Ngày 25.12, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2. Sau khi đại diện viện kiểm sát đề nghị mức án, các bị cáo và luật sư bào chữa tham gia tranh luận.
Mong muốn có "lợi nhuận ở mức độ phù hợp"
Trước đó, trong bản luận tội đối với 17 bị cáo, cựu Phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên Trần Tùng là người bị đề nghị mức án cao nhất, 12 - 14 năm tù. Theo cáo buộc, ông Tùng nhận hối lộ số tiền hơn 4,4 tỉ đồng, và thu lợi bất chính 3,2 tỉ đồng từ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Tự bào chữa, ông Tùng nói "rất xót ruột" khi chứng kiến người dân ở nước ngoài phải khổ sở, vất vả và mất rất nhiều tiền để có thể về Việt Nam. Do đó, bị cáo phải đích thân thuyết phục các khách sạn đồng ý tiếp nhận công dân về nước, thậm chí còn nói cấp dưới thuê người bên ngoài làm thay nếu khách sạn không có nhân viên.
Cựu phó giám đốc sở ngoại vụ thừa nhận việc mặc cả giá dịch vụ cách ly trọn gói với các doanh nghiệp, nhưng cho rằng mục đích là để người dân được giảm giá, còn bản thân sẽ có "lợi nhuận ở mức độ phù hợp".
Với nhận thức đó, ông Tùng khẳng định không hề có chủ đích nào trong việc nhận hối lộ, mong được xem xét lại hình phạt cũng như số tiền hưởng lợi, vì thực tế "không cao như cáo trạng".
Tham gia bào chữa cho bị cáo Tùng có 3 luật sư, gồm Chu Thị Trang Vân, Trần Văn Tú và Bùi Thị Ngọc Huyền. Nhóm luật sư cho rằng bản chất mối quan hệ giữa thân chủ với các doanh nghiệp tổ chức chuyến bay là làm ăn kinh doanh, chứ không phải nhũng nhiễu hoặc ép buộc phải chi tiền.
Luật sư nói cựu phó giám đốc sở đã "nắm bắt cơ hội" trong việc kiếm lợi nhuận từ các chuyến bay mà không nhận thức được hành vi của bản thân là vi phạm pháp luật. Dĩ nhiên, việc này là không được phép, vì bản thân bị cáo là người có chức vụ, quyền hạn và là người trực tiếp có trách nhiệm thực hiện chủ trương chung của Nhà nước.
Từ căn cứ đã nêu, luật sư đề nghị hội đồng xét xử có sự đánh giá về ý thức của bị cáo, đồng thời xem xét lại các con số mà cáo trạng cáo buộc nhận hối lộ và thu lợi bất chính thông qua việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Đưa tiền một cách vô tư, không giấu giếm
Một bị cáo khác là Phạm Quốc Thắng, Giám đốc Công ty TNHH PNR, bị đề nghị mức án 2 - 3 năm tù về tội đưa hối lộ, với cáo buộc chuyển gần 3,5 tỉ đồng cho một số người trung gian để đưa cho Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, bị tuyên án chung thân ở giai đoạn 1) nhằm cấp phép các chuyến bay.
Có 2 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Thắng, gồm Trịnh Văn Tuyến và Đỗ Ánh Tuyết. Các luật sư nói không tranh luận về mặt tội danh, nhưng mong hội đồng xét xử xem xét về nguyên nhân, bối cảnh, hoàn cảnh phạm tội của thân chủ.
Luật sư nói do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhu cầu công dân về nước là rất lớn, trong khi bị cáo lại đang phải chịu áp lực giải quyết công ăn việc làm cho gần 60 lao động. Để giải quyết, bị cáo đã tham gia vào quá trình xin cấp phép chuyến bay. Và thực tế, bị cáo đã góp phần đưa được 345 công dân về nước.
Về việc đưa tiền cho các trung gian để chuyển đến Phạm Trung Kiên, luật sư cho rằng hành vi này xuất phát từ sự thiếu hiểu biết pháp luật. Bởi lẽ theo thông thường, hành vi đưa hối lộ luôn được thực hiện một cách kín kẽ, thậm chí là ngụy trang để che giấu. Nhưng với bị cáo, khi chuyển tiền đều thực hiện bằng chuyển khoản.
Điều này cho thấy bị cáo "rất hồn nhiên, vô tư" khi chuyển tiền với mật độ liên tục, đều đặn, số lượng lớn, mà không hề có chút e dè hay giấu giếm.
Luật sư cũng cho rằng Phạm Quốc Thắng chỉ giữ vai trò giúp sức thứ yếu, không đáng kể, có hành vi phạm tội giản đơn và thụ động. Khi đưa tiền cho những người trung gian để chuyển đến cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, bị cáo không hề có sự bàn bạc, phân công, phân nhiệm hay thỏa thuận "ăn chia"…
Bị cáo Vũ Hồng Quang, cựu Phó phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) bị đề nghị mức án 3 - 4 năm tù về tội đưa hối lộ, với cáo buộc đưa gần 7,5 tỉ đồng cho Phạm Trung Kiên, từ đó hưởng lợi gần 20 tỉ đồng.
Bật khóc tại tòa, ông Quang nói sau khi biết bản thân phạm tội đã rất sốc. Bị cáo đã viết đơn tường trình lại toàn bộ diễn biến phạm tội của bản thân trước khi có quyết định khởi tố và phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra giúp sớm làm rõ nội dung vụ án.
"Sau hơn 2 năm bị tạm giam, bị cáo rất thấm thía về những sai lầm của bản thân", ông Quang nói.
Bình luận (0)