Vệ tinh gỗ này có tên là "LignoSat", là kết quả của gần 4 năm nỗ lực phát triển của một nhóm nghiên cứu tại Đại học Kyoto và Công ty Lâm nghiệp Sumitomo của Nhật Bản, với mục đích hạn chế tổn hại đến môi trường và tiết kiệm chi phí trong phát triển không gian, theo Hãng thông tấn Kyodo.
Các vệ tinh bằng gỗ được cho là hiệu quả hơn cho môi trường khi hết thời gian hoạt động, vệ tinh sẽ rơi trở lại khí quyển trái đất và cháy an toàn, khác so với các vệ tinh thông thường làm bằng kim loại vì chúng tạo ra các hạt alumina (nhôm hoạt tính), có thể ảnh hưởng xấu đến thời tiết và thông tin liên lạc.
Việc phát triển LignoSat mới nhất là một bước tiến cực kỳ có giá trị cho cả ngành công nghiệp vũ trụ và gỗ, đồng thời khẳng định rằng nó sẽ giúp mở ra khả năng sử dụng gỗ như một nguồn tài nguyên bền vững, theo thông cáo báo chí chung của Đại học Kyoto và Công ty Lâm nghiệp Sumitomo. Nhóm nghiên cứu có kế hoạch khám phá tiềm năng của gỗ bằng cách phân tích dữ liệu được gửi từ vệ tinh mới.
Nhật Bản phát triển vệ tinh bằng gỗ để giảm rác thải vũ trụ
LignoSat là một khối lập phương 10 cm được làm từ các tấm gỗ mộc lan dày 4 - 5,5 mm, với khung được làm một phần từ nhôm. Nó có các tấm pin mặt trời bao quanh ở một số mặt và nặng khoảng 1 kg. LignoSat được chế tạo dựa trên kỹ thuật truyền thống của Nhật Bản, không sử dụng bất kỳ ốc vít hay vật liệu kết dính nào.
Nhóm nghiên cứu cho biết họ xác nhận độ bền của vật liệu gỗ ngay cả trong môi trường khắc nghiệt ngoài vũ trụ. Ông Takao Doi tại Đại học Kyoto (Nhật Bản) cho hay: "Chúng tôi muốn tạo ra một vệ tinh, bao gồm phần nền điện tử bên trong lõi, hoàn toàn được làm từ gỗ trong tương lai".
Vệ tinh này sẽ được chuyển giao cho Cơ quan Thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản vào ngày 4.6 tới. Nó sẽ được tên lửa SpaceX phóng lên từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở bang Florida (Mỹ).
Bình luận (0)