|
Vở Vua thánh triều Lê ra mắt khán giả suất diễn đầu tiên vào ngày 14-6 đã tạo được tiếng vang. Sau gần 10 năm tác phẩm kịch lịch sử Bí mật vườn Lệ Chi công diễn, Vua thánh triều Lê (kịch bản: Lê Duy Hạnh, đạo diễn: Vũ Minh) được xem là phần tiếp theo của Bí mật vườn Lệ Chi lại tiếp tục ghi dấu ấn về cách dàn dựng tác phẩm đỉnh cao, đề tài lịch sử của Sân khấu Kịch IDECAF.
Kể chuyện sử bằng hơi thở thời đại
Vở Vua thánh triều Lê được mở đầu bằng án oan tru di tam tộc đối với nhà tư tưởng, văn hóa và quân sư tài ba Nguyễn Trãi, để rồi 20 năm sau, khi vua Lê Thánh Tông bước lên ngai vàng, ông đã trăn trở, nghĩ suy về những vần thơ Bình Ngô đại cáo, tại sao dù bị triều đình ra lệnh cấm, dân chúng vẫn truyền tụng. Nhà vua bàng hoàng và cảm thấy cô độc trước sự thật bị bưng bít về nỗi oan của gia tộc Nguyễn Trãi. Thay vì dùng quyền uy của một minh quân để khống chế bọn gian thần, ông đã dùng bản lĩnh của mình để giải oan cho Nguyễn Trãi khiến những kẻ chống đối phải tâm phục, khẩu phục.
Vở kịch mang ý nghĩa sâu sắc ở chỗ việc khôi phục danh dự cho Nguyễn Trãi không quan trọng bằng việc nhà vua xin lỗi trước dân chúng và triều thần vì đã để vụ án oan đối với một hiền tài của dân tộc kéo dài 20 năm. Chuyện kịch lịch sử không được dựng theo mô típ kể chuyện đúng như những gì sử viết. Những tình huống hư cấu, những tính cách nhân vật đan xen nhau, cuốn hút người xem thâm nhập đời sống cung cấm của triều đại nhà Lê, nơi mà hành trình tìm ra sự thật của vụ án Lệ Chi viên đối với vua Lê Thánh Tông không dễ dàng như chân lý quen thuộc của kịch lịch sử: thiện thắng ác, xấu bị triệt tiêu; cái hay của vở kịch ở chỗ chính hành trình khám phá vụ án cũng là những nấc thang để nhà vua hiểu rõ hơn bản thân mình.
Lật lại vụ án để tìm ra chân lý, đồng nghĩa với việc vua sẽ trừng trị những người từng ra tay bao bọc và nuôi dưỡng mình, nâng đỡ mình, trong đó có thần phi Nguyễn Thị Anh, người đã xem ông như con ruột.
Hai dấu ấn đậm nét của vở kịch mang lại cho người xem những suy nghĩ, trăn trở về thời đại, là lớp diễn nhà vua đối thoại về nỗi oan của Nguyễn Trãi với nhân vật Nguyễn Lê Quốc công - người lúc nào cũng cho rằng triều đình đã xử đúng người đúng tội đối với gia tộc Nguyễn Trãi và lớp độc thoại của bà Nguyễn Thị Anh trước vị minh quân, thú nhận vì lòng ích kỷ đã gây nên bi kịch cho gia tộc Ức Trai tiên sinh.
NSƯT Thành Lộc cho biết: “Lớp diễn độc thoại của Nguyễn Thị Anh do chúng tôi đặt hàng tác giả Lê Duy Hạnh viết thêm nhằm thể hiện rõ hơn sự ân hận của một người phụ nữ vì thương con mà làm hại dân. Lớp diễn đối thoại giữa nhà vua và vị quốc công, chính tôi và NSƯT Hữu Châu, đạo diễn Vũ Minh sau khi xin phép tác giả, đã mạnh dạn đưa vào kịch. Bởi, có nhận sai nhưng không xin lỗi thì đó là việc hối lỗi không thiện chí. Với vụ án Nguyễn Trãi, nỗi oan đã được vua Lê Thánh Tông giải tỏa nhưng để nhân vật cao quý hơn, thể hiện sự sáng suốt, nhân văn của một đấng minh quân, chúng tôi nghĩ rất cần lời xin lỗi”.
Dấu ấn sáng tạo trong dàn dựng
Xuyên suốt bản dựng của đạo diễn Vũ Minh, chữ oan làm nền chính của bố cục cảnh trí. Ở đó hằn sâu nỗi niềm nhà vua muốn vượt qua sự ngờ vực, đứng lên vạch trần sự thật để khẳng định tư tưởng “lấy dân làm gốc” mà ông đã thấm nhuần từ Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.
Ánh sáng và âm nhạc quyện vào nhau, tạo nên bức tranh sơn thủy tuyệt diệu, đạo diễn Vũ Minh mang đến cho vở Vua thánh triều Lê không gian kịch sang trọng.
Bám vào chủ đề chính mà tác giả kịch bản rút ra trong hai câu thơ của Nguyễn Trãi: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân - Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”, đạo diễn Vũ Minh đã xây dựng hình tượng vua Lê Thánh Tông đầy sáng tạo trong việc tiếp cận các tình huống kịch. Lớp đối thoại của các nhân vật trong kịch rất sâu sắc và thấm nhuần tính triết lý. Chất đời thể hiện qua từng câu thoại khi nhà vua nhìn rõ chiếc ngai vàng, đỉnh cao của quyền lực đồng thời là hố sâu nhấn chìm tình thâm khiến mẹ giết con, vợ xa chồng, anh em tàn sát lẫn nhau. Màn độc thoại “nóng” nhất là cảnh vua Lê Thánh Tông đứng trước lư đồng mà bọn gian thần vừa đốt Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi để suy ngẫm trách nhiệm của mình, đồng thời lên án những kẻ có quyền lực thích sống an nhàn nhưng khiến lòng dân oán thán: “Mất nơi ở, người dân thành kẻ lưu cư. Mất đạo lý, thói đời trở nên điên đảo. Mất văn hiến, vận nước như thuyền không lái. Mất giống nòi, dân tộc như nước không nguồn”.
Màn đối thoại lên án bọn quan tham của nhà vua và quốc công thật sự tạo được độ nóng trong bối cảnh triều đình nhà Lê đang tự hài lòng với chính mình: “Có mấy ai bỏ được vinh hoa phú quý. Có mấy ai bỏ được chức tước quyền lực. Cái loạn này là loạn từ trong triều mà loạn ra…” hoặc “Vương đạo lấy dân làm gốc, bá đạo xây quyền chức thành nền”.
Cao trào và gay cấn nhất là đỉnh điểm cảm xúc mà vở diễn mang đến khi chính vua đòi chết vì đã có tội với dân, với nước. Một minh quân không thể minh oan cho vị đại thần thì có đáng được sống không?
Lời thoại sâu sắc cộng với bản lĩnh của các nghệ sĩ đã mang lại kịch tính cho vở diễn được đầu tư 550 triệu đồng này, đang hứa hẹn là vở kịch ăn khách nhất của Sân khấu Kịch IDECAF năm nay.
Diễn xuất tài ba NSƯT Thành Lộc dù đã quá độ tuổi để thể hiện vai Lê Thánh Tông lúc mới lên ngôi nhưng diễn xuất chân thật của anh đã mang lại cho nhân vật sự tươi trẻ, cảm xúc mạnh mẽ và nội tâm sâu sắc, cuốn hút khán giả qua từng lời thoại. Người xem cảm được vai diễn Lê Thánh Tông không chỉ vì đó là nhân vật trung tâm hoặc là vai diễn mang tính tư tưởng của vở mà là một con người đã hiểu được cái gốc của đạo. Chính điều đó làm nhân vật càng thuyết phục hơn và nhân văn hơn. Một vai diễn hư cấu của vở kịch nhưng tỏa sáng không kém đó là Nguyễn Lê Quốc công của NSƯT Hữu Châu. Là người từng thể hiện bản lĩnh nhân vật Nguyễn Trãi trong vở Bí mật vườn Lệ Chi (đoạt Giải Mai Vàng, Nam diễn viên kịch nói được yêu thích nhất), NSƯT Hữu Châu đã tạo cho vai kịch thần sắc uy nghi và với thái độ nhận ra sai lầm, cúi đầu chịu tội trước nhà vua. |
Theo Thanh Hiệp / Người Lao Động
Bình luận (0)