Nhãn hàng riêng chiếm ưu thế

19/06/2013 03:10 GMT+7

Tình hình kinh tế khó khăn không chỉ khiến thị trường hàng tiêu dùng tăng trưởng chậm mà còn tác động mạnh đến quyết định mua sắm của người dân.

Giữa tháng 6, Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel công bố báo cáo mới nhất về tăng trưởng của thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong thời gian 4 tuần, tính đến hết ngày 21.4.2013. Theo đó, thị trường FMCG đạt mức tăng trưởng 8,3% ở thành thị và 12% ở nông thôn so với cùng kỳ năm 2012. Ở thành thị, nhóm sản phẩm chăm sóc cá nhân tăng trưởng mạnh nhất ở mức 15%, phần lớn tập trung vào các mặt hàng dành cho trẻ em và các mặt hàng mang lại giá trị gia tăng như dầu xả, sữa dưỡng ẩm da mặt, lăn khử mùi… Cũng tại khu vực nông thôn, cháo ăn liền đang có mức tăng trưởng ấn tượng với tỷ lệ lên đến 61%, tính theo khối lượng tiêu thụ, so với cùng kỳ năm trước. Tại khu vực nông thôn, đồ uống và sữa dẫn đầu với mức tăng lần lượt là 25% và 24%. Ngoài ra, bia dẫn đầu nhóm sản phẩm đồ uống ở khu vực nông thôn với mức tăng trưởng 49%.

 Nhãn hàng riêng chiếm ưu thế
Sữa là một trong những mặt hàng có mức tăng trưởng nhanh ở thành thị - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Mặc dù vẫn tăng trưởng nhưng thị trường FMCG năm nay có tốc độ tăng trưởng chậm hơn năm ngoái. Báo cáo của Kantar Worldpanel nhận định rằng tình trạng trên là do người Việt Nam đang cân nhắc hơn về tiêu dùng thường nhật trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Khách hàng muốn mỗi đồng tiền chi tiêu cần đem lại giá trị lớn hơn nên đang chuyển dần sang mua các sản phẩm mang nhãn hàng riêng, thường được bán với giá hấp dẫn hơn. Vì thế, dù chỉ chiếm 3% doanh thu ở những kênh mua sắm hiện đại, nhưng các nhãn hàng riêng đang ngày càng phát triển, đến được với khoảng 40% số hộ gia đình ở thành thị trong năm 2012. Cũng vì lý do giá rẻ, xu hướng mua sắm ở tiệm tạp hóa sang mua sắm ở các siêu thị cũng yếu dần đi trong thời gian gần đây. Cuối năm ngoái, Khảo sát Lối sống người tiêu dùng do Kantar Worldpanel thực hiện cho kết quả 55% người tiêu dùng thành thị cùng có quan điểm “Giá cả ở siêu thị luôn đắt hơn ở tiệm tạp hóa”. Trong khi đó, vào năm 2011, con số này chỉ là 50%.

Hoàng Đình

>> Phát hiện 2 cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng giả
>> Buôn lậu hàng tiêu dùng đã qua sử dụng
>> Số lượng hàng tiêu dùng bị làm giả tăng mạnh
>> Hàng tiêu dùng đua nhau tăng giá
>> Hàng tiêu dùng dồn dập tăng giá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.