Theo Nikkei Asia, Nhật Bản thông báo những cá nhân bị kỷ luật cũng bị cáo buộc lạm dụng quyền lực. Trong số đó, 11 người bị sa thải, 2 người bị giáng chức, 83 người bị đình chỉ, 14 người bị cắt lương và 7 người bị khiển trách chính thức. Những quan chức còn lại sẽ bị nhắc nhở hoặc cảnh cáo.
Những vụ bê bối trên chủ yếu ảnh hưởng đến Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (MSDF). Các thủy thủ trên một số tàu khu trục MSDF bị cáo buộc chia sẻ thông tin mật vì giao nhiệm vụ ghi chép hoạt động của tàu cho các đồng nghiệp không đủ trình độ chuyên môn và thẩm quyền thực hiện.
Các thành viên MSDF khác cũng bị tình nghi thu tiền trợ cấp cho khóa đào tạo lặn và những nhiệm vụ mà họ không tham gia, với tổng số tiền được cho là lên tới khoảng 43 triệu yên. Ngoài ra, hơn 20 thành viên và quan chức MSDF đã bị kỷ luật vì không trả tiền cho bữa ăn của mình.
Đối với vụ việc lạm dụng quyền lực, 3 cán bộ cấp cao bị cáo buộc liên tục có lời lẽ đe dọa cấp dưới và gây tổn thương về mặt tâm lý. Hành vi này bị phát hiện trong hoặc sau cuộc điều tra đặc biệt của Bộ Quốc phòng Nhật Bản về nhiều hình thức quấy rối khác nhau trong tất cả các đơn vị Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) từ tháng 9.2022 đến tháng 8.2023.
Việc xử lý thông tin cẩu thả tương tự cũng được phát hiện trong Lực lượng Phòng vệ mặt đất và trên không, cũng như Văn phòng Tham mưu liên quân Nhật Bản.
Tham mưu trưởng MSDF Ryo Sakai tuyên bố từ chức để chịu trách nhiệm vào ngày 19.7. Theo ông, nguyên nhân gốc rễ của vụ việc trên là do lực lượng thiếu tuân thủ và khả năng quản lý trong tổ chức. Phó đô đốc Akira Saito sẽ thay thế vị trí của ông Sakai.
Vụ việc trên đang làm dấy lên mối lo ngại và suy giảm lòng tin của công chúng đối với SDF nói chung và MSDF nói riêng trong bối cảnh nước này đang thúc đẩy năng lực và tăng chi tiêu quốc phòng.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara phát biểu: "Tôi nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình khi phản bội niềm tin của công chúng". Với tư cách là thành viên nội các, ông Kihara gửi lời xin lỗi trước công chúng và hứa sẽ trả lại tiền lương một tháng của bản thân. Bên cạnh đó, ông Kihara phủ nhận việc từ chức, đồng thời cam kết xây dựng lại các tổ chức để khôi phục niềm tin của công chúng.
Sau tuyên bố kỷ luật trên, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cũng gửi lời xin lỗi vì mối lo ngại gây ra trong công chúng, đồng thời hy vọng Bộ trưởng Kihara sẽ tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Ngoài các trường hợp bị kỷ luật, tuần trước, Bộ Quốc phòng Nhật Bản quyết định mở cuộc điều tra đặc biệt về cáo buộc tập đoàn sản xuất xe Kawasaki Heavy Industries lập quỹ đen để cung cấp tiền và hàng hóa cho thủy thủ đoàn tàu ngầm của MSDF thông qua các giao dịch giả mạo với các nhà thầu phụ.
Bình luận (0)