|
Theo báo The Wall Street Journal, trong báo cáo trình lên Thủ tướng Shinzo Abe ngày 15.5, một ủy ban chuyên gia do chính phủ chỉ định lập luận rằng hiến pháp thời hậu chiến của Nhật không loại trừ quyền phòng vệ, bất kể riêng lẻ hay tập thể. Báo cáo đánh dấu một bước tiến của ông Abe trong tham vọng cho phép Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) có vai trò lớn hơn trong lĩnh vực an ninh quốc tế.
Báo cáo nhấn mạnh việc diễn dịch lại hiến pháp là phù hợp trong bối cảnh an ninh đang trở nên xấu đi trong khu vực, cụ thể là những hiểm họa từ Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên. Báo cáo đề xuất cho phép vận dụng quyền phòng vệ tập thể hoặc thực hiện những sửa đổi về luật pháp khác để Nhật có thể chiến đấu bảo vệ đồng minh Mỹ khi các tàu chiến của nước này bị tấn công lúc đang ở trong hoặc gần Nhật, bắn hạ tên lửa hướng đến Mỹ, hay tham gia hoạt động rà quét mìn ở những tuyến đường biển xa mà tàu thuyền của Nhật thường qua lại. Theo đề xuất, quyền phòng vệ tập thể cũng sẽ được áp dụng với các nước “có quan hệ gần gũi với Nhật”, theo báo The Japan Times.
Tối qua, Thủ tướng Abe đã chủ trì cuộc họp báo để trình bày quan điểm của Chính phủ Nhật cũng như quy trình xem xét các đề xuất. Theo Bloomberg, các đảng trong liên minh cầm quyền sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận vào ngày 20.5 nhằm đạt được sự đồng thuận. Một khi đạt được thỏa thuận, chính phủ sẽ chuẩn bị dự luật để trình quốc hội thông qua.
Việc dỡ bỏ lệnh cấm được đồng minh của Nhật là Mỹ hoan nghênh, song vấp phải sự chỉ trích từ Trung Quốc. “Chúng tôi lưu ý rằng Thủ tướng Abe đã thực hiện một chuỗi các hành động chưa có tiền lệ trong lĩnh vực quân sự và an ninh, khiến chúng tôi tin rằng Nhật đang khởi đầu một đường lối tiêu cực”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh phát biểu.
Tuy nhiên, theo Reuters, các quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc ở biển Đông có thể có cách nhìn nhận khác. “Quân đội Nhật trong chừng mực nào đó có thể mang lại sự cân bằng cho khu vực hiện đối mặt mối đe dọa từ một nước Trung Quốc đang trỗi dậy và ngày càng hung hăng”, hãng Reuters dẫn nhận xét của chuyên gia Benedict Exconde thuộc Đại học De La Salle ở Philippines.
Trùng Quang
>> Trung Quốc đóng thêm tàu sân bay đối phó với Nhật Bản
>> Tổng thống Obama: Nếu Nhật Bản bị Trung Quốc tấn công, Mỹ sẽ hành động
>> Nhật Bản điều quân, khí tài quân sự đến đảo sát Đài Loan
Bình luận (0)