Nhận cảm ơn tiền tỉ mà không bị xử tội nhận hối lộ là chưa thỏa đáng

28/08/2023 10:11 GMT+7

Nguyên thẩm phán TAND TP.Hà Nội cho rằng việc không (hoặc chưa) xử lý các trường hợp nhận "quà cảm ơn" tiền tỉ về tội nhận hối lộ là chưa thỏa đáng.

Trong vụ án kit test Việt Á, cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh bị cáo buộc nhận 200.000 USD từ Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt. Tuy nhiên, ông Ngọc Anh chỉ bị đề nghị truy tố tội vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Theo lý giải của cơ quan điều tra, ông Ngọc Anh và Phan Quốc Việt không có sự bàn bạc, trao đổi từ trước, ông Ngọc Anh cũng không gây khó khăn để bị can Việt phải chi tiền. Do đó, dù nhận số tiền rất lớn như vậy, cựu bộ trưởng không bị truy cứu tội nhận hối lộ.

Nhận cảm ơn tiền tỉ mà không bị xử tội nhận hối lộ là chưa thỏa đáng - Ảnh 1.

Trong vụ kit test Việt Á, nhiều cựu quan chức nhận tiền tỉ từ doanh nghiệp nhưng không bị truy cứu tội nhận hối lộ

T.N

Ngoài ông Ngọc Anh, cựu Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc và bị can Nguyễn Văn Trịnh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng, lần lượt nhận 50.000 USD và 200.000 USD từ bị can Việt, nhưng cũng thoát tội nhận hối lộ, với lý do tương tự.

Xa hơn, trong 2 vụ án vi phạm đấu thầu liên quan đến mua sắm trang thiết bị y tế và dạy học, cựu Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa Phạm Thị Hằng và cựu Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi đều bị cáo buộc nhận 3 tỉ đồng từ doanh nghiệp trúng thầu, nhưng không bị truy cứu tội nhận hối lộ.

Những ví dụ vừa nêu khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: phải chăng đang có khoảng trống trong việc xử lý đối với hành vi nhận quà có giá trị lớn bất thường của cán bộ?

Nguyên thẩm phán, Phó chánh tòa hình sự TAND TP.Hà Nội Trương Việt Toàn, cho rằng việc không (hoặc chưa) xử lý các trường hợp nhận những món "quà cảm ơn" tiền tỉ về tội nhận hối lộ là chưa thỏa đáng.

Nhận hối lộ nghĩa là lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc nhiệm vụ được giao, nhận lợi ích dưới bất cứ hình thức nào để làm hoặc không làm một việc theo mong muốn, lợi ích của người đưa vật chất.

Thực tế luôn phát sinh các tình huống biến hóa khôn lường. Luật dù quy định chặt chẽ đến đâu cũng không thể phản ánh toàn diện, đầy đủ tất cả các tình huống phát sinh trong đời sống xã hội.

Với hành vi đưa và nhận hối lộ, việc hứa hẹn, bàn bạc thì không nhất thiết phải được thể hiện bằng lời nói. Bởi lẽ, khi mô tả hành vi của tội nhận hối lộ, trong bộ luật Hình sự từ trước đến nay đều không đưa ra khái niệm thế nào là hứa hẹn, trao đổi, bàn bạc.

Trong khi đó, theo khoa học pháp lý, hành vi nghĩa là hành động hoặc không hành động. Xưa nay, chúng ta thường để ý tới hành động mà ít coi trọng, đánh giá không hành động, mà việc giữa người đưa và người nhận ngầm hiểu với nhau "cứ làm đi rồi sẽ được hưởng lợi" chính là hành vi không hành động của tội phạm.

"Theo lẽ thường, nếu không biết sẽ có lợi ích vật chất sau này thì không ai thực hiện hành vi phạm tội và người nhận cũng không làm hoặc làm để nhận lợi ích vật chất", ông Toàn nói.

Theo ông Toàn, tinh thần suy luận như trên không phải bây giờ mới đặt ra, mà thực tiễn đã chứng minh từ nhiều năm trước, thông qua vụ án Năm Cam.

"Năm Cam không hề nói cần sát hại Dung Hà, nhưng khi Năm Cam nói rằng không muốn nhìn thấy Dung Hà nữa, Hải Bánh hiểu rằng phải giết Dung Hà. Lấy ví dụ như vậy, để cho thấy sự trao đổi, bàn bạc giữa hai bên không nhất thiết phải thể hiện trực tiếp bằng con chữ, lời nói, mà có thể ngầm hiểu, tự hiểu với nhau", nguyên thẩm phán phân tích.

Sai phạm tại Bệnh viện thành phố Thủ Đức: Nhận hối lộ để sử dụng kit xét nghiệm Việt Á

Hay như vụ án "chuyến bay giải cứu" vừa qua, dù nhiều bị cáo là đại diện doanh nghiệp và quan chức đều khai không bàn bạc, thỏa thuận với nhau về việc đưa, nhận tiền nhưng cơ quan tố tụng vẫn đủ căn cứ quy kết tội nhận hối lộ.

"Một doanh nghiệp thực hiện hàng trăm chuyến bay, không phải chuyến nào doanh nghiệp cũng đến gặp, trao đổi với quan chức, mà ở đây đã có sự ngầm hiểu rằng đưa tiền là theo cơ chế, quy luật phải đưa, đưa lần 1 xong rồi lần sau cứ thế mà đưa, không cần phải nói ra", ông Toàn dẫn giải.

Nguyên thẩm phán TAND TP.Hà Nội cho rằng, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, nếu cứ theo hướng chứng minh được có sự bàn bạc, trao đổi từ trước giữa người đưa và người nhận thì chuyện đó không cần bàn nhiều, đã quá rõ ràng.

Trong bối cảnh hiện nay, hành vi phạm tội và tình huống diễn ra tội phạm được biến hóa khôn lường; đôi khi người đưa và người nhận chỉ cần tiếp nhận ý chí của nhau; người đưa được việc, người nhận sẽ làm.

Thực tế này đòi hỏi những người tiến hành tố tụng phải thực sự chuyên sâu, kỹ lưỡng; liên tục cập nhật nhận thức để theo kịp thực tiễn, phải linh hoạt khi áp dụng quy định trong suy luận.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.