(TNO) Trung tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao TP.Đà Nẵng (CPHUD) ngày 1.10 cho biết đã quyết định khởi kiện hàng loạt học viên thuộc Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Thông qua các chương trình đào tạo trong và ngoài nước, lãnh đạo TP.Đà Nẵng kỳ vọng tìm ra “nhân tài” thực sự góp phần xây dựng TP phát triển - Ảnh: Hữu Trà |
Đề án trên còn gọi là đề án 922. Theo CPHUD, quyết định kiện là do nhiều học viên vi phạm hợp đồng cam kết phục vụ TP.Đà Nẵng sau khi tốt nghiệp, hoàn thành các khóa đào tạo trong và ngoài nước với UBND TP.Đà Nẵng.
Cũng theo CPHUD, đến cuối tháng 7.2015, đã có 625 lượt học viên tham gia đề án 922; trong đó có 397 học viên bậc đại học (163 người học trong nước và 234 người học nước ngoài), 109 học viên tham gia đào tạo sau đại học ở nước ngoài (89 thạc sĩ, 20 tiến sĩ) và 119 học viên tham gia đề án đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú.
Trong số học viên trên, có 390 lượt học viên đề án 922 tốt nghiệp và thành phố đã bố trí công tác cho 336 lượt học viên. Điều đáng nói là dù được ưu ái và cấp kinh phí đào tạo đều đặn, song số học viên vi phạm hợp đồng hoặc xin không tham gia đề án 922 gia tăng. Cụ thể, trong số 71 người vi phạm hợp đồng, xin không tham gia đề án, có tới 42 trường hợp không về phục vụ TP.Đà Nẵng sau khi tốt nghiệp, hoàn thành các khóa đào tạo.
Một lãnh đạo của CPHUD cho biết ban đầu đã khởi kiện 7 học viên ra tòa buộc hoàn trả số tiền mà UBND TP.Đà Nẵng đã cấp. Mới đây, ngày 28.9, TAND TP.Đà Nẵng đã mở phiên tòa sơ thẩm buộc 2 học viên là H.V.L, H.T.T.T và gia đình bồi thường số tiền 6 tỉ đồng. Trước đó, vào tháng 6.2015, TAND TP.Đà Nẵng cũng tuyên buộc học viên H.T.A bồi thường trên 1,4 tỉ đồng...
Đề án 922 đã nhiều lần được Thành ủy, UBND TP.Đà Nẵng mang ra “bàn mổ” nhằm tìm kiếm giải pháp tối ưu trong chính sách đào tạo, thu hút nhân tài; đồng thời cảnh báo tình trạng vi phạm hợp đồng của các học viên. Điển hình như tháng 3.2014, Thành ủy Đà Nẵng đã mở cuộc hội nghị tổng kết 15 năm công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và cho biết cả hai đề án 922 và đề án 393 (đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ tại nước ngoài) chỉ trong 8 năm (từ 2006-2014) đã ngốn ngân sách thành phố đến... 600 tỉ đồng.
Dù tốn nhiều kinh phí để đào tạo “nhân tài”, nhưng nhiều người học xong không được bố trí đúng chuyên môn, thậm chí có nhiều người tốt nghiệp xong phải... chờ việc hơn nửa năm.
Bình luận (0)