Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng báo cáo tờ trình về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Đảng lần thứ 10 đã thống nhất chủ trương đầu tư toàn tuyến, tốc độ 350 km/giờ và giao các cơ quan liên quan hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8.
Theo ông Thắng, dự kiến thời điểm triển khai xây dựng dự án vào năm 2027, quy mô nền kinh tế ước đạt 564 tỉ USD nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn.
Tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541 km.
Về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Dự án theo hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1,71 triệu tỉ đồng (khoảng 67,34 tỉ USD).
Làm rõ hướng tuyến đường sắt qua Nam Định
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự án phù hợp các tiêu chí dự án quan trọng quốc gia và cơ bản đáp ứng yêu cầu về hồ sơ theo luật Đầu tư công.
Về hướng tuyến, ông Thanh cho biết có ý kiến đề nghị làm rõ hướng tuyến theo nguyên tắc "thẳng nhất có thể", nhất là đoạn đi qua tỉnh Nam Định, để bảo đảm hiệu quả cho dự án.
Về hiệu quả kinh tế - xã hội, tài chính, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị làm rõ các cơ sở tính toán về dự báo nhu cầu vận tải. Nhất là khi thời gian qua việc dự báo nhu cầu vận tải của nhiều dự án giao thông BOT có sự chênh lệch lớn so với thực tế, dẫn đến thiếu hiệu quả về phương án tài chính phải điều chỉnh hợp đồng dự án.
Bên cạnh đó, theo Báo cáo thẩm định của Hội đồng thẩm định Nhà nước, dự báo doanh thu và tăng trưởng doanh thu đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của dự án và khả năng ngân sách nhà nước phải bù lỗ trong tương lai cho hoạt động kinh doanh vận tải.
Về nguồn vốn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, so với tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách T.Ư, sơ bộ tổng mức đầu tư dự án vượt quá (bằng 114%) tổng vốn đầu tư công trung hạn ngân sách T.Ư giai đoạn 2021 - 2025 (tối đa là 1,5 triệu tỉ đồng, đã bao gồm cả số dự phòng).
Trong khi đó, giai đoạn 2026 - 2030, nguồn lực đầu tư công cần ưu tiên tiếp tục đầu tư các dự án, chương trình quan trọng. Do vậy, để đảm bảo nguồn vốn cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để huy động nguồn lực, tăng thu ngân sách nhà nước, cắt giảm chi thường xuyên (kể cả các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh).
Thậm chí có thể phải chấp nhận bội chi ngân sách nhà nước tăng lên trong một số năm. Điều này dẫn đến rủi ro về nhu cầu vay, khả năng huy động và nghĩa vụ trả nợ trong tương lai, vì vậy, cần nghiên cứu, xem xét thận trọng.
Tại cuộc họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án, trong đó lưu ý tiếp tục rà soát, tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Cạnh đó, bổ sung thuyết minh các phương án so sánh để làm rõ cơ sở lựa chọn hướng tuyến của dự án theo đề xuất của Chính phủ; nghiên cứu thêm về việc bố trí số lượng các ga...
Phó chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đánh giá kỹ yếu tố tác động đến tiến độ thực hiện dự án để có giải pháp phấn đấu đến năm 2035 cơ bản hoàn thành toàn tuyến.
Bình luận (0)