Nhiều cây xanh có nguy cơ gãy ngã

26/05/2018 09:50 GMT+7

Nhiều cây xanh cổ thụ có nguy cơ bật gốc, gãy ngã khiến người dân TP.HCM lo sợ mỗi khi trời mưa to kèm theo những cơn gió mạnh.

Theo ghi nhận, các tuyến đường: Võ Văn Tần, Trương Định, Nguyễn Thông, Vòng xoay Công trường quốc tế (Q.3); 3 tháng 2, Lý Thường Kiệt, Thành Thái (Q.10); tuyến đường Hùng Vương, Nguyễn Tri Phương, Lê Hồng Phong (Q.5)… có nhiều cây xanh cổ thụ đường kính lớn nguy cơ bị bật gốc, gãy ngã.
Nhiều cây xanh có gốc trồi hẳn lên khỏi vỉa hè tại khu vực Q.1 Ảnh: Nguyễn Tiến
Bà Trần Thị Phấn (người dân sống tại đường Hùng Vương, Q.5) lo ngại về việc cây xanh trước cửa ra vào ngôi nhà, khiến gia đình bà hết sức bất an. Nhất là khi thành phố đã bước vào mùa mưa, kèm theo những cơn gió lớn, trong khi mặt nền bê tông xuất hiện những vết nứt khiến gia đình bà Phấn càng thêm lo sợ.
Cây xanh cổ thụ nằm sát nhà khiến người dân lo lắng Ảnh: Nguyễn Tiến
Dọc trên các tuyến đường Trần Huy Liệu (Q.Phú Nhuận), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1) cũng xuất hiện nhiều cây xanh bị bọng gốc, nghiêng hẳn ra lòng đường. Điều đáng nói là các cây xanh này có đường kính lớn, tán lá rộng, nhưng phần gốc lại nông, nhô lên khỏi vỉa hè. Nhiều cây còn bị mất đi một phần gốc khi triển khai thi công sửa chữa lòng đường, vỉa hè, cống thoát nước… khiến mỗi khi mưa lớn xuất hiện nguy cơ gãy, ngã rất nguy hiểm.
Cây xanh trên tuyến đường Trần Huy Liệu nghiêng hẳn ra lòng đường Ảnh: Nguyễn Tiến
Điển hình trận mưa vào tối ngày 19.5 vừa qua, TP đã có đến 243 cây xanh bị nghiêng, gãy cành, bật gốc ngã đổ.
Theo Sở GTVT TP.HCM, trong số này có 48 cây xanh bị gãy cành, nhánh (trong đó có 19 cây loại 1; 27 cây loại 2 và 2 cây loại 3); 171 cây xanh bị nghiêng (trong đó có 163 cây mới trồng, 8 cây loại 1) và 24 cây xanh bị gãy đổ (trong đó có 1 cây mới trồng, 7 cây loại 1 và 16 cây loại 2).
Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, TP nên bảo tồn cảnh quan cây xanh chứ không phải bảo tồn cá thể cây xanh. Vì vậy, cần chủ động phá bỏ hoặc khai thác những cây xanh được trồng lâu năm, cây quá tuổi, vượt tầm kiểm soát. Kết hợp với việc thay thế những cây quá lớn, bằng cách trồng mới. Ngoài ra, sự cố gãy ngã cây gây thương vong về người, hư hại tài sản là điều không ai muốn, nên người dân cần có phương án đề phòng bằng cách hạn chế lưu thông khi trời mưa gió.
Những cây xanh cổ thụ bị bong rễ trên đường Cao Thắng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ Ảnh: Nguyễn Tiến
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Trưởng phòng kỹ thuật Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM cho biết: “Phía công ty sẽ cử nhân viên tăng cường, túc trực 24/24 tại các tuyến đường có nguy cơ xảy ra tình trạng ngã đổ cây xanh như các tuyến đường: Nguyễn Thông, Lý thường Kiệt, Vòng xoay Công trường quốc tế…. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ thường xuyên kiểm tra, rà soát các khu vực có nhiều cây xanh lâu năm trên địa bàn các quận để có phương án xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố”.
Trước tình hình xuất hiện nhiều cây xanh có nguy cơ ngã đổ, Sở GTVT TP.HCM đã yêu cầu các đơn vị tăng cường kiểm tra, rà soát những cây xanh trên đường phố, công viên, để kịp thời đốn hạ những cây già cỗi, sam thân, bọng gốc, nghiêng nguy hiểm. Trong đó, chú trọng đến những cây có hệ rễ bị xâm hại do việc thi công các công trình như nâng cấp vỉa hè, cấp thoát nước…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.