Theo dữ liệu hải quan chính thức được công bố hôm 7.9, lượng nhập khẩu vi mạch tích hợp (IC) của Trung Quốc đã giảm hơn 12% trong 8 tháng đầu năm nay, nguyên nhân là thị trường bán dẫn lớn nhất thế giới phải đối mặt với áp lực từ các cơn bão kinh tế và cuộc chiến công nghệ leo thang với Mỹ.
Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, cả nước đã nhập khẩu 369,5 tỉ IC từ tháng 1 đến tháng 8.2022, giảm 12,8% so với con số 423,9 tỉ cùng kỳ năm ngoái. Điều đó đánh dấu sự sụt giảm mạnh so với mức tăng 27,2% được ghi nhận trong cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, giá trị nhập khẩu chip của Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay đã tăng 2,6% lên 277 tỉ USD, so với 270 tỉ USD cùng kỳ năm ngoái, cho thấy nước này đang mua các sản phẩm vi mạch đắt tiền hơn.
Lượng nhập khẩu vi mạch tích hợp (IC) của Trung Quốc đã giảm hơn 12% trong 8 tháng đầu năm 2022 |
chụp màn hình |
Hoạt động sản xuất tại nhà máy của Trung Quốc trong tháng trước giảm trong bối cảnh nhu cầu suy yếu. Tình trạng thiếu điện và các đợt bùng phát dịch Covid-19 mới cũng là yếu tố làm gián đoạn sản xuất. Theo khảo sát của Caixin, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) giảm xuống mức 49,5 trong tháng vừa qua. Số liệu này lặp lại dữ liệu PMI chính thức do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào tuần trước, ghi nhận mức giảm tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 8.2022.
Nhập khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc bắt đầu giảm trong hai tháng đầu năm 2022, đánh dấu mức giảm theo năm lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020. Khối lượng xuất khẩu chip của nước này từ tháng 1 đến tháng 8 cũng giảm 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 186,3 tỉ USD.
Những dữ liệu thương mại nêu trên phản ánh áp lực gia tăng mà ngành bán dẫn của Trung Quốc phải đối mặt trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Bắc Kinh và Washington, vốn đang đặt ra nhiều hạn chế hơn đối với việc ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip tiên tiến của Mỹ.
Chính phủ Mỹ tuần trước đã cấm Nvidia và Advanced Micro Devices (AMD) bán chip tiên tiến được sử dụng trong trí tuệ nhân tạo (AI) và tính toán hiệu suất cao cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Động thái này đánh dấu nỗ lực mới nhất của Washington nhằm tăng cường lợi thế công nghệ cao của Mỹ so với Trung Quốc, không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành Đạo luật Khoa học và Chips (Chips and Science Act) hồi đầu tháng 8.2022, dành gần 53 tỉ USD để khuyến khích sản xuất chất bán dẫn trên đất Mỹ.
Mỹ còn có kế hoạch thành lập Liên minh Chip 4, với quan hệ đối tác bao gồm Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản. Chính quyền Bắc Kinh coi liên minh này như một âm mưu của Washington nhằm loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu.
Bình luận (0)