Nhập hộ khẩu mới tại TP.HCM: Chỉ 10-15 ngày

14/11/2005 15:29 GMT+7

Qua rà soát tại 24 quận, huyện trên địa bàn TP hiện có 136.658 hộ với 495.625 nhân khẩu đủ điều kiện đăng ký hộ khẩu (ĐKHK) thường trú theo quy định mới. Để giải quyết số lượng hộ khổng lồ này, với 6 đầu mối (Phòng QLHC và 5 huyện) như trước đây là rất khó, do đó TP sẽ mở 25 cửa (Phòng QLHC và công an 24 quận, huyện) tiếp nhận hồ sơ cho người dân có nhu cầu ĐKHK. Thượng tá Võ Văn Nhuận - Trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (gọi tắt QLHC) Công an TP.HCM, cho biết như vậy trước khi bắt đầu đồng loạt tiếp nhận hồ sơ nhập hộ khẩu theo quy định mới - hôm nay 14/11.

Chỉ 10-15 ngày là có hộ khẩu

Cũng theo Thượng tá Võ Văn Nhuận, về quy định tiếp nhận hồ sơ được xác định rõ như sau: Cán bộ tiếp nhận phải kiểm tra thật kỹ, nếu thấy đầy đủ thủ tục theo quy định thì tiếp nhận, viết biên nhận, hẹn ngày trả kết quả. Nếu còn thiếu hoặc chưa đúng thì hướng dẫn một lần bằng giấy cho công dân. Sau khi tiếp nhận hồ sơ hoàn chỉnh, không quá 10 ngày làm việc (đối với TP, thị xã) và không quá 15 ngày làm việc (đối với địa bàn khác), cơ quan công an phải giải quyết và trả kết quả cho công dân. Trường hợp có vướng mắc, phát sinh thì được kéo dài thời hạn nhưng không quá 10 ngày làm việc.

Để người dân “gõ” đúng cửa theo hướng dẫn về đăng ký nhập hộ khẩu của Công an TPHCM, Phòng QLHC sẽ tiếp nhận giải quyết cho các trường hợp công dân tạm trú từ 3 năm trở lên, có nhà ở chưa có giấy tờ hợp pháp nhưng có xác nhận của UBND phường, xã, thị trấn về tình trạng hợp pháp của nhà ở, đất ở; những trường hợp đặc biệt như đến TP theo chủ trương thu hút nhân tài... Công an các quận, huyện sẽ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho các trường hợp còn lại đã quy định trong nghị định. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, người dân hiện cư trú tại địa phương nào thì không nhất thiết cứ phải lên Phòng QLHC, mà nộp hồ sơ tại công an quận, huyện sẽ vẫn được hướng dẫn, giải quyết theo quy định.

Nhà ở nhờ, đi thuê cũng được xem xét

Theo quy định chung, người ngoại tỉnh muốn ĐKHK tại TP vẫn phải bảo đảm 3 điều kiện: có nhà ở hợp pháp, có thu nhập ổn định và phải tạm trú liên tục tại TP từ 3 năm trở lên. Nếu so với quy định ĐKHK trước đây, ngoài việc giảm điều kiện về thời gian tạm trú liên tục từ 5 năm xuống còn 3 năm thì về điều kiện “nhà ở hợp pháp” cũng thoáng hơn rất nhiều.

Đại tá Trần Triều Dương lưu ý, một số loại nhà không được coi là hợp pháp để ĐKHK (trừ trường hợp bố, mẹ, vợ, chồng, con xin ĐKHK về với nhau): nhà đang có tranh chấp về quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng mà có cơ quan thẩm quyền đang giải quyết, nhà nằm trong vùng quy hoạch đã có thông báo di dời. Chưa hết, diện người nhập hộ cũng được cụ thể hóa và mở rộng thành nhiều thành phần thay vì trước đây chỉ xét theo quan hệ vợ, chồng, con thì bây giờ nếu là cháu cũng được xem xét cho nhập khẩu nếu được bảo lãnh.

Được biết, để triển khai đồng bộ, ngày 10-11, Phòng QLHC đã tổ chức tập huấn cho cán bộ 24 quận, huyện nhằm thống nhất việc thực hiện tiếp nhận và giải quyết để tránh mỗi nơi làm một kiểu.

Chưa được đăng ký hộ khẩu sẽ được cấp giấy tạm trú có thời hạn

Công an TPHCM tiếp tục kiểm tra, rà soát nhân khẩu tạm trú có thời hạn KT3, KT4 đến TP cư trú nhưng chưa đăng ký hộ khẩu thường trú. Đối với nhân khẩu tạm trú có thời hạn, nhưng không đủ điều kiện để đăng ký thường trú thì tiến hành cấp giấy đăng ký tạm trú có thời hạn hoặc giấy tạm trú có thời hạn... Đối với nhân khẩu tập thể, kiểm tra rà soát lại các nhà ở tập thể để lập bản sao sổ hộ khẩu. Số nhân khẩu tập thể đăng ký nơi này nhưng thực tế thường xuyên ở nơi cư trú khác, Công an TP sẽ làm việc trực tiếp với thủ trưởng cơ quan đơn vị... bàn bạc thống nhất cắt chuyển hộ khẩu đến nơi họ đang cư trú.

Ngoài ra, đối với hộ, nhân khẩu có hộ khẩu thường trú tại TP nhưng thực tế cư trú tại địa chỉ khác trong TP (KT2) do nhà nơi đăng ký hộ khẩu thường trú không còn hoặc không thể ở thì được giải quyết đăng ký hộ khẩu thường trú tại nhà đang ở và có ghi ký hiệu riêng về tình trạng nhà trong sổ hộ khẩu gia đình... 

Thế nào là “nhà ở hợp pháp”?

1/ Nhà ở thuộc sở hữu của người chuyển đến là nhà ở có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (sổ hồng) hoặc nhà xây trên đất ở có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ); nhà ở có giấy tờ hợp lệ về nhà ở, đất ở theo quy định pháp luật; trường hợp nhà ở chưa có một loại giấy tờ quy định nêu trên thì phải có xác nhận của UBND phường, xã, thị trấn về tình trạng hợp pháp của nhà ở, đất ở.

2/ Nhà ở được quyền sử dụng hợp pháp gồm: a/ Nhà ở có hợp đồng thuê nhà của cá nhân với cơ quan, tổ chức, cá nhân có chức năng kinh doanh nhà theo quy định của pháp luật; b/ Nhà ở thuộc quyền quản lý của cơ quan, tổ chức có quyết định giao cho cá nhân sử dụng.

3/ Trường hợp nhà ở đi thuê hoặc cho ở nhờ, thì đối với nhà ở nhờ phải có sự đồng ý văn bản của chủ nhà (chủ nhà phải bảo đảm điều kiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2) về việc cho phép nhập hộ khẩu và phải bảo đảm diện tích trên một đầu người theo quy định của UBND cấp tỉnh (tại TPHCM diện tích này là 8 m2 – PV)... 

Theo Tất Thắng – Ngọc Hậu/NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.