Nhật 'chơi lớn' trước Trung Quốc ở Indo-Pacific

25/03/2023 07:14 GMT+7

Nhật Bản vừa đưa ra kế hoạch có giá trị lên đến 75 tỉ USD để hỗ trợ, hợp tác phát triển với các nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy tại khu vực này.


Mới đây, trong chuyến công du Ấn Độ từ ngày 19 - 21.3, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp chủ nhà Narendra Modi.

Nỗ lực của Nhật Bản

Sau cuộc hội đàm, Thủ tướng Kishida cho biết Nhật Bản muốn xung đột Ukraine sớm kết thúc và kêu gọi các quốc gia ở nam bán cầu (khu vực bao gồm châu Á, châu Phi, châu Úc và Mỹ Latin) cần thể hiện tình đoàn kết.

Nhật 'chơi lớn' trước Trung Quốc ở Indo-Pacific  - Ảnh 1.

Thủ tướng Kishida và Thủ tướng Modi tại New Delhi vào ngày 20.3

Reuters

Đặc biệt, đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ông Kishida công bố kế hoạch với 4 trụ cột: Duy trì hòa bình; Giải quyết các vấn đề toàn cầu mới trong sự hợp tác với các nước ở Indo-Pacific; Đạt được kết nối toàn cầu thông qua các nền tảng khác nhau; Đảm bảo an toàn cho vùng biển và bầu trời rộng mở ở khu vực. Tokyo cam kết đến năm 2030, hỗ trợ tổng cộng 75 tỉ USD cho khu vực thông qua đầu tư tư nhân và các khoản vay bằng yen, đồng thời tăng cường viện trợ qua kênh hỗ trợ và trợ cấp chính thức của chính phủ. Đây là động thái được đánh giá là nhằm tăng cường hợp tác trước các hoạt động của Trung Quốc ở khu vực.

Reuters dẫn lời Thủ tướng Kishida cho biết thêm: "Chúng tôi cũng sẽ tiến hành các cuộc tập trận hàng hải chung với Ấn Độ và Mỹ, cũng như các cuộc tập trận thiện chí với ASEAN và các đảo Thái Bình Dương".

Trả lời Thanh Niên hôm qua (24.3), PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) cho rằng: "Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy tầm nhìn Indo-Pacific tự do và cởi mở, một khuôn khổ rộng lớn để thúc đẩy và hỗ trợ trật tự, phát triển, tự do hàng hải và hợp tác dựa trên luật lệ".

"Đối với Tokyo, sự cởi mở và lợi ích chung của Delhi trong việc đảm bảo khu vực vẫn dựa theo luật lệ chứ không phải bằng vũ lực hay ép buộc. Sự hợp tác phải lý tưởng để đầu tư và giúp phát triển thông qua quan hệ đối tác bình đẳng, có cùng tầm nhìn chung", PGS Nagy đánh giá.

Thực tế, thời gian qua, Nhật Bản cũng đẩy mạnh hợp tác an ninh, quốc phòng với nhiều bên, như các thỏa thuận tiếp cận đối ứng, tương hỗ với quân đội của Úc, Ấn Độ…, hay hướng đến tuần tra chung hải quân cùng Mỹ, Philippines. Thậm chí, Tokyo còn xúc tiến dự định xuất khẩu vũ khí cho một số nước trong khu vực.

Chuyến công du lịch sử

Cũng trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét chuyến công du của Thủ tướng Kishida đến Ấn Độ một số điểm đáng chú ý.

Mỹ lại thách thức Trung Quốc ở khu vực Hoàng Sa

Hôm qua (24.3), CNN dẫn thông tin từ Hạm đội 7 - Hải quân Mỹ cho hay tàu khu trục USS Miller của nước này vừa có hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa để khẳng định quyền tự do hàng hải.

Đây là quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép. Theo CNN, đại diện Hạm đội 7 đưa ra tuyên bố trên để thách thức yêu sách của Trung Quốc về đường cơ sở bao quanh quần đảo này. Trước đó, ngày 23.3, Hoàn Cầu thời báo đưa tin quân đội Trung Quốc vừa "trục xuất" tàu khu trục USS Miller của Mỹ ra khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa vì "xâm nhập trái phép" vào khu vực này.

Thứ nhất, Nhật Bản công bố kế hoạch mới cho Indo-Pacific tại Ấn Độ. Ngược dòng lịch sử, năm 2007, Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là ông Shinzo Abe cũng đưa ra khái niệm Indo-Pacific khi phát biểu tại quốc hội Ấn Độ. Indo-Pacific là sự định hình từ nguồn gốc từ châu Á - Thái Bình Dương kết hợp cả Ấn Độ. Thủ tướng Kishida đã thúc đẩy tầm nhìn Indo-Pacific mà trong đó giữ Ấn Độ ở vai trò trung tâm khi công bố kế hoạch mới tại nước này.

Thứ hai, gần đây, nam bán cầu chứng kiến cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Nam bán cầu cũng là nơi mà Mỹ và Nga tranh thủ sự ủng hộ. Trong bối cảnh đó, không chỉ kêu gọi hợp tác, Nhật Bản cũng đã hỗ trợ các quốc gia ở nam bán cầu, như các chương trình cung cấp lương thực và năng lượng.

Thứ ba, về mặt ngoại giao, chuyến thăm này có ý nghĩa quan trọng. Ban đầu, lịch trình chuyến thăm được công bố diễn ra từ ngày 19 - 22.3, nhưng ngày 21.3 thì Thủ tướng Kishida rời Ấn Độ, rồi đến Ukraine qua ngã Ba Lan. Điều này có nghĩa là New Delhi đã biết kế hoạch của Thủ tướng Kishida về việc bí mật đi Ukraine. Diễn ra cùng thời điểm với chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Nga, nên chuyến thăm của ông Kishida thể hiện một sự trái ngược giữa Tokyo và Bắc Kinh.

Chính vì thế, chuyến công du này của ông Kishida có ý nghĩa quan trọng, thậm chí mang tính lịch sử đối với với tầm nhìn Indo-Pacific của Nhật Bản.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.