NGƯỜI THÍCH THÁCH THỨC CHÍNH MÌNH
Khoảng 5 năm trở lại đây, người ta hiếm khi thấy nghệ nhân, kỷ lục gia Lê Nguyên Vỹ (tên thật Lê Đức Vỹ) đi đi về về trên con hẻm ở đường Ngô Quyền mà gia đình ông sinh sống.
75 tuổi, đôi chân ông chưa chịu ngơi nghỉ mà vẫn lang thang trên những nẻo đường tìm vật liệu, cảm hứng sáng tác ảnh. Ông chọn trọ lại Bảo Lộc (Lâm Đồng) để chú tâm sáng tác và "phóng" ảnh trên các loại vật liệu sở trường. Lúc tôi gọi điện thoại, ông nói trong tiếng sóng rì rào: "Tôi đang đi tìm ý tưởng cho những tác phẩm ảnh của mình. Sau khi ở biển Phan Thiết (Bình Thuận) sẽ về Đà Lạt (Lâm Đồng)".
Ngược thời gian, năm 2007, Trung tâm Sách kỷ lục VN xác lập kỷ lục Lê Nguyên Vỹ là người làm thạch ảnh đầu tiên ở VN khi thực hiện thành công việc "phóng" màu lên những phiến đá và cho ra đời những bức ảnh sống động, rõ nét đến không tưởng. Những phiến đá tưởng chừng như vô tri vô giác với đủ loại màu sắc, kích cỡ, trơn nhám khác nhau… trở thành vật liệu để "rửa ảnh" không khác gì những loại giấy thường thấy. Nếu giấy có thể bị ố, nhem màu theo thời gian, thì với kỹ thuật "phóng" màu lên đá, mỗi bức ảnh có thể tồn tại đến cả thế kỷ. "Gần 20 năm rồi, những bức thạch ảnh đầu tiên của tôi chưa bị ai phàn nàn vì phai nhạt màu sắc", ông cười.
Tự nhận là người "thích thách thức chính mình", ông Vỹ tìm tòi và thành công trong việc "phóng" ảnh lên nhiều loại vật liệu "anh em với đá" như vỏ trứng, vỏ sò, vỏ ốc… hay vật liệu gần gũi với đời sống như gáo dừa, gốc tre… Nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ tiếp tục chinh phục loại vật liệu mỏng manh như lá (đã được xử lý chỉ còn lại gân lá) mà ông gọi là diệp ảnh. Thành công với lá khô, ông lại nghĩ cách "phóng" ảnh lên cả lá tươi. Nếu thạch ảnh mang lại cho ông sự nổi tiếng bởi công nghệ in có một không hai thì diệp ảnh lại đánh dấu tính ứng dụng rộng rãi của công nghệ độc đáo này trong đời sống.
"Thạch nặng hơn diệp. Diệp ảnh với hình ảnh in trên gân lá, ép giữa 2 mặt kính vừa nhẹ lại vừa thẩm mỹ nên được nhiều người yêu thích, đặt hàng để tiện mang đi xa", ông Vỹ nói. Năm 2013, ông ra mắt bức diệp ảnh đầu tiên. Năm 2017, TP.Đà Nẵng tổ chức cuộc thi thiết kế, sản xuất sản phẩm lưu niệm du lịch, quà tặng phục vụ Tuần lễ cấp cao APEC và ông đã đạt giải 3 với tác phẩm voọc chà vá chân nâu in trên gân lá bồ đề. Tháng 11.2018, nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ tạo dấu ấn mạnh mẽ khi thực hiện thành công tác phẩm diệp ảnh in hình gia đình Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind. Bức diệp ảnh độc đáo được ghép lại từ nhiều lá bồ đề lấy từ chùa Linh Ứng trở thành tặng phẩm ý nghĩa cho vị nguyên thủ của xứ sở khởi nguồn Phật giáo.
ẤP Ủ TRIỂN LÃM CÁ NHÂN
Là người tài hoa, yêu thi ca, nhiếp ảnh, hội họa…, nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ còn "hiểu một chút về quang học, hóa học, cơ điện…". Cho nên, một khi tìm được "bí kíp phóng ảnh" lên đá, không vật liệu gì có thể làm khó ông. "Vật liệu gì, phẳng phiu hay lồi lõm cỡ nào, tôi cũng "phóng" ảnh được mà vẫn rõ nét. Quá trình thực hiện, 10 phần thì 8 phần là thủ công, chỉ 2 phần can thiệp bởi công nghệ. Về màu sắc, tôi nhập từ nước ngoài với cam kết bền màu 120 năm nhưng tôi còn thêm chất cầm màu nên tuổi thọ của sản phẩm sẽ còn cao hơn nữa", ông chia sẻ.
Tìm kiếm hướng đi không giống ai và thành công để có những tác phẩm thương mại, nhưng với tính cách nghệ sĩ, ông Vỹ bảo ông vẫn nghèo vì có bao nhiêu tiền lại đổ vào thú vui sáng tạo. Ông quyết định lên Bảo Lộc thuê nhà cũng nhằm tìm cảm hứng sáng tác bởi cần không gian yên tĩnh và gần với nguồn đá đen núi lửa - vật liệu tốt nhất cho thạch ảnh. Ông thường xuyên đi phượt, mỗi ngày ông có thể xách xe máy chạy 400 - 500 km qua các tỉnh, thành để tìm ý tưởng. Đến đâu, ông cũng ghi lại rất nhiều hình ảnh về con người, mảnh đất nơi đó.
"Tôi đã làm rất nhiều hình ảnh trên bất cứ vật liệu gì, nhưng đó chỉ mới là khởi đầu. Từ xưa giờ, tôi làm nghề cũng chỉ là tập sự chứ chưa đi vào con đường nghệ thuật. Cái đẹp trong thạch ảnh hay diệp ảnh chỉ là hình thức mà chưa mang lại ý nghĩa sâu sắc của một môn nghệ thuật. Với quãng thời gian sáng tác sau này, đến cuối năm 2025, tôi sẽ thực hiện các cuộc triển lãm cá nhân tại TP.Đà Nẵng và TP.HCM về "phóng" ảnh lên các vật liệu. Chủ đề sẽ là Phía xung quanh và những người bạn, nội dung đơn giản là ca ngợi cuộc sống", ông Vỹ nói và cho biết thêm: "Sau triển lãm, nếu còn thời gian, tôi sẽ làm một đêm thơ, nhạc do tôi sáng tác và sẽ viết một cuốn sách kể về hành trình, trải nghiệm của mình".
Trăn trở truyền nghề
"Đây là nghề thuộc về sở thích, đam mê, mà phải là dạng đam mê sâu sắc. Các con tôi không đứa nào theo vì thấy sự nhọc nhằn của ba nó. Hơn nữa, như tôi nói, ngoài kiến thức cơ bản về quang, điện, hóa, cơ… đòi hỏi có thêm kiến thức xã hội - nhân văn, kiến thức hội họa, nhiếp ảnh… Làm nghề thì dễ nhưng để cho ra cái gì đó hay ho thì gieo nghề cũng là điều rất khó", nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ trải lòng.
Suốt cuộc trò chuyện, nghệ nhân Lê Nguyên Vỹ khi nào cũng giữ nụ cười trên môi. Ông vẫn còn sức khỏe, lại lạc quan, yêu đời, không sợ khó, sợ khổ, không sợ một mình, chỉ sợ không đủ thời gian. Nỗi sợ của một nghệ nhân, nghệ sĩ có nhiều khát vọng chinh phục những điều mới mẻ… (còn tiếp)
Bình luận (0)