img

Nhiều năm đi về VN, Hoài Vũ-Bender cùng Jenny Hạnh (nhiếp ảnh gia gốc Việt, hiện sống tại Ý) sáng lập cộng đồng nhiếp ảnh newborn (trẻ sơ sinh) và ảnh gia đình VN (Vietnam Newborn Photographers - VNNP) từ năm 2018.

Đang thực hiện dự án cá nhân "Far Yet Near, Strange Yet Dear" tại Limburg và Hà Nội, những ngày này Hoài Vũ-Bender trở về VN để tham dự những hoạt động nghệ thuật trong khuôn khổ chuẩn bị cho Tuần lễ thiết kế sáng tạo Hà Nội diễn ra từ ngày 9 - 17.11 cũng như tổ chức talkshow cho nhóm VNNP vào ngày 18.10 tại TP.HCM với sự xuất hiện của Malgorzata Sulewska Czarnecka, nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Ba Lan về chân dung nghệ thuật trẻ em.

- Ảnh 1.

Chân dung trẻ em do Hoài Vũ-Bender chụp tại Fine Art & Motherhood Workshop ở Florence (Ý) năm 2020

- Ảnh 2.

Những người đã từng biết "bé Hoài" trước đây, quả thực không thể hình dung được mối liên hệ giữa một biên dịch viên, phóng viên trẻ lí lắc, lúc nào cũng như một con chim nhỏ lách chách ríu ran, với một tay máy "cứng cựa" có nhiều thành tựu Hoài Vũ-Bender qua những bức ảnh rất mới mà màu sắc lại đậm nghệ thuật cổ điển sau này. Từ công việc chính là biên dịch viên, Hoài theo nhiếp ảnh nghệ thuật chuyên nghiệp như thế nào?

Thực ra tôi đến với nhiếp ảnh khá tình cờ. Khi mới sang Đức, tôi có một chiếc máy ảnh và thường chụp ảnh hoa lá, phong cảnh hay đời sống hằng ngày để kể chuyện với bố mẹ, về gia đình ở VN và cuộc sống của mình ở Đức.

Khi bọn trẻ ra đời, cũng như những người mẹ khác, tôi hay "nghiện con", lúc nào cũng chỉ muốn chụp ảnh con mình. Có rất nhiều người hay nói đùa rằng tôi thuộc típ "mamarazzi". Nếu paparazzi chạy theo săn ảnh những người nổi tiếng, thì "mamarazzi"là những người mẹ lúc nào trên tay cũng cầm cái máy ảnh chạy theo con mình để chụp ảnh.

- Ảnh 3.

Một ngày tình cờ ở nhà trẻ của con thông báo có nhiếp ảnh gia tới chụp các cháu. Họ chỉ tới mỗi năm một lần, nên đây là cơ hội để bố mẹ có những bức ảnh của nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cho các con. Ban đầu tôi cũng rất trông chờ ngày đó. Nhưng tới khi nhận được những bức ảnh từ nhà trẻ, tôi quá thất vọng vì trông con mình ngồi rất căng thẳng. Nó ngồi, nó cười méo mó. Tôi đã nghĩ, vì sao nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp lại có thể chụp ra những bức ảnh như vậy?

Tôi thử lên internet nghiên cứu tất cả studio ảnh trong vùng, để xem các cách thức họ chụp như thế nào. Có một điều rất bất ngờ, đó là các studio ảnh của Đức rất cổ điển. Họ thường chỉ có một vài cái phông đen, trắng hay ghi. Và cách tạo dáng rất cứng. Trong khi đó ở Mỹ hay thậm chí ở VN, ngành ảnh phát triển hơn nhiều. Khi còn ở VN, tôi đã thấy người ta chụp ảnh cưới đi khắp Bắc - Nam rồi chụp ảnh ngoại cảnh rất nhiều…

Vì thế, tôi quyết định thử sức bằng cách đề nghị một số bố mẹ trong nhà trẻ để được chụp ảnh con của họ. Bộ ảnh đầu tiên vào mùa thu năm 2015. Khi đó, tôi chụp hai bé con của chị hàng xóm, một bé 5 tuổi và một bé mới 6 tháng tuổi. Tôi đã đi dạo cùng họ, nói chuyện, chơi đùa với bọn trẻ con và chụp ảnh. Sau khi xem ảnh, chị hàng xóm òa khóc, nói chưa bao giờ nhìn thấy những bức ảnh con mình đẹp đến như thế. Chị ấy cũng là người đầu tiên đi loan tin khắp nơi với những người mẹ khác: "Trời ơi, các mẹ ơi, các mẹ phải tới Hoài để chụp đi. Cô ấy có thể chụp ảnh các con với những nụ cười rất tự nhiên, tôi phải phát khóc lên đấy". Thế là tôi bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh từ những bức ảnh trẻ em, những bức ảnh gia đình như vậy.

Tôi cũng rất vui khi cùng người bạn là nhiếp ảnh gia Jenny Hạnh ở Ý phát triển cộng đồng ảnh newborn, ảnh bầu, ảnh gia đình ở VN. Chúng tôi đã tổ chức nhiều workshop cho các nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong ngành tới VN, rồi tổ chức các hội thảo dành cho các nhiếp ảnh gia trong lĩnh vực này ở khắp VN. Hy vọng lần này, khi trao giải cho cuộc thi ảnh newborn, ảnh gia đình VNNP tới đây, chúng ta sẽ chứng kiến một bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa của cộng đồng nhiếp ảnh này tại VN.

- Ảnh 4.

Ảnh của Hoài Vũ-Bender đoạt giải nhất và nhì Giải AFNS chân dung trẻ em 2019

- Ảnh 5.

Nghe có vẻ như đó là một sự khởi đầu dễ dàng, nhưng nếu ai hiểu về nghệ thuật nhiếp ảnh thì đều biết, không hề dễ để một "tay mơ" có thể lên tới đỉnh cao, nhất là đỉnh cao của những lối đi rất hẹp. Như với Hoài, trước tiên là ở nghệ thuật chụp trẻ sơ sinh, bà bầu. Tôi nhớ khoảng đầu những năm 2000, khi ấy thế giới phát cuồng lên vì những bức ảnh chụp trẻ sơ sinh của Kelly Brown, nhưng ở VN thì chưa có ai chụp như vậy. Với Hoài, có lẽ ngoài khả năng thiên bẩm, còn phải là một quá trình học hỏi rất khác, nhất là khi sống ở nước ngoài?

Thực ra không hề đơn giản một chút nào. Lúc đó tôi chỉ nghĩ, thôi thì mình cứ chụp ảnh ở ngoài trời, thiên nhiên đã đẹp như thế rồi, cần gì studio. Nhưng thời tiết ở Đức rất chi đỏng đảnh, hôm mưa hôm nắng, hôm lại rất lạnh. Tôi đã phải hủy rất nhiều lịch vì thời tiết không ổn định.

Lúc đó trên thế giới bắt đầu nhen nhóm xu hướng ảnh chụp newborn (ảnh các bé sơ sinh khoảng 10 - 14 ngày tuổi). Tôi và một người bạn nhiếp ảnh gia ở Ý mua chung khóa học online của nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Úc Kelly Brown. Chúng tôi say mê học và cố gắng thực hành với em bé của những người quen. Tôi còn tới tận nhà các khách hàng để chụp, vì lúc ấy mình không hề có studio.

Nhưng ở những thành phố lớn, chỗ đỗ xe rất khó, tôi lại còn phải tha, lôi rất nhiều đồ để dựng gần như là một studio di động ở trong nhà của họ. Mỗi lần tháo lắp, dỡ mất cả tiếng đồng hồ, chưa kể thời gian đi lại, rồi nhiều khi em bé quấy khóc… Thành ra mỗi lần chụp ảnh newborn về, mình lại cảm thấy quá là căng thẳng. Có nhiều khi tôi đã phát khóc và nói với chồng: Em nghĩ chắc em từ bỏ thôi, chứ không thể tiếp tục được như thế này nữa.

Thế nhưng rất may mắn, chồng tôi luôn là người động viên tôi hết mực. Anh ấy đề xuất sử dụng một phòng trống trong nhà để làm studio. Đó là căn phòng rộng nhất trong nhà, dự định làm phòng ngủ lớn cho hai vợ chồng, anh đã tự tay trát tường, lát sàn, làm toilet… Nhưng khi anh thấy tôi khóc mỗi khi đi chụp ảnh về, anh nói: Em cần có studio để tiếp tục con đường nhiếp ảnh này. Lúc ấy tôi đã nghĩ, sẽ cố gắng làm hết sức để phát triển studio, để một ngày nào đó mình có thể tự hào nói với chồng rằng: Em đã không từ bỏ. Em đã làm được.

Sau đó tôi dành rất nhiều thời gian và tiền bạc để đi học các workshop của những nhiếp ảnh gia nổi tiếng nhất thế giới trong lĩnh vực ảnh newborn, ảnh bầu, ảnh gia đình, ảnh fine art nghệ thuật.

- Ảnh 6.

Ảnh bầu

ẢNH: Hoài Vũ-Bender

Năm 2016, tôi học cô giáo người Hà Lan Gemmy Woud-Binnendijk. Lúc đấy, những bức ảnh của cô rất nổi tiếng trên thế giới. Thực ra cô ấy ban đầu là một thợ kim hoàn, không phải nhiếp ảnh gia, không phải họa sĩ chuyên nghiệp. Nhưng chỉ có 16 tháng, kể từ khi cô cầm máy cho đến lúc những bức ảnh đầu tiên đăng trên những tạp chí nổi tiếng thế giới và bùng nổ. Năm đó Gemmy Woud-Binnendijk được bình chọn là Tài năng mới của Hà Lan.

Chính vì vậy, khi cô ấy có workshop vào năm 2016, tôi nhất định phải tham gia. Tôi đã ròng rã bắt 7 chuyến tàu từ Đức tới Hà Lan để đi học. Nhiều khi nhỡ một chuyến là nhỡ hết 6 chuyến khác. Cái "sự nghiệp" đi học ngày đó rất kinh khủng. Nhưng học xong, tôi lại cảm thấy vô cùng hoang mang. Vì ê kíp chụp ảnh của cô ấy quá chuyên nghiệp, bao gồm cả stylist, make up chuyên nghiệp, chiếu sáng chuyên nghiệp… Tôi cảm thấy choáng ngợp, vì nhìn cách người ta sáng tạo ra bức ảnh đó như thế nào, nhưng tự thấy mình không thể nào làm được, bởi đấy là những dự án ảnh rất lớn dành cho các tạp chí lớn, mới có thể có tiền đầu tư như vậy.

Sau đó tôi nghĩ cách làm thế nào để tối giản hóa quy trình được học. Ví dụ như chụp ảnh trẻ em, mình tự làm stylist. Thấy cách cô ấy chiếu sáng quá phức tạp, và sau đó đi thăm căn phòng của danh họa Rembrandt tại Hà Lan, tôi nhận ra Rembrandt vẽ ra được những bức tranh tuyệt vời chỉ với ánh sáng từ cửa sổ, vậy thì tại sao mình lại phải chiếu sáng cầu kỳ? Tôi đã áp dụng tối giản hóa được toàn bộ quy trình của Gemmy. Cuối cùng thực ra rất đơn giản mà vẫn tạo ra được những bức ảnh đưa lại cảm giác cho người xem như đang ngắm những bức tranh cổ điển.

- Ảnh 7.

- Ảnh 8.

Những người nhìn (và học) cách Hoài Vũ-Bender chụp ảnh, nếu thoáng qua tưởng chừng rất đơn giản, có lẽ chính bởi vì quá trình Hoài đã nghiên cứu, chuẩn hóa được một quy trình rất phức tạp thành đơn giản hơn. Nhưng thực sự, đến khi xem ảnh của Hoài, có thể thấy, điều đặc biệt là cảm xúc qua ánh sáng.

Tôi quan niệm một bức ảnh đẹp có thể bao gồm rất nhiều yếu tố: ánh sáng, màu sắc, trang phục, tạo dáng... Nhưng có một điều quan trọng hơn, đó chính là cảm xúc. Tôi luôn nhấn mạnh vào việc bức ảnh ấy cảm xúc như thế nào, gọi lại cảm xúc như thế nào cho người xem. Khi xem bức ảnh đấy, người ta cảm thấy điều gì? Ví dụ như thậm chí người ta có thể cảm nhận được cả nụ cười của các em bé trong bức ảnh đó, hay cảm thấy rằng ánh mắt của em bé này đang lo lắng hay đang ngạc nhiên... Tôi muốn một bức ảnh luôn phải kể một câu chuyện nào đó.

- Ảnh 9.

Một bức ảnh Newborn - Chân dung gia đình do Hoài Vũ-Bender chụp

- Ảnh 10.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.