Hiếu chẳng hạn, có lần tôi bảo: "Giờ em đàn ông quá rồi!". Tôi cũng vậy. Tuổi 50 khác 30. Tinh khôi bớt đi nhiều, vớt vát mấy cũng không lại! Mà đã là vớt vát, thì đâu còn gọi là tinh khôi!
Tôi hay thích tìm kiếm các nghệ sĩ Indie là vậy. Nghệ sĩ độc lập, cả khi họ đã bước ra ánh sáng, đã va quệt thị trường thì ở đâu đó vẫn lấp lánh cái vẻ đẹp của sự hồn nhiên đã ăn sâu vào máu họ.
Tôi vẫn rất nhớ Mỹ Tâm của thời 19 - 20 tuổi, thuở còn ăn dầm ở dề ở nhà tôi, tập với tôi, nghe nát những bộ CD của tôi và được tôi đưa đi hát phòng trà. Tâm lúc đó ngây thơ kỳ lạ.
Đưa những gương mặt còn vô danh ra ánh sáng, tôi thấy vui hơn là làm việc với những gương mặt cũ.
Ca từ trong "Lụa - 10 năm" dường như thô nhám và giản dị hơn, thay vì nuột nà như thuở Em về tinh khôi, Còn ta với nồng nàn... Do nó vốn dĩ là thoại kịch, hay đã là lúc anh thích "mộc"?
Tôi của 2023 và U.60 dĩ nhiên phải khác nhiều so với thời tôi U.30 chứ!
Những bài hát đầu tay thời 1991 còn điệu lắm. Tôi không thích. Dần dà, tôi tập viết giản dị và trực tiếp hơn. May mắn thay, sự giản dị đó cũng rất Quốc Bảo, không bị trộn lẫn với bất kỳ ai.
Thế nào là giản dị?
Nhẹ nhõm, trực tiếp, không dùng từ thừa thãi.
Nhưng hình như anh vẫn không "chừa bệnh… sống điệu", ít ra là trên Facebook, với vô số status về trà, nước hoa, máy ảnh…?
Tôi sống như tôi muốn và thấy hạnh phúc. Vậy là đủ.
Đằng sau vẻ mặt có phần hơi khắc khổ, anh tự thấy mình sướng và khổ ở điểm nào?
Tôi khắc kỷ với mình nên chỉ thấy hài lòng trong công việc. Nhưng tôi là người hạnh phúc.
Cảm giác của anh khi nghe lại Em về tinh khôi?
Ân hận.
Ân hận? Vì "nàng thơ" đã hết phép màu?
Không, không hẳn vì nội dung của nó. Người ta mượn nó "tán gái" còn được, giờ nó thuộc về mọi người rồi còn đâu! Nó chẳng có lỗi gì cả. Chỉ là giờ, tôi thấy chán tôi lúc đó. Kể mà được viết lại, chắc tôi sẽ viết giản dị hơn, bớt đi cái hoa hòe hoa sói. Cũng may mà Hà Trần hát nó không bị hoa hòe hoa sói.
Ví dụ như câu nào?
"Xuyên trăm năm em về tinh khôi". Trời ơi, làm gì có người nào xuyên được trăm năm mà còn tinh khôi!
Anh hoàn toàn có thể sửa mà, xuyên… dăm năm đi cho chắc!
Sửa được, tôi đã sửa rồi. Vì nó đã xong việc của nó rồi, đã có đời sống riêng của nó, và là một đời sống may mắn: Một ca khúc đầu tay, được, nhưng thành công lớn hơn mức nó đáng được hưởng.
Đến Lev Tolstoy mà có lúc còn thấy toàn bộ Chiến tranh và hòa bình là vô nghĩa!
Không, nhưng Tóc nâu môi trầm thì giờ tôi vẫn thấy thích. Nó vẫn rất hợp với hôm nay, mang hơi thở của hôm nay. Nó là tuổi 20 của Mỹ Tâm, cũng là của nhiều người. Tôi thích cái nhịp điệu của nó.
"Lúc buồn, người hát trong tay người", thế mà vui nhỉ: "Có khi đâu ngờ, nắng tưng bừng thế kia/Người sẽ thấy chân son, lại sẽ tung tăng/Đường về vui như mới xây từ trong cơn mơ...". Cũng điệu đấy chứ, sao anh không… ân hận?
Cái vui ấy nó khác với cái vui trong Em về tinh khôi, vì trong vui có buồn, trong buồn có vui. Em về tinh khôi là nó bị vui quá, mà toàn vui không đáng.
Sáng tác của anh về sau dường như trầm buồn hơn?
Hậu Covid-19, tôi tung ra album Ballad'23 gồm những ca khúc được sáng tác trong thời gian giãn cách xã hội. Viết những ca khúc buồn rõ ràng là một nhu cầu có thật, nó phản ánh đúng tâm trạng thật, con người thật của mình lúc đó: bất định về tương lai, có những ngày dài cứ bứt rứt đứng lên ngồi xuống mà chẳng viết được gì, chỉ mong tới giờ… đi chợ. Nhưng khi nén chúng lại vào trong một album, tôi lại cảm thấy tổng thể đó nó mang lại một năng lượng không tốt. Nó làm tôi ân hận vì lẽ ra tôi nên viết lạc quan hơn, tươi sáng hơn, hơn là cho phép mình được thỏa thích buồn như thế. Đó là một album tăm tối. Không nên, lẽ ra.
Vui quá hay buồn quá đều làm anh ân hận?
Em về tinh khôi thì tôi xếp vào loại tác phẩm đầu tay, vào thời điểm đó viết thế là tốt. Còn Quốc Bảo 2023 thì không được phép thế. Tới tuổi nào đó, nhất là đàn ông, theo tôi cần biết tự kiểm soát cảm xúc của mình hơn là để mình vui quá hay buồn quá.
Tôi cũng từng lấy "Lụa" gối đầu giường, từng bị quyến rũ bởi những áng văn mềm như lụa ấy: "…Gió, gió chỉ có một mà thôi: nhưng trên tấm gương mặt nước này, tưởng chừng như hàng ngàn ngọn gió đang thổi về cùng lúc. Từ mọi phía. Thật là một cảnh tượng. Nhẹ như lụa và không thể nào giải thích được, đời anh…". Anh đã bao giờ cố công giải thích đời mình chưa, ít ra ở vào cái khúc quanh: Cuộc tình với "em về tinh khôi" kết thúc có hậu sau gần 10 năm yêu nhau, rốt cuộc lại tan nhanh như khói?
Trước và sau khi quyết định đặt dấu chấm hết, chúng tôi thậm chí còn mất một thời gian dài không nói chuyện được với nhau. Đôi khi một mối quan hệ tự dưng bị mất kết nối mà ta không thể làm gì được, cũng không lý giải được.
Gương mặt khó đăm đăm của anh dường như cho một mặc định: Anh khá là gia trưởng?
Tôi không gia trưởng. Thật ra không phải thế. Tôi không sai. Cô ấy cũng không sai. Có thể lúc đó, nguyên nhân chính là do cô ấy muốn bung ra để được làm một người đàn bà độc lập, muốn có sự nghiệp riêng...
Không gia trưởng mà ngăn cản người phụ nữ của mình tìm kiếm chỗ đứng riêng? Nhu cầu đó có gì là không chính đáng?
Vấn đề là cần có một sự thu xếp nào đó. Để tập trung nuôi con. Và ở thời điểm đó, hai người đã không thỏa thuận được (nhưng không ngoại trừ, ở thời điểm khác lại có thể thỏa thuận).
Tôi không gia trưởng, nhưng tôi quan tâm đến việc bố mẹ dành thời gian nhiều nhất có thể cho con cái. Chính tôi cũng hy sinh một phần sự nghiệp ở thời điểm đó.
"Ở thời điểm khác có thể thỏa thuận", nghe như có chút tiếc nuối?
Không. Tôi và cô ấy yêu nhau 8 năm, và ly thân khi con mới lên 2 tuổi. Mọi vui buồn tính ra cũng đã trải qua hết, không còn gì để tiếc. Tôi nhấn mạnh tính thời điểm vì vào cái năm 2004 đó, cuộc sống không được dễ dàng. Công việc tự do, lúc thăng lúc trầm, tài chính có khi phập phù, không đảm bảo đời sống. Nổi tiếng là một chuyện, nhưng không có nghĩa sẽ mang lại một mức sống dư giả. Tôi lúc đó tiếng là người đàn ông 32 tuổi nhưng thật sự vẫn hơi bị lúng túng, không biết cách cai quản cái gia đình đó như thế nào. Phải sau ly hôn, tôi mới thực sự trở thành một người đàn ông biết lo cho mẹ và con trai.
Cai quản?
Có lẽ tôi không nên dùng từ đó. Duy trì thì đúng hơn.
Xuân Diệu từng có câu thơ về trái sấu non đầu mùa: "Ôi! Từ không đến có/Xảy ra như thế nào?". Vậy với anh, "từ có đến không"?
Diễn ra êm ả thôi. Khi cả hai cảm thấy không còn đi tiếp được với nhau thì tốt nhất là nên chia tay.
Nhưng anh giành quyền nuôi con?
Vì ở thời điểm đó, trong hai người, tôi là người vững vàng hơn.
Anh có biết một trong những bản hit của anh, "Còn ta với nồng nàn" đã bị chế thành "Còn ta với… lồng bàn", để ám chỉ mấy tay đàn ông bị vợ bỏ và không còn ai nấu cho ăn không?
Có chuyện đó à? Nhưng chắc là không đúng với tôi, vì tôi chủ yếu ăn ngoài. Dù cô ấy nấu ăn rất giỏi, và rất thích nấu nướng.
Những "em ngoan ơi, hãy ra nhìn" thường xuất hiện ở khoảng nào? Vẫn là lời biện hộ rất nhạc sĩ: Phải có bóng hồng mới viết được những bản tình ca?
Bóng hồng thật sự chỉ có sau khi tôi ly hôn xong. Tôi chẳng cần dùng đến lời biện hộ đó vì tôi không thuộc dạng sáng tác chờ hứng. Hằng ngày tôi ngồi vào bàn viết như một công chức bàn giấy vậy.
Về cơ bản, một cuốn tiểu thuyết như "Lụa" sẽ "làm hư" anh hay dạy khôn anh?
Tôi quan tâm đến câu chuyện ngoại tình trong đó. Những chuyện tình chồng chéo, thật khó để thoát ra cả khi người ta muốn, hay không muốn.
Anh thì sao, anh có từng muốn thoát ra?
Không, tôi chẳng bao giờ ngoại tình cả.
Chắc không?
Đúng hơn, mỗi lúc tôi chung thủy với một cô.
Chu kỳ đó thường kéo dài không?
Dài chứ! Nhưng thường thì tôi bị bỏ do không làm tròn trách nhiệm với họ. Sự quan tâm dành cho cậu con trai là quá lớn. Nhất là trong hai năm cháu gặp phải khủng hoảng tuổi dậy thì, đủ để khiến tôi lo ngại.
Anh thấy mình đã yêu đủ chưa?
Dư là khác. Đủ dùng cho tới kiếp sau. Giờ thì chắc là… nhịn được rồi. Xưa yêu như điên, người ta còn thông cảm được. Giờ, không nên.
Có câu: "Hồi trẻ thì yêu như điên, về già thì điên mới yêu", anh coi anh già rồi?
Ngoài 50 là già rồi!
Có những ngày tôi thấy anh post tới 3-4 cái "tút" trên Facebook. Đó liệu có là biểu hiện của sự cô độc và bất an?
Đơn giản là vì… rảnh. Có ngày còn 5-6 tút. Thường, tôi hay tự cho phép mình có khoảng mười ngày nghỉ ngơi sau mỗi một tháng cắm đầu làm việc.
Quãng thời gian bất an nhất thật ra đã qua rồi. Đó là khoảng vào năm 2019, khi tôi được phát hiện mắc bệnh u tuyến yên, mắt tự dưng cứ bị lóa đi, không nhìn rõ. Lúc đó tinh thần tôi rất xuống, gần như là rơi vào u uất vì nỗi lo bị mù, lo không chăm được con và không được nhìn thấy nó hằng ngày. Và sau khi bình phục, tôi quyết định đặt cho mình một cột mốc mới: Sẽ làm việc cho đến năm 65 tuổi là dừng hẳn, dành thời gian rong chơi.
Anh tự thấy ca từ nào của cái gã Quốc Bảo đã vận vào đời anh?
"Ta vui đi nhé, có được mấy khi vui"...
"Mấy khi vui" nằm ở thời đoạn nào?
Bất cứ lúc nào. Nhưng bao trùm tôi vẫn là con người buồn. Ám ảnh lớn nhất trong vòng 10 năm nay với tôi là sức khỏe và việc nuôi con. Và công việc.
Chủ nhân của một loạt bản hit từng giúp thiên hạ "tán gái" mà giờ chỉ quan tâm tới công việc, sức khỏe... và tuyên bố "nhịn yêu", đấy có phải là dấu hiệu của việc... "mất dần tinh khôi"?
Hình như khi người ta chỉ còn nói thích nói về sức khỏe và công việc thì đấy mới là tinh khôi nhất!
Bình luận (0)