(TNO) Những lo ngại của Nhật trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc đang gia tăng trước việc Bắc Kinh thường xuyên cử tàu tuần tra có bãi đáp trực thăng đến vùng biển tranh chấp.
Theo tờ Asahi Shimbun vào hôm nay, 4.3, các quan chức Nhật lo ngại căng thẳng sẽ được đẩy lên mức độ cao hơn nếu trực thăng cất cánh giữa lúc các tàu Trung Quốc đang ở trong vùng biển mà Tokyo xem là lãnh hải.
Lực lượng Tuần duyên và Bộ Quốc phòng Nhật đang theo dõi chặt chẽ hành trình của tàu Hải giám 50, vốn có thể chở theo trực thăng.
|
Chiếc tàu thuộc Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc đã đi đến vùng tiếp giáp xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong 10 ngày vào tháng 2, trong đó có bốn ngày chiếc tàu tiến vào vùng biển mà Nhật xem là lãnh hải.
Phía Nhật đã báo động vào ngày 18.2 khi cửa nhà chứa trực thăng trên tàu Hải giám 50 mở ra trong lúc chiếc tàu đang tiếp cận khu vực cách đảo Uotsuri, đảo lớn nhất trong quần đảo tranh chấp, khoảng 1 km về phía đông nam.
Nếu một máy bay cất cánh trong khu vực được Tokyo xem là lãnh hải, điều này cũng đồng nghĩa với việc không phận Nhật bị xâm phạm, theo các quan chức Nhật. Đáng ngại hơn, trực thăng có thể đáp trên quần đảo tranh chấp.
Đây không phải là lần đầu tiên tàu Hải giám 50 đe dọa triển khai trực thăng. Vào ngày 25.12.2012, tàu này đã có hành động tương tự khi tiến vào vùng tiếp giáp xung quanh quần đảo.
Nếu một máy bay Trung Quốc bay về hướng không phận Nhật, Lực lượng Phòng vệ Nhật (SDF) sẽ phản ứng bằng cách theo dõi bằng radar và điều động chiến đấu cơ cất cánh từ căn cứ Naha cách đó 410 km.
Tuy nhiên, nếu một trực thăng cất cánh từ tàu tuần tra trong vùng biển, SDF sẽ không phản ứng kịp thời, theo một quan chức.
Tàu Ngư chính 206, một trong những tàu tuần tra lớn nhất của Trung Quốc vốn được cải tạo từ một tàu hải quân vào tháng 12 năm ngoái, đã bơi đến vùng tiếp giáp trong 8 ngày liên tiếp cho đến ngày 28.2.
Tàu tuần tra của Cục Ngư nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng có thể chở theo trực thăng, như tàu Hải giám 50.
Vì hai tàu này không phải là tàu hải quân nên Lực lượng Tuần duyên Nhật phải đối phó với chúng, thay vì SDF song tuần duyên Nhật không có quyền phản ứng trong trường hợp không phận bị xâm phạm hoặc trực thăng hạ cánh trên các hòn đảo.
Theo Asahi Shimbun, một quan chức quốc phòng cấp cao Nhật đã cảnh báo rằng nước này sẽ đối mặt với tình thế ngày càng khó khăn bởi Trung Quốc đang gấp rút đóng thêm nhiều tàu tuần tra.
Việc Trung Quốc cử các tàu tuần tra thay vì tàu hải quân, rõ ràng là nhằm tránh sự can thiệp của lực lượng Mỹ trên cơ sở hiệp ước an ninh Nhật - Mỹ, theo các quan chức Nhật.
Cho đến khi nào Trung Quốc cử tàu tuần tra, tình hình sẽ được xử lý bởi tuần duyên Nhật, thay vì SDF.
Theo Asahi Shimbun, Tokyo dự tính sẽ vạch ra các kế hoạch đối với ở Senkaku/Điếu Ngư trên giả định là các tàu tuần tra khác của Trung Quốc đều có khả năng chở theo trực thăng.
Sơn Duân
>> Rượt đuổi gần Senkaku/Điếu Ngư
>> Nhật phản đối tàu Trung Quốc đến Senkaku/Điếu Ngư
>> Tàu hải giám Trung Quốc lại tiến vào quần đảo Senkaku/Điếu Ngư
>> Trung Quốc sẵn sàng dự hội nghị thượng đỉnh về Senkaku/Điếu Ngư
>> Đề xuất lập vùng cấm bay ở Senkaku/Điếu Ngư
>> Mỹ kêu gọi giải quyết tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư thông qua đàm phán
Bình luận (0)