Nhật ký một đợt cứu trợ

15/12/2015 09:14 GMT+7

Chỉ hai năm nay, thiên tai có vẻ như “tha” cho dải đất miền Trung, còn thì những năm trước đó, hầu như năm nào vùng “đòn gánh” của hai đầu đất nước cũng oằn vai vì bão lũ.

Chỉ hai năm nay, thiên tai có vẻ như “tha” cho dải đất miền Trung, còn thì những năm trước đó, hầu như năm nào vùng “đòn gánh” của hai đầu đất nước cũng oằn vai vì bão lũ.

Những lần như thế, Báo Thanh Niên bao giờ cũng có mặt đầu tiên và ra về cuối cùng.
Tác giả (bìa phải) trong một lần đến với bà con vùng lũ Lệ Thủy (Quảng Bình) - Ảnh: Trương Quang NamTác giả (bìa phải) trong một lần đến với bà con vùng lũ Lệ Thủy (Quảng Bình) - Ảnh: Trương Quang Nam
Tôi giở nhật ký và đọc lại 40 ngày đằng đẵng cùng Đoàn công tác xã hội Báo Thanh Niên và anh chị em Tỉnh đoàn, Hội LHTN các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An vật lộn để cùng bà con vượt qua nỗi mất mát tang thương của cơn đại hồng thủy đầu tháng 10.2010. Đó là đợt cứu trợ với cả trăm chuyến đi khiến anh em chúng tôi không thể nào quên.
6.10: Có mặt ngay trong cơn lũ dữ
Ngay khi hay tin Quảng Bình bị lũ nặng, Ban Biên tập đã thành lập đoàn công tác xã hội, cho ứng tiền ra gấp.
Chiều nay khi tổ chức cho hai đoàn cứu trợ lên xã miền núi Trường Xuân (Quảng Ninh) và Hưng Trạch (Bố Trạch), đoàn đến nhà hai cha con anh Hoàng Văn Luyệt (46 tuổi) và đứa con trai Hoàng Văn Dũng (20 tuổi) bị chết đuối ở thôn Diêm Nam (Đức Ninh Đông) hôm qua. Nơi đang tổ chức tang lễ là nhà mẹ ruột của anh Luyệt, bởi ngôi nhà nhỏ ọp ẹp của anh giờ nước lũ còn ngập ngang ngực. Vợ và mẹ của 2 nạn nhân, chị Trần Thị Huyền cùng hai đứa con còn lại cứ ôm lấy nhau, gào lên vật vã dưới nền nhà, bàn tay cào rách manh chiếu, nỗi đau xé lòng. Anh Hoàng Hải Quân (anh ruột anh Luyệt) bối rối trước sự xuất hiện của chúng tôi, hai bàn tay cứ xoa vào nhau, mắt đỏ hoe: “Lúc đó mưa tầm tã, nước tiếp tục lên, cha con em tôi xót của bởi nhà nghèo, nếu trôi mất mấy con cá thì không biết lấy gì ăn và tiền đâu cho mấy đứa đi học nên mang áo mưa lội ra chắn lại ao cá. Khi quay vào nước lên to hơn, nên phải ngược lên phía trên đường chính chưa bị ngập và bị lật đò. Cha con anh Bùi Văn Xuyên có ao cá gần bên thấy nhưng nước hỗn quá mà sức ông lại yếu nên không cứu được. Sáng nay (6.10) thì gia đình cùng làng xóm mới tìm được thi thể”.
Cầm số tiền Báo Thanh Niên giúp đỡ trên tay, anh Quân cứ lặp đi lặp lại câu cám ơn mà mắt ngấn nước. Còn chúng tôi nhìn gia cảnh mà tan nát cõi lòng.
Tối anh em về, ai nấy đều phờ phạc nhưng lòng có chút an ủi vì mình đã đến và chia sẻ nhưng cũng đầy tâm trạng vì thấy xóm làng tan nát, người dân lao đao lận đận.
Ngày mai, ngày kia… sẽ còn vất vả, vừa bài vở, vừa cứu trợ, nhưng không sao. Tòa soạn mới có doanh nghiệp điện thoại ủng hộ 800 triệu (400 suất quà), mừng hết lớn. Bà con cứ cho nhiều vào, anh em chúng tôi đi làm cứu trợ bao lâu cũng được.
10.10: Xát thóc thành gạo
Sáng chạy ra Hà Tĩnh kiểm tra chuyện xát thóc ra 8,6 tấn gạo và đóng mỗi bao 20 kg thì về, không thể chờ được đoàn cứu trợ đang đi Hương Khê để gặp mặt anh em một chút, vì việc ở Quảng Bình, Quảng Trị đang ngập đầu. Mấy anh chị em ở Tỉnh đoàn, Hội LHTN Hà Tĩnh rất cẩn thận, cứ sợ gạo người ta bán bị ẩm, chất lượng không bảo đảm mà mình không thể kiểm tra từng bao một nên đặt xát lúa ra gạo rồi đứng kiểm tra xong mới cho đóng bao cho chắc. Anh em nhất trí, tuy có vất vả nhưng được việc vẫn hơn.
15.10: Lũ chồng lên lũ
Hôm nay Đoàn công tác xã hội Báo Thanh Niên cứu trợ hai huyện Hương Khê và Vũ Quang (Hà Tĩnh). Cùng lúc tập kết hai xe hàng (98.000 cuốn tập và 24.500 cây bút) ra Quảng Bình. Ngày mai tất cả các trường tiểu học ở các xã vùng Nam Quảng Trạch sẽ được “phủ sóng” bút, vở. Cùng lúc, tại Quảng Trị, một nhóm khác sẽ đi Hải Lăng và Đăkrông. Báo tôi cũng vừa chuyển thêm 500 triệu đồng từ nguồn các tổ chức, cá nhân ủng hộ. Anh em tính làm thêm vài ngày nữa là cơ bản xong thì có tin có thêm 600 triệu đồng tiền hàng nữa. Chưa kết thúc thì càng mừng cho bà con.
Thế nhưng hôm nay trời mưa gió tơi bời, nước sông dâng cao, thêm một đợt lũ mới chồng lên. Trời có mắt không?
16.10: Một ngày dầm lũ
Hôm qua, chúng tôi thực hiện cứu trợ khẩn cấp với quy mô lớn. Lớn không phải vì trị giá mà lớn với quy mô. Số hàng hóa được đóng thành 3.000 suất cho Hà Tĩnh và 1.000 cho Nghệ An. Mỗi suất chỉ hơn 100.000 đồng bao gồm các loại nhu yếu phẩm có thể giúp dân dùng ngay để cầm cự qua ngày. Một lực lượng lớn thanh niên tình nguyện và các chiến sĩ lực lượng vũ trang, cảnh sát giao thông đường thủy chia thành nhiều tốp đi về các hướng, nhắm những ngôi nhà nổi lên trong biển nước mênh mông mà đến.
Chị Trần Thị Nhiệm (35 tuổi), xóm 10, xã Vượng Lộc (Can Lộc) vừa mới sinh con được 2 tháng, thấy anh em đã không chờ được, lội vội ra giữa dòng nước để nhận quà. Chị vừa khóc vừa nói: “Gần tuần nay tui không ăn, con đói không có sữa cho bú, thế là hôm nay mẹ có cái ăn, con có sữa bú rồi…”.
19.10: Cứu người trên… ngọn tre
Tôi thay mặt đoàn công tác xã hội mang tiền chạy ra Hà Tĩnh chuẩn bị hàng hóa. Lúc đi điện hỏi nói đi được nhưng lúc ra mưa lớn nước to không đi được phải quay vô, bèn điện thoại nhờ anh em Tỉnh đoàn và Hội LHTN Hà Tĩnh đi mua chịu. Sáng mai chạy ra trả tiền. Là vì nước ngập cả TP và mất điện nên các ngân hàng ở Hà Tĩnh không thể giao dịch.
Chiều nay, Ban Biên tập cử thêm 4 PV từ TP.HCM và Hà Nội tăng cường cho khu vực miền Trung làm công tác cứu trợ. Vì hiện tại Hà Tĩnh đang có hàng nghìn người dân sống trên nóc nhà, trên ngọn tre, trong lều tạm bên bờ đê, đường lộ... màn trời chiếu đất, đói ăn, khát uống nên công việc nhiều làm không xuể. Tổng biên tập Nguyễn Quang Thông ra Hà Tĩnh để chỉ huy chiến dịch này.
28.10: Đến vùng lũ quét
7 giờ sáng nay, đoàn sẽ chia làm hai, một lên xã Trường Sơn, một vào Trường Xuân. Đây là hai xã miền núi bị lũ quét của huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Tại Trường Xuân sẽ phát 901 suất quà, mỗi suất 50 kg gạo, như vậy toàn xã hộ nào cũng có gạo. Tại Trường Xuân sẽ phát 99 suất như trên (vì xã này đoàn đã lên một lần rồi).
Đoàn chở 50 tấn gạo do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai thông qua Thanh Niên cứu trợ bà con cùng lũ quét, phải đi 6 xe tải lớn đến 7 điểm dọc đường Trường Sơn, bà con từ các bản ra nhận hàng rồi cắt rừng gùi về. Chỉ có cách đó vì bà con ở nhiều bản khác nhau mình không cách nào đến được.
Nhưng mà từ 4 giờ sáng trời mưa quá to, sốt ruột không sao ngủ được. Nhưng rồi trời vẫn mưa và người vẫn đi!
Đêm, bố trí một đoàn xe ra Hà Tĩnh chở 20 tấn gạo, phải đi đường Hồ Chí Minh cả đêm ra cho kịp, vì ở Hà Tĩnh, Tổng biên tập Nguyễn Quang Thông và các PV đã hẹn bà con vào lúc 9 giờ ngày 29.10 và dù tình huống nào cũng không được trễ hẹn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.