Sa Huỳnh nói, có ba người đàn ông đã ảnh hưởng đến chị là ba chị - cố nhạc sĩ Triều Dâng, chồng chị - nhạc sĩ Nguyễn Duy Hùng, và ca sĩ Tùng Dương - người gắn bó với âm nhạc của Sa Huỳnh.
Tâm hồn âm nhạc của chị được nuôi dưỡng thế nào?
Hồi nhỏ ba thường hát ru cho tôi ngủ. Tiếng hát của ba day dứt, chứ không nhẹ nhàng, êm dịu, nhưng có lẽ thế mà khắc sâu vào tôi. Khi còn nhỏ, tôi bướng lắm. Tôi không phải là cô bé chịu nghe lời người lớn răm rắp (cười). Thực ra, đứa trẻ nào cũng có thể mắc lỗi lầm, bởi vậy chúng mới cần được dạy dỗ. Và con người khi sinh ra không thiện, không ác và ai cũng giống như một tờ giấy trắng. Với tôi, ba là người đã tô vẽ lên tờ giấy đó theo cách tích cực nhất. Ba lúc nào cũng khen ngợi dù cho tôi có làm gì.
Còn nói về âm nhạc, ba tôi mạnh về nhạc kháng chiến. Ông quan điểm dùng bài hát của mình như nòng súng để chiến đấu. Tôi sinh ra và lớn lên trong thời bình, đi theo hướng khác với ba, nhưng nhờ ba, tôi hiểu được trách nhiệm của người viết nhạc. Hai năm nay, VN phải chiến đấu với dịch bệnh, tôi đã viết ca khúc Đôi mắt nCov, mới đây là Trường em thành bệnh viện, anh Hùng thì viết Hộp cơm từ thiện. Những ca khúc nhỏ đó cũng là tiếng nói của chúng tôi góp sức vào cuộc chiến đấu này.
Vì sao chị coi năm hơn 20 tuổi lấy chồng là dấu mốc để bắt đầu hành trình trưởng thành?
21 tuổi tôi lấy chồng, ra Hà Nội làm dâu, lần đầu xa vòng tay của ba mẹ, vẫn ngây thơ như một đứa trẻ. Khi đó anh Hùng hơn 30 tuổi, nhưng xét về phần trưởng thành của người đàn ông thì anh cũng chưa trưởng thành đâu (cười).
Hai con người “chưa tốt” sống với nhau rồi cùng trưởng thành lên với nhau. Đó là khi tự bản thân nuôi con, mua nhà, mua đất, tự mất tiền, rồi tự kiếm tiền. Vật chất khiến con người cảm thấy bị bối rối. Đến khi mình hiểu được giá trị của nó thì mình trưởng thành.
Còn lý do Tùng Dương được coi gần như là ca sĩ “độc quyền” của âm nhạc Sa Huỳnh?
Chúng tôi đã gắn bó với nhau hơn 10 năm cuộc đời. Cả anh Tùng Dương và cả tôi hợp nhau giống như là bị thôi miên vậy đó. Cả tôi và anh Tùng Dương cũng không hiểu luôn, không thể lý giải được (cười).
Khi viết những ca khúc như Oa Oa, Mắt đêm..., tôi nghĩ chỉ có anh Tùng Dương mới hát nổi, bởi vì anh là dòng năng lượng dồi dào, luôn tuôn ra không bao giờ giấu đi. Chất nhạc quá hợp với anh. Hơn nữa, những sáng tác của tôi mang nhiều câu hỏi, ấn ý, triết lý kén ca sĩ. Và đó có lẽ cũng là lý do hầu hết đều do anh Tùng Dương thể hiện. Tôi có đưa bài hát của mình cho một vài người nữa, nhưng không ưng ý lắm!
Nhưng ở giai đoạn tiếp theo, anh Tùng Dương không phải lúc nào cũng đồng hành cùng tôi, bây giờ anh đang là ca sĩ “triệu view” rồi (cười lớn). Nhưng tôi hiểu được. Nên nếu chưa tìm được ai thì mình tự tìm chính mình. Tôi đang cố gắng về tài chính và sức khỏe để hoàn tất album gồm 12 bài hát do tôi viết và tự hát.
Vì sao đến thời điểm này, chị bỗng nghĩ đến việc thực hiện một album của mình và do tự mình hát?
3 năm trước, tôi không biết hát là gì, chỉ là nghêu ngao thôi. Sau khoảng thời gian học thêm chuyên ngành thanh nhạc (ngoài chuyên môn chính là piano) và làm giảng viên đệm đàn piano cho Khoa Thanh nhạc (Nhạc viện TP.HCM) cho đến bây giờ, tôi biết hát là như thế nào. Tự hát ca khúc của mình, tôi có thể thể hiện cảm xúc chân thật. 10 năm trước, tôi đã hiểu ra điều đó, nhưng không đủ tự tin để hát bởi chưa có sự rèn luyện và quyết liệt.
Tôi của thời điểm hiện tại đã bớt “nổi loạn” hơn, nhưng con đường đi tiếp theo cần sự hỗ trợ từ phía gia đình. Anh Hùng sẽ phối khí cho những bài hát của tôi, nhưng cũng cần phải có thời gian để anh hiểu nhạc của tôi nữa (cười). Anh Tùng Dương cũng rất ủng hộ tôi. Anh nói sẽ giúp hỗ trợ tôi về mặt hình ảnh, quảng bá.
Bớt “nổi loạn” tức là chị thấy mình đã trưởng thành hơn?
Hồi xưa, tôi viết nhạc là rút hết ruột gan, âm nhạc cứ phải ầm ầm lên. Viết mà không cần nghĩ suy gì hết, cứ tuôn ra hết. Còn bây giờ viết có lý trí hơn nhiều. Tôi biết nghĩ suy, tính toán để có sự hợp lý, xem đã cân đối chưa, có bị thừa thiếu không, cảm xúc có lúc nhiều quá thì sẽ bớt lại.
Nói chung, cách mình “thở” trong âm nhạc đã bình tĩnh hơn. Không cần chứng minh cái tôi của mình quá lớn, thì lúc đó là lúc mình trưởng thành. Còn hiện tại, tôi vẫn thấy mình chưa đủ trưởng thành ở mức độ tốt nhất.
Vậy có mâu thuẫn không khi chị nói mình chưa đủ chín chắn lúc 20 tuổi, nhưng lại vạch rõ con đường âm nhạc của mình sẽ không đi theo hướng thị trường ngay thời điểm ấy?
Khi ca khúc Chiếc ô ngăn đôi của tôi đứng nhất nhiều tuần trên Xone FM, nhiều công ty âm nhạc cũng như nhiều ca sĩ thành công về mặt thị trường đã để ý đến tôi. Còn tôi lại nhạy cảm với việc mình chưa đủ trưởng thành. Tôi nghĩ cái gì cũng cần có thời gian. Có tài năng đến đâu mà chưa đủ trưởng thành về nhân sinh quan, cũng như lối sống, bạn cũng sẽ vấp ngã.
Tôi biết nếu mình chạy theo thị trường thì sẽ đi theo hướng hoàn toàn trái ngược với những gì mà ba tôi dạy dỗ. Vì thế, nên tôi lựa chọn cho mình: bước 1 lấy chồng; bước 2 ra Hà Nội làm dâu trải nghiệm cuộc sống, để chững chạc hơn; bước 3 chăm con thật tốt; và bước 4 là kiểm soát năng lượng của mình xem đã trưởng thành chưa và sẽ đi đến đâu.
Thực ra, những kiến thức về chuyên môn mình đã được trau dồi trong 15 năm học nhạc viện rồi. Nhưng môn học mà con người cần để trưởng thành cao hơn lại chính trong nội tại bản thân. Khi điều đó chưa tới thì mình không thể cưỡng ép.
Với con gái Đông Nhiên, chị có mong con đi theo con đường âm nhạc, giống như chị cũng đã tiếp nối con đường của ba?
Bé Đông Nhiên có năng khiếu về âm nhạc. Bé tự sáng tác một vài ca khúc như Ong con tập bay, Con nhím nhiều gai, Con mèo liếm lông. Với những ca khúc đấy, tôi nhận thấy bé có sáng tạo trong tuổi thơ, y như mình hồi nhỏ, thậm chí là phát triển hơn về mặt nhạc cụ. Hồi nhỏ, tôi cũng viết những ca khúc như Con chim cánh cụt, Con voi đánh trống, Con chim én mùa xuân…, cứ thấy con gì là lôi con đó ra hát. Lúc đấy, tôi không sáng tác trên nhạc cụ guitar hay piano như bé Đông Nhiên bây giờ mà mình chỉ hát lên nghêu ngao thôi, nên khả năng đặt lời của mình phát triển từ lúc nhỏ. Còn con gái tôi thiên về phía nhạc khí, ngón tay đặt lên phím đàn đã có nhạc rồi. Tôi sẽ cho bé đọc nhiều sách vở, nhiều thơ hơn, để sau này bé nghiệm ra được những con chữ không quá làm khó bé.
Cái tên Sa Huỳnh được đặt cho chị theo tên của một cánh đồng muối ở Quảng Ngãi. Chị có thấy cái tên ấy vận vào đời mình, thấy cuộc đời mặn mà hơn chẳng hạn?
Ba tôi đã đặt cái tên này cho tôi. Ông mong con gái sống đừng bị nhạt nhòa, hay nhạt nhẽo, mà sống với mọi người chân thành, như một loại gia vị để cuộc đời có thêm nhiều hương vị. Tôi nhớ lời ba, nhưng trong cuộc đời của mình, tôi thấy mình nên gia giảm liều lượng cho cân đối, chứ nhiều khi mặn quá cũng khó ăn lắm! (cười)
Chị có nghĩ một nữ nhạc sĩ sẽ day dứt nhiều hơn trước những vấn đề đời sống để đưa vào sáng tác?
Không hiểu sao nhiều người nghe nhạc của tôi mà chưa biết tôi trước đó thường nghĩ tôi là một người chín chắn, cũng có tuổi rồi. Có người còn tưởng tôi là đàn ông (cười lớn).
Tôi nghĩ nội tâm của người phụ nữ sẽ hay buồn hơn, có nhiều uẩn khúc hơn, hay mang âm tính nhiều hơn. Họ phải lo nhiều thứ và cũng thiệt thòi nhiều thứ. Nhưng phụ nữ bề ngoài có vẻ yếu đuối, nhưng bản chất của người phụ nữ không phải lúc nào cũng hiền đâu!
Ở trong nhà, chị thể hiện “nữ quyền” như thế nào?
Tôi bây giờ không có gồng lên chứng minh cho chồng mình là tôi rất mạnh mẽ, lâu lâu, tôi cũng làm nũng.
Tôi luôn thể hiện trách nhiệm của mình trước. Phụ nữ mà muốn đàn ông giúp đỡ mình, thì mình phải có trách nhiệm trước, lúc đó mới dung hòa được. Không phải tôi muốn “nữ quyền” vì tôi muốn chứng minh này nọ, nên tôi phải gào lên đòi hỏi. Mình cứ làm hết trách nhiệm thuộc về mình trước thì sau đó hãy nhìn đến sự công bằng. Tôi nghĩ khi mọi thứ cân đối, cân bằng thì mình sẽ có được cánh tay đắc lực là người chồng của mình giúp đỡ mình trong cuộc sống.