Nhận bệnh để… chuyển - Bài 2: Chưa triển khai đã biết "thua"

22/09/2009 22:49 GMT+7

Việc triển khai quy định người tham gia BHYT phải đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu ở bệnh viện (BV) tuyến quận, huyện không chỉ khiến bệnh nhân, mà cả lãnh đạo BV quận, huyện cũng lo lắng... Mời nghe đọc bài

Không thể đáp ứng nhu cầu

Lâu nay, người tham gia BHYT có quyền đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu ở BV quận, huyện, hay tuyến trên. Quy định này giúp hạn chế sự quá tải dồn về một số tuyến BV. Thế nhưng, quy định người tham gia BHYT phải đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu ở BV tuyến quận, huyện sẽ khiến bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại BV tuyến này tăng cao.

 
Bệnh nhân ngồi tràn ra bãi xe máy ở BV Phú Nhuận chờ khám - Ảnh: Thanh Tùng

Theo thống kê, BV quận Phú Nhuận bình quân mỗi ngày tiếp nhận 500-600 bệnh nhân có BHYT. Tổng số thẻ đăng ký khám chữa bệnh BHYT tại BV này hiện có trên 70 ngàn. Lâu nay, tại đây đã luôn quá tải bệnh nhân, BV gần như không còn lối đi, xe gắn máy phải để tràn lên hành lang làm việc, tăng nguy cơ mất an toàn PCCC.

Vào mỗi buổi sáng, bệnh nhân đến khám đông nghẹt, phải ngồi tràn cả ra bãi xe gắn máy... "Nếu thực hiện quy định mới thì lượng bệnh nhân BHYT đăng ký tại BV Phú Nhuận sẽ tăng gần gấp đôi. Chắc chắn bệnh nhân sẽ than phiền bác sĩ, kêu ca BV, bởi cơ sở vật chất như thế này thì không thể đáp ứng đủ nhu cầu người bệnh, chưa nói đến phục vụ tốt", bác sĩ Hoàng Sỹ Mai, Giám đốc BV Phú Nhuận, lo lắng.

Luật đã ra rồi thì phải thực hiện. Vấn đề quan trọng là cần có thời gian chuẩn bị để triển khai cho tốt. Cơ quan quản lý là Sở Y tế nên có một chuyến khảo sát tất cả các BV quận, huyện xem nơi nào thiếu những gì, cần đầu tư thêm ở khâu nào để đáp ứng được nhu cầu người bệnh, và để việc phục vụ người bệnh được tốt.
Bác sĩ Hoàng Sỹ Mai, Giám đốc BV Phú Nhuận

Tình hình nhiều BV khác cũng không khá gì hơn. Trong số 1.200 bệnh nhân đến khám tại BV Hóc Môn mỗi ngày, bệnh nhân BHYT chiếm 60-70%. Tại BV Đa khoa khu vực Thủ Đức, chiếm 3/4 trong số 1.200-1.500 lượt bệnh đến khám mỗi ngày là người bệnh có BHYT. BV huyện Bình Chánh, khoảng 80% trong số từ 800-1.000 bệnh nhân đến khám hằng ngày là có BHYT.

BV Q.7 hiện có gần 70 ngàn thẻ BHYT đăng ký và trong số khoảng 900 bệnh nhân đến khám mỗi ngày chiếm đa số là bệnh nhân có BHYT... "Lâu nay, bệnh nhân BHYT thường kêu khổ vì phải chờ đợi lâu, bị phân biệt đối xử... mỗi khi đến BV. Tới đây, thêm một lượng lớn người bệnh BHYT lâu nay đăng ký ở tuyến trên đổ dồn về BV quận, huyện, chắc chắn việc bệnh nhân "kêu" sẽ nhiều hơn; y, bác sĩ cũng sẽ "khổ" gấp bội. Với lượng bệnh nhân hiện tại còn quá tải, nay tăng thêm thì làm sao có thể đáp ứng được, phục vụ tốt hơn được khi con người và cơ sở vật chất vẫn như cũ?", giám đốc một BV quận ở nội thành nói. Bác sĩ Lê Trương, Giám đốc BV quận 5, kiến nghị: "Thu nhận bệnh nhân có BHYT như luật quy định thì chúng tôi sẵn sàng, nhưng cần phải đầu tư cho chúng tôi, chứ để cơ sở vật chất, trang thiết bị cũ kỹ như thế này thì e sẽ không phục vụ tốt người bệnh được".

Nỗi lo chuyển viện

Theo bác sĩ Hoàng Sỹ Mai, việc tăng một lượng lớn bệnh nhân về BV quận, huyện không đơn thuần chỉ là tăng công việc ở khâu khám bệnh, mà còn kéo theo nhiều khâu khác, từ tiếp nhận, hậu cần, xét nghiệm, X-quang... Điều này sẽ thành gánh nặng với cơ sở vật chất, đội ngũ con người như các BV quận huyện hiện có. Hệ quả là khâu chữa bệnh cũng sẽ quá tải do máy móc, nhân sự không đáp ứng được, dẫn đến thường xuyên phải chuyển bệnh lên tuyến trên, làm giảm yếu tố "thời gian vàng" trong chữa trị. 

Đáng lưu ý, nhiều giám đốc BV quận, huyện cho biết, trước nay ngoài việc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên vì thiếu chuyên môn, nhân lực, trang thiết bị, còn có rất nhiều trường hợp vì không có thuốc điều trị. Bác sĩ Hoàng Sỹ Mai nói: "Điều nghịch lý là quy định có những loại thuốc BV quận, huyện không được phép sử dụng cho người bệnh, nên nhiều trường hợp chúng tôi phải chuyển bệnh lên tuyến trên để có thuốc chữa. Tới đây, khi rất đông bệnh nhân có BHYT dồn về quận, huyện thì việc chuyển viện sẽ diễn ra nhiều hơn nữa, công tác hành chính dành cho khâu này sẽ chiếm một phần đáng kể".

Tương tự, bác sĩ Trần Dư Đông, Giám đốc BV quận 7, cũng cho rằng một trong những khó khăn của các BV quận huyện lâu nay là do cơ chế phân cấp BV, theo đó các BV quận huyện không được sử dụng một số loại thuốc trong điều trị, nên phải chuyển bệnh nhân đi.

"Nói thật, với tình hình trang thiết bị, nhân sự như hiện nay, nếu triển khai quy định mới thì BV tuyến quận, huyện chúng tôi "thua" là cái chắc, không phải mình bi quan nhưng thực tế không cho phép BV làm tốt hơn được", giám đốc một BV quận nội thành nói thẳng.

Không chuyển ngay bệnh nhân BHYT về BV quận, huyện

Trao đổi với PV Thanh Niên về việc bệnh nhân có BHYT sẽ đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến BV quận, huyện, ông Bùi Minh Đông, Phó giám đốc BHXH TP.HCM, nói: "BHXH TP đã có công văn đề nghị các BV quận, huyện cho biết khả năng tiếp nhận thêm bệnh nhân có BHYT của đơn vị. Để tránh tình trạng dồn về BV quận, huyện ào ạt cùng lúc, trước mắt những bệnh nhân đã đăng ký khám BHYT ở BV tuyến trên lâu nay thì vẫn khám chữa bệnh ở BV tuyến trên bình thường, cho đến khi thẻ hết thời hạn. Chỉ những bệnh nhân đăng ký BHYT mới thì phải đăng ký tuyến ban đầu ở BV quận, huyện. Ngoài ra, người bệnh không nhất thiết phải đăng ký ở BV quận, huyện nằm trên địa bàn nơi mình cư ngụ, mà có thể đăng ký ở bất kỳ BV quận, huyện nào nếu thấy thuận tiện".

Ông Đông cũng cho rằng sẽ "triển khai từ từ chứ không chuyển hết cái rụp bệnh nhân có BHYT ở tuyến thành phố về quận huyện, vì như thế ắt sẽ gây khó khăn cho BV và cả bệnh nhân". Theo tính toán sơ bộ, tất cả các BV quận, huyện, các phòng khám tư, các BV tư có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với BHXH TP có khả năng tiếp nhận thêm trên 1 triệu thẻ BHYT. "Tùy theo thực lực từng BV quận, huyện mà chúng tôi sẽ điều phối lượng bệnh nhân cho phù hợp, có thể đưa sang một số cơ sở y tế tư nhân có khám chữa bệnh BHYT", ông Đông nói.

Khó khăn nhất khi bước đầu triển khai thực hiện Luật BHYT, theo ông Đông, là việc tổ chức con người để giải quyết phần đồng chi trả ở bệnh nhân có BHYT (với nhiều mức 5%, 20%...), làm sao phải giải quyết nhanh, nếu không bệnh nhân có BHYT phải chờ đợi rất lâu, vì "phần lớn nhân viên các BV công lập chưa thạo công việc này". Về danh mục thuốc BHYT mà các BV quận huyện than không được sử dụng, buộc phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, ông Bùi Minh Đông nói: "Danh mục thuốc là do Bộ Y tế phân cấp cho các tuyến BV. Tuy nhiên, nếu những loại thuốc nào mà BV quận, huyện thấy có nhu cầu dùng nhiều và bác sĩ có khả năng dùng thì BV làm đề nghị với Sở Y tế, để Sở xem quyết định hoặc kiến nghị Bộ Y tế tháo gỡ dần như lâu nay vẫn thực hiện".

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.