Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư cho biết vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhân (58 tuổi, trú tại Cao Lộc, Lạng Sơn) bị sán "cư trú" trong não do ăn lòng lợn tiết canh. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp bị sán não phải nhập viện trong thời gian qua.
|
Người nhà bệnh nhân cho biết, 4 ngày trước nhập viện, bệnh nhân xuất hiện tình trạng tri giác lơ mơ và các cơn co giật. Phim CT chụp sọ não phát hiện nhiều ổ sán trong não, mỗi lát cắt chụp CT phát hiện 4-5 ổ sán. Trong não của bệnh nhân ước có đến vài chục ổ sán, mỗi ổ có 1 con. Hiện bệnh nhân đang được điều trị các thuốc chống kén sán, chống co giật. Bình thường tại gia đình, bệnh nhân thường ăn lòng lợn, tiết canh.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết: mỗi năm, bệnh viện phải điều trị cho hàng chục các ca sán lợn ký sinh ở não. Nguyên nhân có thể do ăn rau sống, ăn tiết canh, thịt lợn có sán sống, tái… “Sán có nhiều trong ruột lợn, thậm chí ruột người. Khi trứng sán ra môi trường thì có thể bám vào rau, vào tiết canh, thịt sống, chui vào cơ thể qua đường tiêu hóa, chui qua thành ruột, vào mạch máu và theo mạch máu đi khắp nơi. Sán trú ngụ, làm tổ tại nhiều nơi trên cơ thể; trong cơ, da, não, mắt… Sán chui vào não có thể gây tình trạng phù não, co giật, thậm chí tử vong. Có thể bị mù nếu sán “định cư” tại mắt”, bác sĩ Cấp nói.
Theo Viện Sốt rét ký sinh trùng T.Ư, bệnh do sán dây lợn hiện còn phân bố rải rác ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Người bị mắc ấu trùng sán dây lợn do đã từng ăn rau sống hoặc thịt lợn có sán chưa chín, tiết canh, các món thịt tái sống. Tại Viện Sốt rét- sinh trùng và côn trùng T.Ư vẫn tiếp nhận các ca nhiễm sán lợn, trong đó nhiều trường hợp ký sinh trong não. Phòng bệnh do sán dây lợn bằng cách không ăn rau sống và các loại thức ăn chưa chín.
Liên Châu
>> Nhiều ca tổn thương não do sán dây lợn
>> Không nên liều ăn tiết canh mùa dịch cúm
>> Gia tăng nhiễm liên cầu lợn sau khi ăn tiết canh
Bình luận (0)