Nhiều bé gái nhét dị vật vào vùng kín phải nhập viện cấp cứu

06/10/2016 20:32 GMT+7

Nhiều bé gái được người nhà phát hiện bất thường ở vùng kín, đưa đến bệnh viện thăm khám mới tá hỏa bé có dị vật ở vùng kín như: kẹp tóc, mút xốp, búi len.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết, bệnh viện thường tiếp nhận cấp cứu nhiều trường hợp trẻ em gái tò mò, chơi nghịch nhét dị vật vào vùng kín của mình.
Vừa qua, bé P.K.N. (3 tuổi, ngụ TP.HCM), được mẹ phát hiện ra máu vùng âm hộ lượng ít liên tục kéo dài gần một tháng.
Theo lời của mẹ bệnh nhi, bé vẫn ăn uống, vui chơi bình thường, không có biểu hiện sốt hay ngứa. Bé cũng không có bất thường tâm lý hay bị xâm hại trước đó.
Qua siêu âm và chẩn đoán, các bác sĩ phát hiện có dị vật trong âm đạo của bé. Bé được nội soi và dị vật được lấy ra là một kẹp tóc màu hồng, dài khoảng 5cm, đã rỉ sét.
Một trường hợp khác, bé gái N.T.T.T. (8 tuổi), nhập viện vì xuất huyết âm đạo. Trước khi nhập viện 8 tháng, bé ra chất nhầy ở âm đạo nên được đưa đến khám tại bệnh viện sản ở địa phương. Bé được chẩn đoán viêm âm hộ và điều trị với thuốc rửa, thấy có giảm bớt.
Tuy nhiên, cách đây nửa tháng, bé lại bị ra máu âm đạo. Phát hoảng, mẹ bé mới đưa con đến khám tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Tại Bệnh viện, các bác sĩ siêu âm bụng và phát hiện có dị vật trong âm đạo của bé. Sau khi hội chẩn với các chuyên gia, bé được tiến hành nội soi âm đạo lấy được một búi dạng sợi len dính chặt trong thành âm đạo của bé.
Trong khi đó, bé gái N.H.M.A. (4 tuổi) lại được bác sĩ nội soi lấy ra được dị vật là miếng mút xốp cũng dính chặt vào thành âm đạo. Được biết, trước khi nhập viện 3 tháng, bé chảy dịch âm đạo màu vàng kèm tiểu đau. Bé đi khám phòng mạch tư và bệnh viện tỉnh với chẩn đoán viêm âm hộ và điều trị nhưng không khỏi.
Theo bác sĩ Chí, chảy dịch âm đạo bất thường chiếm 8% các trường hợp trẻ đến khám phụ khoa. Nguyên nhân có thể do viêm nhiễm, niệu quản cắm lạc chỗ hoặc dị vật.
“Các triệu chứng thường gặp nhất trong các trường hợp trẻ có dị vật âm đạo là tiết dịch âm đạo (thường là máu, mủ) có khi có mùi hôi và cảm giác khó tiểu. Ngoài ra, trẻ cũng có thể có biểu hiện đau bụng hoặc đau vùng chậu do dị vật đâm thủng di chuyển vào trong ổ bụng”, bác sĩ Chí nói.
Bác sĩ Chí cho biết thêm, việc chơi nghịch để dị vật “lạc” vào "vùng kín" của bé gái, nếu không phát hiện sớm sẽ gây viêm nhiễm vùng âm hộ. Tình trạng này kéo dài có thể tạo các ổ mủ nằm sâu rất khó chữa. Thậm chí, lâu ngày, nó có thể làm thủng vách bàng quang âm đạo.
Qua đó, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh: Trẻ em ở tầm 3-5 tuổi đang ở giai đoạn tò mò khám phá thế giới xung quanh và đặc biệt thích khám phá bản thân, cơ thể mình. Các bé nhỏ thường nghịch phá nhét dị vật vào chỗ kín một cách không có chủ ý, còn đối với trẻ lớn hơn thì do tò mò muốn khám phá bản thân. Nhiều trường hợp trẻ hay táy máy nhét vật này vật nọ vào cơ thể mình. Vì vậy, phụ huynh, người chăm sóc trẻ cần chú ý khi chăm sóc bé, đồng thời chỉ dạy, dặn dò trẻ không nên nghịch dại nhét dị vật vào cơ thể mình để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
“Khi thấy các bé có tình trạng chảy dịch có mùi ở “vùng kín” thì phụ huynh nên nghĩ đến dị vật và đưa đi khám chuyên khoa. Trẻ cũng cần được khám tâm lý sau phẫu thuật nhằm tránh tái phát”, bác sĩ Chí khuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.