Cái lợi thứ nhất là Nhà nước sẽ tăng được vốn chủ sở hữu của mình. Vốn của Nhà nước cũng là vốn. Mà đã là vốn thì phải sinh lời, phải được kinh doanh luân chuyển (mua, bán), nếu không sẽ là vốn chết. Bán trong lúc giá cao thì lợi suất tính trên vốn sẽ cao. Nếu bỏ lỡ thời cơ này sẽ chẳng những bỏ lỡ thời cơ (giống như khi giá bất động sản lên cao, Nhà nước đã chẳng thu được lợi gì, trái lại còn bị thiệt kép do phải đền bù với giá cao hơn khi cần giải phóng mặt bằng để thu hồi đất, còn lợi nhuận chui vào các nhà đầu cơ đất), lợi nhuận chứng khoán cũng lại chui vào các nhà đầu cơ chứng khoán!
Cái lợi thứ hai là làm "mát" thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán thời gian qua nóng sốt cả về số nhà đầu tư, cả về chỉ số giá chứng khoán, cả về giá trị vốn hóa thị trường, trong đó cái làm cho các nhà quản lý vĩ mô lo ngại về sự "phi mã" của chỉ số giá chứng khoán, còn 2 nội dung còn lại nếu là thực chất (tức là lượng vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, chứ không phải là vốn chuyển từ hệ thống ngân hàng, vốn từ chơi hụi họ chuyển sang...) lại là điều mừng vì thu hút được lượng tiền nhàn rỗi đang lang thang trên thị trường hoặc nằm bẹp dí ở các hộ gia đình và suy cho cùng cũng do sự cuốn hút của chỉ số giá chứng khoán. Cũng như các loại hàng hóa khác, giá cả chứng khoán thời gian qua tăng, giảm chủ yếu là do yếu tố cung - cầu. Thời gian qua, giá chứng khoán "phi mã" chủ yếu do "cầu" tăng phi mã, còn "cung" tăng chậm hơn nhiều. Mặc dù cuối năm số công ty niêm yết tăng khá, nhưng đó chỉ là những công ty có lượng vốn nhỏ hoặc không đủ lớn, lượng cổ phiếu bán ra chưa nhiều. Nếu các công ty lớn lên sàn, tỷ lệ cổ phiếu bán ra tăng lên thì sẽ tăng "cung", làm giảm áp lực tăng giá, làm "mát" chỉ số giá chứng khoán, trong khi số nhà đầu tư và giá trị vốn hóa thị trường vẫn tiếp tục tăng.
Cái lợi thứ ba là sẽ làm cho thị trường chứng khoán ổn định, quay trở lại đúng bản chất của nó là kênh thu hút vốn đầu tư dài hạn, nếu không sẽ biến thành chỗ chơi của những nhà đầu cơ và các "con bạc khát nước", mà có chuyên gia đã dùng một hình tượng là đấu trường của những "võ say" (thực ra trong thời gian qua, nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc các chuyên gia sành sỏi không tiền đều đứng ngoài cuộc chơi, bởi vì dù chuyên nghiệp, sành sỏi đến mấy mà đấu với "võ say" - những võ sĩ đấu không theo một bài bản nào cả, cũng dễ bị chết oan).
Một thị trường như vậy khi đã đạt đỉnh điểm, vượt qua dốc sang dốc bên kia, nếu nhà đầu tư chuyên nghiệp thì vẫn kiên trì, nhưng những "võ say" này sẽ không lăn xuống dốc một cách bình thường mà thường bỏ cuộc tháo chạy làm cho chỉ số giá chứng khoán không giảm từ từ mà "rơi tự do". Khi đó nó sẽ gây tai họa, thậm chí là hiểm họa không chỉ của nhà đầu tư (giống như truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng, lại trở về với cái máng lợn trước đây), mà còn kéo theo như một dây chuyền bao nhiêu những tổ chức, cá nhân khác liên quan nghiêng ngả theo.
Cái lợi thứ tư là tạo niềm tin cho thị trường chứng khoán còn non trẻ của Việt Nam. Mới ra đời cách đây trên 6 năm, nhưng chỉ số chứng khoán Việt Nam đã 3 lần phi mã (từ 100 điểm lên 570 điểm chỉ trong 6 tháng đầu khai trương, từ 304 điểm tại phiên đầu tiên năm 2006 lên 632 điểm vào giữa năm, từ dưới 400 điểm vào giữa năm 2006 phi mã lên gần 1.200 điểm vào nửa cuối tháng 2.2007) và cũng đã 2 lần xuống dưới 400 điểm), tức là ít hơn phi mã 1 lần, nếu rơi 1 lần nữa thì cả phi mã và rơi sẽ bằng nhau.
Ngọc Minh
Bình luận (0)