"Là người chụp ảnh có tước hiệu cao nhất của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN, lại là người soạn giáo trình, trực tiếp đào tạo nhiều thế hệ nhiếp ảnh trong mấy chục năm qua… nên sách này như là cuốn tự truyện về nghề, vừa trao đổi thông tin vừa luận bàn về ảnh từ xa xưa đến hiện đại. Các trang viết trung thực, giản lược xuyên suốt trọng tâm, kèm theo hình ảnh minh họa sống động của chính tác giả, từng trang với bao nỗi niềm, trải nghiệm nghề nghiệp…", nhà lý luận phê bình Vũ Huyến nhận xét về cuốn sách Sống vui cùng nhiếp ảnh của Tam Thái với sự trân trọng.
Về phần mình, tác giả Tam Thái khiêm tốn cho biết "Sống vui cùng nhiếp ảnh được soạn chung cho tất cả các bạn yêu ảnh cùng tham khảo". Có thể thấy điều đó qua mục lục thể hiện những nội dung mà cuốn sách đề cập, mỗi tựa đề giúp cho các bạn đã yêu và cả chưa yêu nhiếp ảnh có cơ hội học hỏi, "chớp chụp" thêm nhiều mặt của lĩnh vực này. Từ: Làm quen với nhiếp ảnh (phần 1) đến Biết qua các thể loại nhiếp ảnh, hiểu những ứng dụng cần thiết (phần 2), đoạn thích thú nhất của phần 2 bắt đầu từ trang 47 đến 220, là những bài viết qua đó tác giả "rỉ rả" trình bày, phân tích cho thấy 90 thể loại của nhiếp ảnh, cùng sự hấp dẫn của nó như: Các loại Chân dung và bí quyết thực hiện - Tán dạo để tạo dáng - "Ăn ảnh" là gì - Nhớ 7M như nhớ... kem Tràng Tiền... Bảy M là "bảy em" nào, sau khi phân tích bật mí từng phần, để mọi người dễ nhớ, dễ áp dụng, tác giả tóm lược dí dỏm: "Mắt Mi Mày, Mũi Má Miệng Môi/ Bảy M này đẹp tuổi đôi mươi/ Nhớ rằng miệng đã mỉm cười/ Các M còn lại đừng lười dáng duyên" (Tam Thái là người đã từng chụp chân dung cho gần 5 ngàn cô khách Nhật vào những năm 1999-2015).
Tác giả cũng nhấn mạnh giá trị tư liệu và tính chân thật cùng kinh nghiệm tiếp cận trong thể loại ảnh đời thường… Qua chương các thể loại, tác giả cho thấy tính định hình và đa dạng của nhiếp ảnh, từ những thể loại quen thuộc như ảnh cưới, ảnh đường phố, ảnh phóng sự, đến các thể loại hóc hiểm như ảnh siêu thực, ảnh tối giản, ảnh khuê phòng… rồi dẫn lối đến việc chụp chim, chụp môi trường, chụp hoài niệm, chụp thời trang, chụp lén...
Người xem có thể tự xác định được, những hướng dẫn trong sách gần như không thể tìm thấy trên internet, như chính tác giả khẳng định: 36 Phương thức chụp ảnh của Tam Thái, Ứng phó tình huống, đừng để luống cuống chủ đề… đã được bóc tách từ chính kinh nghiệm thực tiễn, phải là một người từng trải qua nghề mới có thể hệ thống được.
Tam Thái kể: "Tôi quê ở Quảng Nam, năm 1973 vừa trọ học, vừa chụp dạo ở bến Bạch Đằng, Sài Gòn; năm 1976 làm ở ngành giáo dục, năm 1979 lăn lóc ở biên giới Tây Nam, rồi về phụ trách quản lý thị trường Q.1, làm cán bộ xuất nhập khẩu, nhưng mê ảnh nên đành bỏ biên chế cơ quan. Năm 1983, giữ mục Hỏi & Đáp nhiếp ảnh cho Báo Khoa học Phổ thông; năm 1984, vừa làm phóng viên tự do cho nhiều tờ báo, vừa làm tiệm ảnh, vừa giảng dạy chuyên môn ở hội ảnh thành phố từ đấy mãi đến năm 2021 thì mới... xả hơi, để dành thời gian làm sách, dạy nhiếp ảnh online". Anh cũng có nhiều tâm tư khi quyết tâm xuất bản tập sách này: "Nghề mang lại giá trị cho cuộc sống, nhưng người làm nghề phải thật sự say đắm với công việc, thì sự nghiệp mới đạt đến thành quả. Ước mơ có một nghề sống vui để được vui sống là nỗi niềm của nhiều bạn trẻ vào đời, và tôi ngày xưa cũng vậy. Nhưng trước khi quyết định lựa chọn một nghề, cần dành thời gian cho tư duy, định hướng, yêu và hiểu cái nghề mình chọn sẽ nằm ở đâu trong rừng nghề cùng với sự phát triển xã hội…".
Nhờ bốn mươi năm dạy nghề ảnh, cuốn sách Sống vui cùng nhiếp ảnh của Tam Thái đã tích lũy được nhiều kiến thức, tư liệu nghề, cách dẫn dắt vui tươi, với hình ảnh đa dạng, đem lại nhiều mới lạ cho người tiếp cận, giúp họ như được khám phá nhiều điều bổ ích, dù là người chưa từng hay đã biết chụp ảnh.
Khi đọc qua 36 phương thức chụp ảnh của Tam Thái, nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Khánh cho biết: "Tôi đi sáng tác chung với Tam Thái nhiều lần. Nói là chụp chung, mà khi xem lại ảnh, ông Thái có lối nhìn "Ngắm với trái tim, tìm chụp bằng đôi mắt" thật lạ, nên ảnh Tam Thái đã để lại nhiều dấu ấn. Nhắc đến ảnh Tam Thái, tôi nhớ ngay đến Phố đèn lồng, Hai thế hệ, Mùa vàng, Họp chợ trên sông Cà Mau…". Nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Khánh cũng bày tỏ đồng cảm với nhận định của ông Hồ Văn Trọng, chủ nhân Khu nghỉ dưỡng năng lượng khí Hồ Gia Trang, Lâm Hà, Lâm Đồng: "Trong 54 tác phẩm ảnh của mười nhiếp ảnh gia được mời đến sáng tác ảnh về sức sống Lâm Hà vào tháng 6 vừa qua, thì tác phẩm Vuông - Tròn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Tam Thái thật hết sức ấn tượng, các ảnh còn lại của anh cũng có hướng nhìn rất riêng".
Những nhận định ấy cho thấy, cuốn sách Sống vui cùng nhiếp ảnh của Tam Thái thực sự là "cẩm nang" kinh nghiệm quý giá cho những người yêu ảnh.
Bình luận (0)