Nhận diện 5 vi phạm chủ yếu trong sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng

14/11/2024 09:30 GMT+7

Cục An toàn thực phẩm thông tin về 5 hình thức vi phạm thường gặp, người tiêu dùng cần biết để tránh mua, sử dụng.

Chủ động giám sát chất lượng

Theo Bộ Y tế, từ năm 2022 đến nay, đã cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố cho 24.643 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó sản phẩm trong nước chiếm 84,7%; cấp 201 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu thực hành sản xuất tốt (GMP) thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Việt Nam là quốc gia đầu tiên của ASEAN áp dụng GMP thực phẩm bảo vệ sức khỏe); cấp 6.653 Giấy xác nhận nội dung quảng cáo.

Tỷ lệ số mẫu được giám sát không đạt giảm qua các năm (năm 2022 là 7,67%; năm 2023 là 1,69%; 10 tháng đầu năm 2024 là 0,31%).

Tỷ lệ (%) số chỉ tiêu được thử nghiệm có kết quả không đạt so với tổng số chỉ tiêu đã được thử nghiệm cũng giảm (năm 2022 là 2,28%; năm 2023 là 0,97%; 10 tháng đầu năm 2024 là 0,47%).

Với các vi phạm đã phát hiện, Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm) chuyển thông tin của 95 sản phẩm vi phạm trên 184 đường link vi phạm tới Bộ Thông tin và Truyền thông, 92 sản phẩm vi phạm trên 165 đường link vi phạm Bộ Công Thương để xử lý theo thẩm quyền.

Đồng thời, Bộ Y tế đã thực hiện và chỉ đạo các địa phương thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

Theo đó, Bộ Y tế đã xử lý 126 hành vi vi phạm, với tổng số tiền phạt là 16,858 tỉ đồng; các địa phương đã kiểm tra 941.836 cơ sở, trong đó có 85.551 cơ sở có vi phạm, phạt tiền 20.881 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 123,841 tỉ đồng.

Nhận diện 5 vi phạm chủ yếu trong sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng- Ảnh 1.

Nhận diện 5 vi phạm chủ yếu trong sản xuất kinh doanh thực phẩm

Theo Cục ATTP, với các sản phẩm bảo vệ sức khỏe (người tiêu dùng thường quen gọi là thực phẩm chức năng), qua công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, cho thấy 5 vi phạm chủ yếu trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về thực phẩm chức năng chủ yếu về: (1) sản xuất thực phẩm chức năng giả (giả về chất lượng, giả về thương hiệu và giả về nguồn gốc, xuất xứ).

Phần lớn các mặt hàng thực phẩm chức năng làm giả, kém chất lượng đều được nhập qua đường tiểu ngạch về đến Việt Nam được các cơ sở thay bao bì, nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và mang đi tiêu thụ.

Những sản phẩm làm giả này được bán ra thị trường với giá rẻ hơn hàng thật; (2) sản xuất thực phẩm chức năng có chứa chất cấm; (3) sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng không đúng chất lượng đã công bố; (4) sản xuất thực phẩm chức năng ở nơi không bảo đảm vệ sinh, không có Giấy chứng nhận GMP; (5) vi phạm về quảng cáo, cụ thể: quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo không đúng với nội dung đã được xác nhận.

Ngoài ra, còn tình trạng sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm; thiết lập tổng đài tư vấn giả mạo bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia y tế để tư vấn không đúng về công dụng, tác dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.