Nhập nhèm ấn đền Trần

31/01/2013 03:25 GMT+7

Bà Cao Thị Tính, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Nam Định cho biết, việc đóng ấn đền Trần chỉ dùng một ấn cổ. Tuy nhiên, một chiếc ấn cổ liệu có thể đóng đủ hàng vạn lá ấn?

Bà Cao Thị Tính, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Nam Định cho biết, việc đóng ấn đền Trần chỉ dùng một ấn cổ. Tuy nhiên, một chiếc ấn cổ liệu có thể đóng đủ hàng vạn lá ấn?

Điều làm nhiều nhà khoa học bức xúc về lễ hội đền Trần là sự không sòng phẳng khi công bố thông tin về tác dụng của lá ấn. Theo đó, ấn đền Trần được coi là một tập tục từ đời xưa, lá ấn này ban ra cũng như ban chức tước. Thêm vào đó, việc một số quan chức cấp cao xuất hiện tại hội đền Trần càng gián tiếp khẳng định tác dụng này. Trong khi, theo các nhà nghiên cứu, không hề có chuyện chiếc ấn thăng quan này.

Lễ hội đền Trần năm 2012 - Ảnh: Hoàng Long
Lễ hội đền Trần năm 2012 - Ảnh: Hoàng Long
 

Một lập luận khác còn cho rằng, giả sử chiếc ấn lộc là có thật, cũng không thể có chuyện đem một cổ vật như thế đóng lên hàng vạn lá ấn. Phần để bảo vệ di sản, phần vì “tốc độ” đóng ấn không thể đáp ứng được nhu cầu. Chưa kể, so sánh nét chữ khác nhau trên những lá ấn từng được phát ra tại đền Trần, ông Phạm Văn Ánh (Viện Văn học) còn khẳng định có ít nhất 2 quả ấn từng được đóng lên các lá ấn.

Mặc dù vậy, cả hai thắc mắc trên đều không được giải thích thỏa đáng tại buổi họp báo về lễ hội đền Trần chiều qua (30.1) tại Nam Định. Theo bà Cao Thị Tính, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Nam Định, việc đóng ấn đền Trần chỉ dùng một ấn cổ, vì thế nên mới có nghi lễ rước ấn, hồi ấn. Bên cạnh đó, thông tin cho biết số lá ấn sẽ lớn hơn con số 250.000 của năm ngoái. Như vậy, liệu có thể nào có chuyện các lá ấn sẽ đều từ ấn cổ đóng ra?

Tại cuộc họp báo, nghiên cứu về tính xác thực của quả ấn đền Trần do một nhóm chuyên gia về ấn chương cổ cũng chưa được công bố (Viện Văn hóa nghệ thuật đặt hàng từ năm ngoái). Như vậy, lấy gì bảo đảm tính thiêng của cả quả ấn lẫn lá ấn đền Trần?

Nhà nước lại can thiệp

Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, hội đền Trần đã bị nhà nước hóa khi chính quyền can thiệp vào việc tổ chức, cũng như các quan chức xuất hiện. Tuy nhiên, việc này năm nay vẫn có nguy cơ tiếp diễn. Bởi theo bà Tính, quan chức cũng là người dân, cũng có tín ngưỡng, tâm linh và không thể cấm quan chức đi lễ hội. Việc giới thiệu quan chức đến làm lễ thuộc về nghi lễ nhà nước trong lễ hội, là điều không thể tránh được.

Năm nay, nghi lễ khai ấn vẫn diễn ra đêm ngày 14 tháng giêng. Tuy nhiên, trong thời gian khai ấn từ khoảng 40 phút trước nửa đêm sẽ đóng cửa đền Thiên Trường để đảm bảo tốt nghi lễ tâm linh. Từ sau 23 giờ 55 trở đi mới mở cửa đền để nhân dân vào làm lễ. Liệu đây có thể là một nghi lễ tâm linh riêng cho quan chức?

Một can thiệp khác có thể xảy ra là giới hạn phần nào số lượng lá ấn in ra. Tại cuộc kiểm tra về công tác chuẩn bị tổ chức lễ hội, Thanh tra Bộ VH-TT-DL cho rằng số lượng lá ấn không phải chỉ tiêu để phấn đấu. Cần giảm dần để chống lãng phí. Trước đó, ban tổ chức lễ hội có ý định sẽ in gấp đôi năm trước, tương đương 500.000 lá ấn. “Không thể giới hạn sẽ phát bao nhiêu lá ấn tại lễ hội đền Trần”, ông Nguyễn Xuân Hoạt, Trưởng ban Quản lý di tích đền Trần trả lời buổi họp báo.

Lý giải về việc không thể giới hạn lượng lá ấn, ông Hoạt cho rằng lễ hội được giao cho cộng đồng, vì vậy phải đáp ứng nhu cầu về ấn của cộng đồng.

“Nếu không nói rõ về giá trị thật của lễ khai ấn, chiếc ấn, công chúng có thể vẫn ùn ùn đổ về”, một giáo sư nghiên cứu văn hóa dân gian yêu cầu không nêu tên nói. “Còn chuyện giới hạn số lá ấn được in ra không cần thiết. Bởi không ai có thể kiểm tra được con số thực sự phát ra là bao nhiêu. Hơn nữa, về nguyên lý văn hóa, can thiệp sâu vào thực hành như vậy rất không nên”.

Tuy nhiên, có thể thấy, việc nói lại, nói rõ cho đúng về chiếc ấn giờ vẫn chưa được làm rốt ráo. Liệu có phải ai đó đang muốn kéo dài tình trạng mập mờ này?

Theo công bố của TP.Nam Định, kinh phí thu được từ tổ chức lễ hội đền Trần năm 2011 đạt trên 10 tỉ đồng, năm 2012 trên 14 tỉ đồng. Chính quyền Nam Định khẳng định kinh phí này được công khai, dùng để phục vụ tổ chức lễ hội và trùng tu đền Trần.

Năm nay, ấn sẽ không phát vào đêm 14 tháng giêng như thường lệ mà sẽ phát ấn đồng loạt từ 7 giờ ngày rằm tháng giêng.

Hoàng Long - Trinh Nguyễn

>> Bài học từ lễ hội đền Trần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.