Nhân ngày 8 tháng 3: Đốt nén hương thơm kính tặng mẹ

05/03/2005 21:10 GMT+7

Nhân ngày 8 tháng 3, tôi muốn khơi nguồn từ đáy lòng để tưởng nhớ mẹ tôi, người phụ nữ "phụ nữ" nhất trong trái tim tôi. Hình như M.Gorki có nói rằng không có người mẹ thì cũng chẳng có anh hùng, chẳng có thi nhân. Tôi không là anh hùng, cũng không là thi nhân, tôi chỉ là một cái tôi bé nhỏ giữa cuộc đời mênh mang này. Song để sống cho trọn vẹn một tôi bé nhỏ trong sự mênh mang của cuộc đời không dễ chút nào. Tiếp sức cho cuộc sống bé nhỏ cố được cho trọn vẹn đó của tôi là hình ảnh mẹ tôi.

Vào một ngày giáp Tết Ất Dậu, ba chị em chúng tôi, đầu đã bạc trắng, đứng trước mộ mẹ chúng tôi, chị tôi nói: "Những gì mà chúng ta có được hôm nay đều là nhờ mẹ, theo tấm gương của mẹ". Dưới mắt tôi, chị tôi là một người phụ nữ can trường. Đứng trên đồi của nghĩa trang Yên Kỳ, Hà Nội lộng gió, mái tóc bạc của chị tôi cứ như thách thức với thời gian về sự can trường của một người vợ, người mẹ đứng trước mộ chồng và hai con trai. Anh tôi - một vị tướng, và cháu tôi - một chàng trai mới ngoài ba mươi tuổi đều là nạn nhân của chất độc màu da cam.

Sự can trường của người vợ, người mẹ đang đứng trước mắt tôi, bên mộ chồng và con trai thể hiện trong đôi mắt hiền dịu, đượm buồn song không chịu bi lụy. Tôi hiểu sự hun đúc nên tính cách can trường của chị tôi đang đứng kia chính là những năm tháng đằng đẵng dõi theo tin chồng qua những bản tin chiến sự mà ngày nào cũng là ngày nóng bỏng đối với chị tôi gần suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, vì chị tôi biết rằng chồng mình đang ở những nơi hứng chịu mưa bom bão đạn và chất độc da cam của kẻ thù mà không được nói ra với bất cứ ai trong gia đình để cùng san sẻ nỗi lo âu. Mắt tôi nhòa đi trong xúc cảm, rồi đột nhiên, tôi giật mình thấy mẹ tôi đang đứng đó, chỗ chị tôi đang đứng. Tôi một lần nữa nhận ra chị giống mẹ tôi như đúc.

Thương con, và vì sự nghiệp của con, mẹ tôi đã chống gậy vượt Trường Sơn đi ngót 8 tháng trời ra Việt Bắc. Có những đoạn qua U Bò, Ba Rền mẹ tôi kiệt sức phải có người cõng. Bà âm thầm chịu đựng, không một lời than phiền. Có lẽ sự can trường đó được tích tụ từ những ngày bà phải đem cơm tù và chứng kiến anh tôi bị địch tra tấn, tù đày. Để giúp con hoàn thành nhiệm vụ, giữa đám lính địch ngổn ngang thu dọn nơi ở mới, bà đã dẫn đứa con trai út của mình mới mười bốn tuổi, trèo lên trần nhà, nơi cất giấu để tìm cách chuyển đi hai chiếc máy chữ, một số giấy tờ và một khẩu súng lục mà địch ập đến chiếm nhà đóng đồn bà không kịp trở tay. Tôi hiểu sự hy sinh thầm lặng song cực kỳ gay gắt trong lòng người mẹ khi phải có quyết định này. Có lẽ, động cơ giục giã bà hành động như vậy chưa phải đã là sự giác ngộ cách mạng, là lòng yêu nước, là quan điểm lập trường mà chỉ đơn thuần là lòng yêu con, muốn cho con mình hoàn thành nhiệm vụ mà bà mường tượng hiểu ra rằng đó là chính nghĩa, là sự hướng thiện. Trong suy ngẫm của tôi, đây là ngọn nguồn quyết định sự hình thành và hoàn thiện tính cách của một con người, sự bền chắc của đạo lý xã hội, sự thịnh suy của một chế độ.

Mẹ tôi là phật tử, ngày rằm mồng một bà ăn chay và giảng dạy cho chúng tôi thế nào là "Phật tại tâm". Theo nếp cổ, bà cẩn thận nhặt những tờ giấy có chữ "thánh hiền" buông vương bỏ vãi đâu đó xếp lại ngay ngắn rồi đốt đi. Vào những ngày đang còn khó khăn, tôi cố mỗi tuần mua được cho mẹ tôi một chiếc bánh giò, bao giờ bà cũng sẻ một góc chiếc bánh cho người cần vụ của anh tôi, cũng một phụ nữ có tuổi trông dạy các cháu và săn sóc bà. Bữa cơm, bà không để rơi vãi và nhắc các cháu không được để rơi vãi cơm ra bàn, ra chiếu, với lời dạy "phung phí hạt ngọc của trời là có tội". Chồng mất khi sinh đứa con trai út, bà ở vậy nuôi con khôn lớn và bằng cuộc đời của chính mình, với trái tim yêu thương của mình, bà dạy cho các con nên người.

Giờ đây, tôi nghĩ đến bà khi răn dạy con gái tôi, nay cũng đang làm mẹ. Vì tuy với tuổi bảy mươi, tôi vẫn thấy mình bé bỏng trước hình ảnh lớn lao của mẹ tôi, cứ muốn được sà vào lòng mẹ như thuở nào. Tôi nói với con gái: "Con muốn dạy con của con thì trước hết con phải biết thương yêu và kính trọng mẹ của con. Hãy bằng tấm gương của mình mà dạy con như tấm gương của bà nội sáng ngời trong cuộc đời của các bác các cô và bố mẹ của con". Đây cũng là điều mà vợ chồng tôi hay nói với nhau.

Nhân ngày 8 tháng 3, tôi muốn đốt lên nén hương trong lòng để tưởng nhớ mẹ tôi và nhắc các con tôi nhớ đến bà trong ngày kỷ niệm có ý nghĩa này. Trong sự ngổn ngang bề bộn của thị trường, thương trường, của các cuộc thi hoa hậu, tôn vinh sắc đẹp có lẽ nên lưu ý đến thế hệ trẻ một điều: trong sâu thẳm sức sống dân tộc, văn hóa dân tộc, tiếng bà ru cháu, lời mẹ dặn con là nguồn mạch hình thành nên nhân cách của một con người, bảo đảm sự yên ấm của xã hội.

Tương Lai

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.