Nhiều doanh nghiệp mong muốn tham gia Chương trình tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan

18/05/2024 10:17 GMT+7

Tại các buổi tiếp xúc làm việc trực tiếp giữa cơ quan Hải quan với các doanh nghiệp và tại các hội nghị đối thoại, tham vấn doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp mong muốn tham gia Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan (Chương trình).

Doanh nghiệp thành viên cải thiện mức độ tuân thủ

Sáng 17.5.2024, Tổng cục Hải quan tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đánh giá 2 năm triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan (theo Quyết định 1399/QĐ-TCHQ ngày 15.7.2022) nhằm chuẩn bị cho Hội nghị toàn ngành về tổng kết 2 năm triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, hướng tới triển khai chính thức Chương trình.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), đại diện lãnh đạo Cục, lãnh đạo chi cục trực thuộc Cục Hải quan Hà Nội, Bắc Ninh và 14 doanh nghiệp thành viên có hoạt động xuất nhập khẩu trên các địa bàn do Cục Hải quan Hà Nội, Bắc Ninh quản lý.

Tại hội thảo, đại diện Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) trình bày kết quả 2 năm triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Đến nay, cơ quan Hải quan đã ký kết biên bản ghi nhớ với 295 doanh nghiệp tham gia Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan.

Qua triển khai, mức độ tuân thủ của nhiều doanh nghiệp thành viên có sự cải thiện so với thời điểm trước khi tham gia Chương trình, cũng như duy trì mức độ tuân thủ ở mức 2 (Tuân thủ cao), mức 3 (Tuân thủ trung bình).

Trong đó có 101 doanh nghiệp nâng mức độ tuân thủ từ mức 3, 4, 5 (mức 4: Tuân thủ thấp; mức 5: Không tuân thủ) lên mức 2, 3, 4, chiếm 36,2% do không phát sinh vi phạm trong quá trình tham gia hoặc vi phạm của doanh nghiệp đã quá thời gian đánh giá; 147 doanh nghiệp giữ mức độ tuân thủ, chiếm 50,86% (trong đó DN tuân thủ mức 2, mức 3 là 120 doanh nghiệp chiếm 43,01%).

Như vậy, mức tuân thủ của doanh nghiệp thành viên tăng mức độ tuân thủ và giữ nguyên mức độ tuân thủ (mức 2, mức 3) đạt 80% trên tổng số doanh nghiệp tham gia Chương trình.

Cũng tính từ năm 2023 đến nay, tình hình phân luồng tờ khai của các doanh nghiệp thành viên đã có sự cải thiện so với trước khi tham gia Chương trình (năm 2022), tỷ lệ kiểm tra hồ sơ, kiểm tra hàng hóa giảm giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm kinh phí và giảm thời gian thông quan.

Tại hội thảo, đại diện Cục Hải quan Bắc Ninh và Cục Hải quan Hà Nội cho biết, trong các buổi tiếp xúc làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp và tại các hội nghị đối thoại, tham vấn doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp mong muốn tham gia chương trình.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: QH

Quang cảnh hội thảo

Ảnh: QH

Hướng đến tăng lượng doanh nghiệp tham gia Chương trình

Tại hội thảo, đại diện Cục Hải quan Bắc Ninh và Hà Nội và các doanh nghiệp quan tâm đến điều kiện tham gia chương trình; công tác tuyên truyền, chính sách tạo thuận lợi; thu hồi tư cách thành viên.

Tại hội thảo, lãnh đạo Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) chia sẻ, điều kiện tham gia Chương trình trước hết doanh nghiệp phải tình nguyện tham gia Chương trình. Song song với đó, doanh nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện về quy mô kim ngạch, tần suất tờ khai, thời gian hoạt động.

Tới đây, khi triển khai Chính thức Chương trình, Tổng cục Hải quan hướng đến tăng thêm số lượng doanh nghiệp tham gia Chương trình.

Tại hội thảo, một số doanh nghiệp cũng quan tâm đến chính sách tạo thuận lợi, đặc biệt là phân luồng tờ khai.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Cục Quản lý rủi ro cho biết, phần lớn doanh nghiệp tham gia Chương trình có số lượng tờ khai luồng Xanh tăng đáng kể, qua đó rút ngắn thời gian thông quan. Đối với tờ khai luồng Vàng, luồng Đỏ, khi cơ quan Hải quan bố trí khu vực làm việc riêng giúp cải thiện thời gian thông quan cho doanh nghiệp thành viên.

Về công tác tuyên truyền, lãnh đạo Cục Quản lý rủi ro ghi nhận, nhiều cục hải quan tỉnh, thành phố đã lồng ghép tuyên truyền về các nội dung của Chương trình trong các hội nghị đối thoại doanh nghiệp, đây là cách để cơ quan Hải quan đào tạo, tháo gỡ cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp thành viên nói riêng.

Tới đây, Cục Quản lý rủi ro tiếp tục tham mưu cho Tổng cục Hải quan tổ chức các buổi đào tạo cho các cục hải quan, chi cục hải quan và các doanh nghiệp về các nội dung Chương trình.

Hiện nay, ở cấp Tổng cục Hải quan, cấp Cục Hải quan và chi cục hải quan đã thành lập các tổ tiếp nhận thông tin thủ công từ doanh nghiệp.

Do vậy, tới đây khi triển khai chính thức Chương trình, doanh nghiệp có vướng mắc, gửi ý kiến qua Hệ thống dịch vụ công trực tuyến, sau đó cơ quan Hải quan phân cấp giải quyết theo thẩm quyền thay vì triển khai thủ công.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.