Nhân rộng mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá

12/08/2013 09:28 GMT+7

Hội nghị Tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo và chủ trương phát triển kinh tế biển tại TP.Đà Nẵng vừa qua đã nêu bật hiệu quả của mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá (DVHCNC) trong quá trình bám giữ ngư trường truyền thống Hoàng Sa.

Báo cáo của Tổ DVHCNC của TP.Đà Nẵng cho hay, thực hiện chủ trương nhà nước khuyến khích tàu cá đánh bắt vùng khơi, hiện các đội tàu khai thác tại ngư trường truyền thống vùng biển quần đảo Hoàng Sa của TP.Đà Nẵng ngày càng nhiều nhưng do khai thác xa bờ nên gặp khó khăn chi phí chuyến biển tăng cao. Tàu cá phải bám biển dài ngày hơn để tăng sản lượng bù đắp chi phí nên hải sản đông lạnh lâu, giảm chất lượng, mất giá, lao động làm việc nhiều hơn như thu nhập không tương xứng công sức.

Do đó từ giữa năm 2012 UBND TP.Đà Nẵng đã phê duyệt đơn xin thành lập Tổ DVHCNC hoạt động ở Hoàng Sa gồm 4 tàu của ngư dân Lê Mến, Lê Văn Sang, Trần Toàn và Trần Ny (cùng P.Thuận Phước, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng). Nhiệm vụ của Tổ DVHCNC như một tàu con thoi liên tục ra vào, thu mua hải sản của các đội tàu đánh bắt trực tiếp giữa khơi và tiếp tế nhu yếu phẩm như nước ngọt, lương thực, dầu, nhớt, đá ướp cá… để đội tàu khai thác kéo dài thời gian bám biển mà vẫn đảm bảo chất lượng hải sản.

Trong 4 tháng hoạt động trong năm 2012, Tổ DVHCNC thu mua được 1.600 tấn hải sản, 7 tháng đầu năm 2013 thu mua được 2.800 tấn hải sản các loại, tạo việc làm cho 52 thuyền viên làm việc trên 4 tàu và hơn 40 lao động tại cảng cá với thu nhập 5 đến 8 triệu đồng/người/tháng.

Nhân rộng mô hình dịch vụ hậu cần nghề cá
Tàu ĐNa 90444 của ngư dân trẻ Lê Văn Sang - Ảnh: Nguyễn Tú

Phát triển hợp tác xã

Nhờ hình thành mạng lưới kết nối thông tin liên lạc giữa các tàu DVHCNC với nhau mà các thuyền trưởng đều chủ động trong hoạt động thu mua và phòng tránh bão, áp thấp nhiệt đới, từ giữa năm 2012 đến nay đã kịp thời ứng cứu 3 tàu cá các tỉnh bị tai nạn và sử dụng nguồn quỹ đóng góp 2 triệu đồng/tàu/quý để hỗ trợ cho thuyền viên gặp nạn, tàu cá hư hỏng.

Ngoài ra, Tổ còn làm nhiệm vụ cung cấp kịp thời cho Bộ đội Biên phòng tình hình an ninh trên biển thực hiện theo chế độ thông tin liên lạc Icom hằng ngày, nhất là các tàu lạ xâm nhập vào vùng biển Việt Nam. Nhờ vậy, Tổ DVHCNC đã được Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng TP.Đà Nẵng tặng giấy khen, riêng ngư dân Lê Văn Sang, chủ tàu hậu cần ĐNa 90444 còn được nhận bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương 2012, bằng khen của Hội Nông dân Việt Nam 2012 và bằng khen của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng năm 2013.

Ngư dân Lê Văn Sang cho hay Tổ DVHCNC sẽ phát triển thành Hợp tác xã DVHCNC vào cuối năm 2013 để dễ vay vốn, đóng mới thêm 1 tàu công suất trên 800 CV. Hiện Viện nghiên cứu hải sản đang cùng Tổ DVHCNC TP.Đà Nẵng thực hiện mô hình hậu cần dịch vụ nghề cá trên biển để nhân rộng cho các địa phương khác. “Bám ngư trường Hoàng Sa một mặt vừa đánh bắt, vừa thường xuyên hiện diện trên vùng biển của mình để khẳng định chủ quyền và cung cấp các thông tin cho các cơ quan chức năng, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam” - ngư dân Lê Văn Sang nói.

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.