Sau thời gian ủ bệnh, người bệnh có thể xuất hiện triệu chứng: sốt, đau đầu, đau họng, nghẹt mũi, buồn nôn, đau bụng…, có thể bị biến chứng xa gây xơ phổi.
Vi rút có thể sống vài năm trong cơ thể người
Bộ Y tế vừa ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh do vi rút adeno ở trẻ em, áp dụng cho tất cả cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước.
Vi rút adeno có thể gây biến chứng nặng ở trẻ nhỏ |
L.Hiếu |
Vi rút adeno gây bệnh ở người lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp trong phạm vi gần, hoặc qua tiếp xúc với dịch cơ thể có chứa vi rút. Adeno thường gây dịch ở nơi có điều kiện sống kém, đông đúc; có thể do nhiễm trùng bệnh viện qua bàn tay người chăm sóc, dụng cụ thăm khám - chăm sóc, đặc biệt ở khoa hồi sức, sơ sinh, đơn vị ghép tạng.
Bệnh bắt đầu lây truyền vào cuối thời kỳ ủ bệnh và kéo dài đến 14 ngày sau khi phát bệnh hoặc có thể lâu hơn. Vi rút adeno ở người mang có thể tồn tại trong vài tuần đến vài tháng, thậm chí vài năm, cư trú trong mô bạch huyết, nhu mô thận hay các mô khác. Bệnh thường xảy ra vào mùa đông, xuân và đầu hè, nhưng vẫn có thể xảy ra quanh năm.
Gây tổn thương đường tiêu hóa, xơ phổi
Sau thời gian ủ bệnh, người bệnh có thể xuất hiện một hay nhiều triệu chứng như: sốt, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, sổ mũi, buồn nôn, đau bụng… Bệnh nhân có thể viêm kết mạc, và thường gây nặng bằng tổn thương đường hô hấp gây viêm phổi, suy hô hấp tiến triển... Các tổn thương do vi rút có thể thâm nhiễm viêm gây xơ hóa phổi và gây tắc nghẽn tiểu phế quản, từ đó làm biến dạng, ứ mủ và giãn phế quản.
Trong các biến chứng nặng khi mắc bệnh do vi rút adeno, biến chứng sớm có thể gặp là hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (X-quang tim phổi, CT scan phổi hoặc siêu âm phổi có hình ảnh xẹp thùy phổi hoặc các nốt ở phổi); bão cytokine; nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng và suy đa tạng… Biến chứng xa là gây xơ hóa phổi.
Ca bệnh xác định là người đang có biểu hiện lâm sàng và có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút adeno. Giải pháp điều trị chính là điều trị triệu chứng, điều trị theo từng thể bệnh. Hiện có một số liệu pháp điều trị kháng vi rút nhưng vẫn đang là các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, có thể cá thể hóa điều trị ở một số trường hợp bệnh nặng và nguy kịch. Dự phòng bệnh chủ yếu là các giải pháp phòng ngừa lây nhiễm.
5 nhóm triệu chứng bệnh
1. Thể sốt viêm họng - kết mạc: Đặc điểm sốt cấp tính và gây dịch: sốt cao, đau mắt đỏ kèm sưng và đau họng.
2. Thể viêm kết mạc 2 bên: 3 - 5 ngày đầu có sốt nhẹ, sưng hạch cổ 2 bên, đau mắt, sợ ánh sáng, nhìn mờ, phù mi mắt và tổ chức xung quanh hốc mắt, triệu chứng toàn thân ở mức trung bình hoặc nhẹ. Sau 7 ngày, một số trường hợp trên giác mạc có những đám thâm nhiễm tròn, nhỏ có thể tạo thành những đám loét gây đau và thủng giác mạc. Viêm kết mạc thường khỏi trong vòng 3 hoặc 4 tuần, tổn thương giác mạc có thể tồn tại lâu hơn, để lại những vết mờ trên giác mạc làm ảnh hưởng thị giác trong vài tuần hoặc đôi khi để lại sẹo vĩnh viễn.
3. Thể viêm đường hô hấp cấp: Biểu hiện lâm sàng: sốt cao đáp ứng kém với thuốc hạ sốt, ho, đau họng, sổ mũi, ngạt mũi và sưng hạch bạch huyết vùng cổ 2 bên. Khoảng 10% bệnh tiến triển đến viêm phổi. Biểu hiện của viêm phổi khi trẻ vẫn sốt cao kèm ho tăng, có đờm, thở nhanh, co rút lồng ngực hoặc thở rên (trẻ dưới 2 tháng), tiến triển nặng khi có suy hô hấp (phập phồng cánh mũi, khó thở, tím tái). Một số trẻ có diễn biến nặng, xuất hiện các biểu hiện nặng như hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm trùng và suy đa tạng.
4. Thể viêm dạ dày - ruột: Biểu hiện lâm sàng: sốt, nôn, đau bụng và tiêu chảy, có thể viêm đại tràng xuất huyết nhưng ít gặp.
5. Các thể bệnh ít gặp: Bao gồm các triệu chứng của tiểu khó, tiểu rắt, tiểu máu trong viêm bàng quang xuất huyết, rối loạn chức năng thận.
Biểu hiện rất hiếm gặp: viêm mô ống thận hoại tử, suy thận, viêm não - màng não, viêm cơ tim, viêm gan cấp, viêm túi mật và viêm tụy cấp...
(Nguồn: Bộ Y tế)
Bình luận (0)