img
Nhạc trưởng Phan Đỗ Phúc:
“Vị trí cây cello trong dàn nhạc dạy tôi thế đứng trong cuộc đời”- Ảnh 1.

Rời Mỹ về lại VN liệu có phải là một quyết định khó khăn?

Lựa chọn nhổ rễ, di chuyển nơi sinh sống và làm việc ổn định là một quyết định lớn cho bất kỳ ai. Thời điểm đầu năm 2020 khi vợ chồng tôi quyết định về VN, có những yếu tố thuận lợi về mặt sự nghiệp (tôi được mời về làm bè trưởng cello của Sun Symphony Orchestra), những yếu tố khác về mặt gia đình, và việc chúng tôi cảm thấy tiềm năng phát triển của âm nhạc cổ điển ở VN... Tất cả các yếu tố đó khiến việc quay về là một quyết định hài hòa nhất với vợ chồng tôi tại thời điểm đó.

Đã bao giờ, trước sự thờ ơ của khán giả hay nhà tài trợ, điều kiện, không khí làm nghề..., ở một nơi mà nhạc cổ điển phải loay hoay tiếp cận khán giả, anh cảm thấy hơi "chồn chân mỏi gối" và thoáng ân hận về quyết định đó của mình?

Có lẽ là tôi may mắn, nhưng quả thực chưa thấy mỏi gì cả, mà càng đi lại càng hăng. Những vị khán giả mà tôi may mắn được bén duyên đều cho tôi cảm giác được trân trọng; còn việc tài trợ thì từ xưa đến nay đã bao giờ dễ, đặc biệt là trong một mảng nghệ thuật còn rất ít người nghe này, nên tôi cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng vào đó, mà cứ túc tắc làm những thứ vừa sức mình. Và có lẽ điều may mắn nhất với tôi là gặp được những người bạn, người đồng nghiệp, và nhất là cô bạn cùng nhà Hsin-Chiao có cùng chí hướng, cùng giá trị. Nếu cứ phải đi một mình mãi thì cũng mỏi đấy, nhưng có được sự đồng hành tiếp sức thì liên tục có động lực để đi tiếp, học tiếp.

Dàn nhạc giao hưởng trẻ VN

Dàn nhạc giao hưởng trẻ VN

Anh về nước và gây dựng sự nghiệp trong một thời điểm khó khăn vì dịch Covid-19, trong một loại hình nghệ thuật kén khán giả và lại còn chỉ huy một dàn nhạc non trẻ... Anh đã đi qua những khó khăn đó thế nào, hiện đang ở đâu trên chặng dài đó?

Tôi nghĩ rằng những điểm trên, ở một góc nhìn khác, thì không phải là khó khăn, mà là cơ hội. Nền công nghiệp âm nhạc cổ điển ở VN còn rất non trẻ và có rất nhiều khoảng trống. Chính những khoảng trống này tạo cơ hội cho những nghệ sĩ trẻ xông xáo, năng động có thể tạo ra sân chơi của chính mình; khác với một môi trường đã phát triển tới mức bão hoà như TP.New York, nơi tôi từng sinh sống và làm việc trong 7 năm, việc kiến tạo ra cái gì đó thực sự mới là rất khó. Còn về việc chỉ huy một dàn nhạc non trẻ, thiếu kinh nghiệm, đối với tôi lại là một việc tôi vô cùng yêu thích. Định hướng của Dàn nhạc giao hưởng trẻ VN không nhằm đào tạo nhạc công chuyên nghiệp, chúng tôi chỉ mong các bạn trẻ tham gia sẽ được tiếp xúc và có sự nhạy cảm với cái đẹp, và phát triển sự mong muốn, tính kỷ luật với bản thân để kiến tạo nên cái đẹp. Điều đó đối với tôi mới là điều quan trọng nhất.

Nhạc trưởng Phan Đỗ Phúc:
“Vị trí cây cello trong dàn nhạc dạy tôi thế đứng trong cuộc đời”- Ảnh 3.

Đối diện khó khăn để phụng sự những điều đẹp đẽ, sự lạc quan lãng mạn đó của anh liệu có thể ít nhiều ví với hành trình "hành hiệp" và tinh thần hiệp sĩ của "quý tộc xứ Mancha", như trong tác phẩm Don Quijote anh từng chơi?

Cám ơn vì sự ví von rất thơ! Tên tuổi của Don Quijote gắn liền với sự dũng cảm, hành hiệp trượng nghĩa, nhưng đồng thời cũng là sự hoang tưởng, điên rồ. Nhưng ở một khía cạnh nào đó, tôi nghĩ Don Quijote tượng trưng cho một mảnh ghép nhỏ ẩn trong mỗi con người chúng ta - sự hướng về lý tưởng cá nhân, hướng về cái đẹp và chiến đấu cho lý tưởng cá nhân đó. Bằng việc tiếp xúc với nghệ thuật nói chung và âm nhạc cổ điển nói riêng, tôi tin điều đó sẽ giúp cho mỗi người nhìn thấy, và có được sự kết nối chặt chẽ hơn với mảnh ghép kia; từ đó giúp họ có những định hướng quan trọng về mặt phát triển tinh thần, nhân cách.

Đối với tôi, Beethoven khá giống với hình tượng Don Quijote kể trên, luôn hướng tới cái lý tưởng, cái đẹp, và một sự nghiêm khắc tới cực đoan với bản thân trong nghệ thuật.

Nhạc trưởng Phan Đỗ Phúc:
“Vị trí cây cello trong dàn nhạc dạy tôi thế đứng trong cuộc đời”- Ảnh 4.

Nhạc trưởng Phan Đỗ Phúc:
“Vị trí cây cello trong dàn nhạc dạy tôi thế đứng trong cuộc đời”- Ảnh 5.

Có thể nói, những lựa chọn của anh từ khi về nước đều là những lựa chọn "làm khó" mình: thành lập dàn nhạc trẻ, sáng lập chuỗi concert Schubert in a Mug..., và mới đây là Lễ hội Âm nhạc cổ điển VN lần đầu tiên tại Đà Lạt (tháng 3.2024)... Sức mạnh niềm tin nào đã khiến anh luôn có đủ lạc quan cho tương lai của nhạc cổ điển tại nơi mà nó không dễ gì tìm được điểm đáp?

Tôi thì nghĩ những lựa chọn trên không quá khó, thuần là việc kết nối những cái duyên, những nguồn lực thuận lợi để triển khai, và chắc một phần cũng vì một chút "máu liều" nữa.

Qua những thứ tôi túc tắc làm trong 3 năm vừa qua, tôi thực sự nghĩ nền âm nhạc cổ điển VN có rất nhiều tiềm năng. Các nghệ sĩ trẻ thực sự có độ nhanh nhạy và nhạc cảm tốt, và khán giả thì vô cùng cởi mở và sẵn sàng đón nhận cái mới.

Với người bạn đời và là đồng nghiệp cùng chí hướng, nghệ sĩ piano người Đài Loan Liao Hsin-Chiao

Với người bạn đời và là đồng nghiệp cùng chí hướng, nghệ sĩ piano người Đài Loan Liao Hsin-Chiao

Luala Concert từng là nỗ lực đưa nhạc cổ điển "xuống đường" nhưng không đi được dài hơi khi đứt mạch tài trợ. Có thể coi những nỗ lực hôm nay của anh là tương tự, lại còn trong bối cảnh kinh tế hậu đại dịch còn đầy rẫy khó khăn?

Có vẻ như nhiều người nghĩ việc phổ cập đi đôi với việc phải làm gì đó thật lớn, thật đồ sộ. Bản thân tôi thì lại tin vào sức mạnh của một dự án nhỏ xinh nhưng chạy lâu dài, như Schubert in a Mug chẳng hạn. Chỉ một không gian ấm cúng 30 - 40 khán giả như ở Tita Arts, hay 80 khán giả ở Middle Café, nhưng đều đặn và dài hơi. Tôi nghĩ việc tạo dựng một mối quan hệ giữa nghệ thuật với công chúng cũng không khác với việc hai người bạn quen biết nhau rồi trở nên thân thiết. Trên hết, nó cần sự bền bỉ, kiên định của những thứ nhỏ nhắn thôi, nhưng chân thành và đúng giá trị. Và tôi tin một khi đã có một mối quan hệ bền chặt thì sự chung tay góp sức sẽ tới một cách hết sức tự nhiên.

Nhạc trưởng Phan Đỗ Phúc:
“Vị trí cây cello trong dàn nhạc dạy tôi thế đứng trong cuộc đời”- Ảnh 7.

Vợ chồng nghệ sĩ cello Phan Đỗ Phúc

Liệu có thể làm gì để dung hòa giữa khả năng "nghe hiểu" của khán giả đại chúng và sự sang trọng, bác học, vẻ đẹp "bí ẩn" của âm nhạc hàn lâm?

Không thể phủ nhận rằng nhạc cổ điển khá khó hiểu và không mấy gần gũi với phổ văn hoá của người dân VN. Vậy để đại chúng hóa, về mặt bản chất, cần tìm được điểm chạm, điểm giao thoa giữa văn hoá của công chúng và những giá trị của âm nhạc cổ điển. Ví dụ như cách thể hiện tình yêu trong những bài hát phổ thông, trong những làn điệu quan họ thì giống và khác thế nào so với việc thể hiện tình yêu trong một bản ca khúc của Schubert hay một bản sonata của Franck. Cảm xúc và mong muốn bộc bạch cảm xúc là tương đồng, nhưng cách thức và ngôn ngữ thể hiện thì khác. Việc nhìn ra sự tương đồng này, theo tôi là một bước quan trọng trong quá trình đưa âm nhạc cổ điển tới gần hơn với công chúng.

Đó là cái cốt lõi, còn cái vỏ - cách thức giám tuyển, tổ chức những buổi hòa nhạc, cũng có thể được tính toán để tạo thêm những điểm chạm với khán giả. Những yếu tố như độ dài tác phẩm, sự luân phiên giữa các cung bậc cảm xúc, làm sao để giữ mạch năng lượng và sự tập trung của khán giả... đều là những yếu tố quan trọng cần được cân nhắc trong quá trình xây dựng một chương trình âm nhạc cổ điển.

Nhạc trưởng Phan Đỗ Phúc:
“Vị trí cây cello trong dàn nhạc dạy tôi thế đứng trong cuộc đời”- Ảnh 8.

Đặc tính nổi bật nào của cây đàn cello có phần "ứng" với tính cách của anh?

Tôi nghĩ cây đàn cello và việc chơi cello có cái gì đó vững chãi, ổn định (dân cello... được ngồi mà, không phải đứng như violin, viola hay bass). Đây cũng là thứ mà có lẽ tôi luôn tìm kiếm một cách vô thức: sự cân bằng trong mọi việc.

Cello cũng thuộc bộ những nhạc cụ trầm, sâu lắng, khuyến khích người chơi phải tìm tiếng đàn thật sâu bên trong, chứ không thể hời hợt trên bề mặt. Ngoài ra, cello rất đa năng và linh hoạt, tạo nền móng bè bass vững chãi, làm bè trung tô điểm, sưởi ấm; hay có thể chơi những câu solo da diết. Vị trí của cây cello trong dàn nhạc quả thực đã ít nhiều dạy tôi thế đứng trong cuộc đời này.

Nhạc trưởng Phan Đỗ Phúc:
“Vị trí cây cello trong dàn nhạc dạy tôi thế đứng trong cuộc đời”- Ảnh 9.

Piano thì sao, với người chơi nó, cũng chính là "cô bạn cùng nhà" của anh?

Nếu những nhạc cụ nhỏ bé hơn như cello hay violin là nằm trọn trong lòng người chơi và trở thành cơ thể nối dài của họ thì một nhạc cụ lớn như piano luôn nằm ngoài người chơi, là một thực thể độc lập, và người nghệ sĩ khi thì phải nương theo, khi phải cứng rắn để "khuất phục" nó. Tôi thấy sự cứng rắn, kiên định nhưng luôn nhạy cảm, tinh tế của Hsin-Chiao được thể hiện rất rõ mỗi khi cô ấy chơi đàn.

Điều gì khiến anh thuyết phục được người vợ ngoại quốc của mình trong câu chuyện "đưa nàng về dinh"?

Chúng tôi gặp nhau trong thời gian học cao học ở New York nhưng chỉ thực sự bén duyên nhau khi cùng tham gia một festival hoà tấu thính phòng, và cùng ấn tượng bởi âm nhạc của nhau. Tôi tin việc cả hai chúng tôi đều vô cùng yêu và nghiêm túc với âm nhạc là yếu tố cốt lõi giúp gắn kết cả hai, dù có những khác biệt nhất định về văn hoá và ngôn ngữ. Tôi đặc biệt khâm phục và hâm mộ bà xã vì sự nghiêm túc, thậm chí cực đoan về việc gìn giữ những giá trị, trong âm nhạc cũng như trong cuộc sống. Thường trong việc thực hành nghệ thuật, sự "đẹp", hay "mỹ" là thứ được chú trọng nhiều nhất, vì cũng trực quan nhất; trong khi sự "đúng", hay "chân" là thứ quan trọng không kém, nhưng ít được chú ý hơn nhiều. Tôi cảm thấy may mắn vì người bạn đồng hành của mình trân trọng những điều đúng, những giá trị chuẩn mực đến vậy.

Xin cảm ơn anh!

Nhạc trưởng Phan Đỗ Phúc:
“Vị trí cây cello trong dàn nhạc dạy tôi thế đứng trong cuộc đời”- Ảnh 10.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.