Tôi giống mẹ. Và tôi tự hào vì điều này, dù đời mẹ tôi khổ nhiều hơn vui, vất vả nhiều hơn thảnh thơi, có lúc không nghèo nhưng cũng nhiều lúc nghèo. Chỉ biết cắm cúi lao động, chẳng biết hưởng thụ là gì. Cuối đời thì mẹ tôi quên hết. Bà bị lẫn nặng. Quên hết nghĩa là được hóa giải.
Ngẫm lại đời tôi giống mẹ, đúng là chịu nhiều vất vả. Không khổ thân thì khổ tâm, không giống ai thì bị ghét, mà muốn giống ai cũng không được, cứ phải là mình, thế thôi.
Tôi nhớ mẹ tôi chưa bao giờ thổ lộ những nỗi khổ của mình với ai, kể cả với tôi là đứa con độc nhất. Có thể bà thổ lộ với cây xanh, với giếng nước, với bầu trời? Tôi không biết. Nhưng tôi biết, không thổ lộ được thì nỗi khổ tăng lên gấp nhiều lần.
Bây giờ, khi nỗi khổ vì dịch bệnh đè lên đất nước, đè lên mỗi người dân nghèo, đó là nỗi khổ từ ngoài xâm nhập vào, rồi lại từ trong ra, chẳng biết đâu mà lường, chẳng biết đâu mà tránh.
Phật nói đúng, “Đời là bể khổ”, mà biển thì mênh mông, đời người lại vô cùng hữu hạn. Bao nhiêu nhà hiền triết nói mãi viết mãi không ra cái điều mà Phật chỉ nói một câu gọn, có dịch ra trăm thứ tiếng cũng chỉ mấy từ đó thôi. Nhưng nói vậy không có nghĩa Phật bi quan. Ngài chỉ cảnh báo về những hiện thực đau lòng trên cõi thế gian này, còn làm sao để “phá chấp” thoát vòng khổ nạn, thì đó lại thuộc về những bài học, những triết lý, những soi đường của Phật. Và những hành động của con người. Tôi không rành kinh Phật, nhưng với câu nói “Đời là bể khổ” của Đức Ngài, tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này: dù đời là bể khổ chăng nữa, thì mình cứ phải sống đúng như một con người, với nhân cách của một con người bình thường, và sẵn sàng chịu đựng những khổ nạn cùng mọi người, với mọi người. Không có một đặc ân nào giúp mình thoát cái “bể khổ” đó cả, và giả sử một mình “ên” thoát khỏi bể khổ, thì có khi còn khổ hơn, vì làm sao có thể sống sung sướng một mình, bạn nhỉ?
Sinh thời, mẹ tôi không hề nghĩ xa xôi thế. Bà cứ cặm cụi sống, vất vả lao động, luôn ân cần hòa hiếu với mọi người, giúp ai được cái gì thì ráng giúp, không bao giờ dạy con mà chỉ thầm mong con mình sống không hư hỏng, sống như một người tốt bình thường. Tôi giống mẹ tôi ở điểm ấy, không dạy con, chỉ thầm mong con sống tốt. Ở đời, tiền bạc rất quý, nhưng còn nhiều thứ quý hơn tiền bạc, mình chỉ cần biết như thế cũng là được rồi.
Đã có lúc tôi nghĩ, triết lý cốt lõi của đạo Phật là chuyển động, tất cả đều chuyển động, không ngừng nghỉ. Trong dịch bệnh, con người chợt ngộ ra nhiều lẽ, chợt bừng sáng lên lòng nhân ái, chợt thấy mình phải sống tốt hơn, phải nghĩ tới người khác nhiều hơn, phải làm gì đó vì những người đang cần mình. Và như thế, mình đã chuyển động, như Phật dạy, trong lặng lẽ.
“Một thế giới không có tình yêu thương là một thế giới chết”, văn hào Albert Camus đã viết như vậy, và tôi coi câu viết đó là đỉnh cao của triết học.
Con trai giống mẹ, với tôi, là giống ở sự nhẫn nhịn. Mẹ tôi suốt đời sống nhẫn nhịn. Và tôi cũng học mẹ mình để sống được như thế.
Bình luận (0)