Hôm qua 27.5, phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest nhấn mạnh tình hình Biển Đông đóng vai trò then chốt đối với an ninh quốc gia của Mỹ, còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jeff Rathke khẳng định luật quốc tế chỉ công nhận chủ quyền đối với các vùng đất được bồi đắp tự nhiên, theo Reuters.
Các phát biểu trên nhằm bày tỏ lo ngại việc Trung Quốc động thổ xây 2 ngọn hải đăng đa năng trên Gạc Ma và Châu Viên.
Cùng ngày, tờ The Sydney Morning Herald dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Úc Dennis Richardson cho rằng hoạt động xây đắp phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông đặt ra những câu hỏi về mục đích quân sự của nước này tại khu vực và làm tăng nguy cơ xung đột.
“Chúng ta có quyền hỏi về ý định thực sự của hoạt động bồi đắp đảo, rõ ràng chẳng phải vì lý do gửi khách du lịch đến đây. Việc nghi ngờ và bày tỏ lo ngại là điều hợp lý, vì căng thẳng và nguy cơ xảy ra sai sót là điều chẳng ai muốn”, Bộ trưởng Úc phát biểu.
Theo ông, tình hình an ninh biển gắn liền với các ưu tiên chiến lược của Úc và vấn đề này sẽ được đề cập trong Sách trắng quốc phòng sắp tới.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo chí Nhật Bản trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nhật - EU sẽ diễn ra vào ngày 29.5, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cũng lên tiếng chỉ trích hoạt động xây dựng đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Tusk khẳng định quan điểm của EU là tất cả các bên liên quan phải tránh dùng đe dọa và vũ lực trong việc giải quyết tranh chấp.
“Một số hoạt động, được gọi là hoạt động xây dựng trên biển sẽ khiến vấn đề trở nên khó giải quyết hơn”, Đài NHK dẫn lời ông Tusk nhận định đồng thời cho biết Biển Đông là một trong số những chủ đề được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh Nhật Bản - EU lần này.
Bình luận (0)