Đúng là giao thông TP.HCM còn tồn tại nhiều vấn đề, nhiều nghịch lý như Thanh Niên đã nêu: đường sá chật hẹp song việc mở đường chậm trễ, cầu - đường - cảng thiếu đồng bộ nên không phát huy hiệu quả, xe nhiều còn bãi đậu quá ít, rồi tình trạng thừa xe buýt - thiếu hành khách...
Tôi cho rằng, ngoài những nguyên nhân như thiếu đường sá, tăng dân số, bùng nổ xe cá nhân..., thì tình trạng quá tải giao thông hiện nay còn do sự thiếu tầm nhìn của cấp tham mưu và quản lý về giao thông. Với gần 10 triệu dân, TP.HCM không thể chỉ trông chờ vào hệ thống giao thông đường bộ và xe buýt. Con đường, cây cầu mở rộng đến mức nào rồi cũng có lúc trở nên quá tải. Còn xe buýt, có gia tăng hết cách cũng chỉ đáp ứng được 10 - 15% nhu cầu đi lại của người dân TP là cùng.
Một siêu đô thị như TP.HCM cần những giải pháp giao thông nhiều tầng. Cụ thể, chúng ta cần metro, monorail, cần các công trình ngầm, công trình trên cao... Cách đây hơn chục năm, các chuyên gia, các nhà khoa học đã đề xuất xây metro, monorail, đường trên cao... Nhưng khi đó, các ý tưởng này bị cho là không tưởng, là trên mây, mà không biết rằng các nước trên thế giới đã thực hiện từ trước đó rất lâu. Đến khi giao thông bắt đầu quá tải, chúng ta chạy đôn chạy đáo tìm cách giải quyết thì lại "đụng" đủ thứ: thiếu quy hoạch, thiếu kinh phí, khan hiếm quỹ đất dành cho giao thông (do quá trình đô thị hóa)...
* Thưa ông, Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 do Thủ tướng phê duyệt đầu năm 2007 (Quyết định 101) hiện đã triển khai đến đâu?
- Quyết định 101 được TP triển khai thực hiện gần 3 năm qua đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên cũng có điểm chưa phù hợp với thực tế, cần điều chỉnh. Hiện lãnh đạo TP.HCM đã giao các sở ngành liên quan nghiên cứu để trình Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch này. Đầu tiên là hệ thống đường sắt đô thị, liệu với 6 tuyến metro, 3 tuyến monorail đã đủ chưa, rồi kết nối các tuyến này thế nào, đặt depot (trạm bảo hành sửa chữa kỹ thuật) ở đâu? Hệ thống đường sắt quốc gia đi vào TP.HCM theo hướng nào là phù hợp, nhà ga của tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM đặt ở đâu? Hệ thống cầu qua sông Sài Gòn, các bãi đậu xe ngầm tại khu vực trung tâm cũng cần có những điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay.
Bên cạnh đó, TP.HCM vẫn chưa có quy hoạch không gian ngầm, trong khi đang và sẽ có hàng loạt công trình ngầm được triển khai. Chính vì thiếu quy hoạch nên mới xảy ra trường hợp bãi đậu xe ngầm công trường Lam Sơn (do Công ty TNHH Đông Dương làm chủ đầu tư) sắp khởi công thì bị ngưng do vướng tuyến metro số 1. Nếu không xây dựng nhanh quy hoạch không gian ngầm sẽ khiến việc triển khai các dự án ngầm nhằm tăng diện tích cho giao thông bị đình trệ. Trong khi hầu hết các dự án này ta sử dụng vốn vay ODA nên không thể chần chờ.
* "Căn bệnh" giao thông cầu đường thiếu đồng bộ không phải chuyện mới, nhưng dường như vẫn chưa có "thuốc chữa"?
- Về tình trạng thiếu đồng bộ, không phải lãnh đạo TP không biết, thực ra cuộc họp nào cũng bàn, cũng kêu, nhưng kêu mãi vẫn không qua nổi cơ chế. Nguyên nhân là do ta chưa có một "nhạc trưởng" đủ quyền lực để giải quyết tất cả các vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án giao thông, nhất là những vướng mắc ngoài tầm với của cấp TP. Như ở Bangkok (Thái Lan), có hẳn một vị phó thủ tướng đứng ra phụ trách quy hoạch xây dựng, chống ùn tắc giao thông. Còn ở TP.HCM, hiện nay hệ thống cảng biển do Bộ Giao thông vận tải đầu tư, mạng lưới điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, trong khi đường sá do TP xây dựng... Cứ thế, mạnh "ông" nào “ông” nấy làm nên không thể đồng bộ.
* Một giải pháp căn cơ khác cho giao thông TP là phát triển phương tiện giao thông công cộng, giảm thiểu xe cá nhân. Có cảm giác TP.HCM đang loay hoay với giải pháp này suốt thời gian qua?
- Hiện Hội Cầu - Đường - Cảng đang phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, Sở Giao thông vận tải và các chuyên gia giao thông, các nhà khoa học đề xuất các giải pháp chống ùn tắc giao thông và lộ trình giảm thiểu xe cá nhân trên địa bàn TP. Đây là công việc hết sức khó khăn và nhạy cảm. Chúng ta cần có sự chuẩn bị tương đối tốt về hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông công cộng có sức chở lớn (metro, monorail, xe điện mặt đất, xe buýt, đường trên cao, đường vành đai...). Sau đó, sẽ đưa ra những giải pháp làm nản lòng người đi xe cá nhân (kể cả xe 2 bánh và ô tô). Tất nhiên, những giải pháp đưa ra phải dựa trên cơ sở khoa học và có một lộ trình hợp lý.
Ông Trần Quang Phượng - Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM: Dự kiến đến ngày 2.9 thông xe đại lộ Đông Tây đoạn từ cầu Calmette đến nút giao quốc lộ 1A (dài khoảng 14 km, rộng 60m), riêng đoạn qua cầu Lò Gốm còn vướng công trình kỹ thuật ngầm nên chỉ thông xe một nửa bề rộng mặt đường. Nhiều công trình cầu đã đưa vào sử dụng nhưng hệ thống đường kết nối, đường dân sinh chưa hoàn thành như cầu Khánh Hội, Calmette, Nguyễn Văn Cừ, Chà Và... Tuy nhiên, TP chủ trương hoàn thành được hạng mục, công trình nào thì đưa vào khai thác ngay công trình đó, dù chưa phát huy tối đa hiệu quả nhưng vẫn góp phần giải quyết giao thông. Ngay cả cầu Phú Mỹ sắp thông xe đầu tháng 9 tới, dù chưa thông suốt với đường Nguyễn Văn Linh nhưng đã kết nối được với đường Huỳnh Tấn Phát. Do đó, sẽ giải tỏa áp lực giao thông cho trục đường Nguyễn Hữu Cảnh, Tôn Đức Thắng... P.Thanh (ghi) |
Phương Thanh (thực hiện)
Bình luận (0)