Pokemon Go là trò chơi thực tế tăng cường (AR), nhắm đến mục đích mang lại trải nghiệm mới mẻ, độc đáo, mang tính cộng đồng cao cho game thủ. Trò chơi đã và đang tạo nên những tác động xã hội tích cực, thiết lập những trào lưu vô tiền khoáng hậu trong lịch sử ngành game, đồng thời mang lại cơn sốt toàn cầu. Để chơi được game, người dùng phải bước ra khỏi nhà, tương tác với thế giới thực và liên tục phiêu lưu trên những hành trình mới.
Tuy nhiên, dù thế nào đi nữa, vẫn phải nhìn nhận sản phẩm của Niantic là một trò chơi mang tính cạnh tranh cao: "đọ" sức mạnh Pokemon, đại chiến chiếm lĩnh Pokegyms, so kè bộ sưu tập thú cưng... Trong tương lai, tính chất này sẽ càng được Niantic tăng cường thông qua nhiều tính năng mới, đặt nặng sự tương tác giữa người chơi với nhau.
Nếu không có tính cân bằng, không có sự tương tác với đời thực... Pokemon Go là trò chơi vô nghĩa
Trong bối cảnh đó, bất kỳ một động thái hữu ý nào tác động đến sự cân bằng của game, làm chệch cán cân sức mạnh giữa các người chơi với nhau một cách bất công, đều có khả năng "phá nát" tất cả những gì mà Pokemon Go đã và đang xây dựng. Đáng buồn thay, một bộ phận không nhỏ game thủ đang tư lợi bằng hàng loạt thủ thuật hack, cheat, gian lận, lợi dụng lỗi game... và "chung tay góp sức" đẩy trò chơi được hàng triệu người yêu thích này vào cửa tử.
Những "trò bẩn" giết chết game
Vào ngày 22.7 vừa qua, Pokemon Go chính thức ra mắt tại Nhật Bản sau gần nửa tháng trời chờ đợi. Trò chơi ngay lập tức gây cơn sốt tại Nhật Bản, khiến hàng triệu game thủ đổ ra đường và bắt đầu cuộc hành trình thu thập Pokemon. Tuy nhiên, khi đến các điểm Pokegyms (các địa điểm tập luyện Pokemon dựa trên địa danh thực, cho phép người chơi tranh đua với nhau để giành quyền chiếm giữ), game thủ Nhật mới "tá hỏa" ra là các điểm nóng này đã bị chiếm đóng bởi hàng loạt game thủ... Trung Quốc có cấp độ cao hơn gấp nhiều lần, cũng như sở hữu Pokemon mạnh hơn hẳn.
Thậm chí, nhiều game thủ Trung Quốc còn lợi dụng sức mạnh vượt trội của mình để truyền bá những thông điệp chính trị gây tranh cãi, dấy lên làn sóng phản đối đầy bức xúc trong cộng đồng game thủ Nhật Bản.
Game thủ Trung Quốc lợi dụng thủ thuật "bẩn" để phá cộng đồng Nhật Bản
Sở dĩ người Trung Quốc có thể làm được điều này, vì trước đó họ đã sử dụng công cụ giả tọa độ (Fake GPS) để chơi game tại Mỹ từ ngày... 7.7, qua đó sở hữu cấp độ và lượng sức mạnh vượt trội so với người chơi mới của Nhật Bản. Khi đã "đủ lông đủ cánh", game thủ Trung Quốc rời bỏ Mỹ và "du hành ảo" sang Nhật Bản để xưng vương xưng bá, làm mất cân bằng game trầm trọng.
Không chỉ Fake FPS để chơi trước game, những game thủ "hắc đạo" này cũng không từ bất kỳ thủ đoạn bẩn nào để phục vụ mục đích tư lợi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cộng động game thủ Pokemon Go thế giới. Trong đó bao gồm áp dụng các phần mềm tự động, chỉnh lùi thời gian thiết bị để tận dụng các vật phẩm giới hạn (thay vì mua bằng tiền thật)...
Game thủ Việt chiếm giữ Pokegym ở tận... Úc
Đáng chú ý, một bộ phận không nhỏ người Việt đang sử dụng các công cụ "đen" này để trải nghiệm game, nhờ vào sự tiếp tay của không ít doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực mobile, chợ ứng dụng...
Doanh nghiệp Việt đang công khai tiếp tay
Rất nhiều người Việt tham gia trải nghiệm Pokemon Go "phi pháp", làm xấu hình ảnh game thủ Việt trước mắt bạn bè quốc tế, nhưng lại hoàn toàn... không hề biết hành động sai trái của mình. Đơn giản vì hiện nay, nhiều chợ ứng dụng tại Việt Nam đang "treo" các bản Pokemon Go đã được tinh chỉnh Hack GPS này một cách vô tư, thiếu ý thức.
Appvn (trực thuộc Appota) là một trong những kho ứng dụng đầu tiên phát tán các bản Pokemon Go đã qua chỉnh sửa, cho phép game thủ truy lùng Pokemon ở khắp nơi trên thế giới mà không cần phải di chuyển một ngón chân. Thế Giới Di Động (Công ty Cổ phần Thế Giới Di Động) cũng là kênh lưu giữ, quảng bá bản Pokemon Go "đen" này một cách công khai.
Hành động này đã khiến hàng nghìn game thủ Việt "tràn" sang các máy chủ Pokemon Go của Úc, Mỹ, Nhật... và vô tư "phá" game, làm mất cân bằng cộng đồng game thủ nước bạn. Thậm chí, nhiều cá nhân còn lợi dụng công cụ này để "cày" tài khoản (tăng nhanh cấp độ, sưu tập Pokemon khủng) và bán giá cao cho những người có nhu cầu.
Đừng để người Việt bị tẩy chay
Hiện nay, làn sóng phản đối những người dùng "trái phép" này đang xuất hiện ngày càng nhiều, trở thành vấn đề nhức nhối của Pokemon Go. Nhiều game thủ quốc tế đang tổ chức các cuộc kêu gọi tẩy chay người chơi đến từ Trung Quốc, Việt Nam, cũng như các khu vực thường xuyên có người sử dụng công cụ "bẩn" khác. Hàng loạt những bằng chứng hình ảnh tố cáo tài khoản gian lận có nickname Việt đang xuất hiện ngày càng nhiều, và chẳng mấy chốc sẽ được lưu hành rộng rãi trong cộng đồng game thủ quốc tế.
Lợi dụng lỗi chỉnh giờ
Niantic (hãng phát hành Pokemon Go) cũng đang có những dấu hiệu cho thấy hãng sẵn sàng nặng tay với các trường hợp gian lận này, bởi lẽ, họ hiểu rõ đây chính là một trong những vấn đề gây bức xúc nhất ở thời điểm hiện tại với người chơi Pokemon Go.
Nếu các sự việc này không sớm chấm dứt, hình ảnh của game thủ Việt (cũng như các quốc gia có đông người sử dụng thủ thuật "bẩn") sẽ trở nên xấu xí trong mắt cộng đồng Pokemon Go quốc tế. Nặng hơn, chúng ta hoàn toàn có thể bị "cho ra rìa" trong cuộc chơi mang tính quốc tế này.
Tại Châu Á, chỉ có Nhật Bản và Hồng Kông là hai thị trường duy nhất (tính đến thời điểm này) nằm trong danh sách phát hành Pokemon Go chính thức. Niantic đang nỗ lực từng ngày để đưa trò chơi đến 200 thị trường (trong đó có Việt Nam) như CEO của hãng đã chia sẻ. Tuy nhiên, vấn đề máy chủ, lỗi game, thủ thuật "bẩn"... đang là những trở ngại làm giảm tốc độ của lộ trình phát hành này. Giao diện một bản cài đặt Pokemon Go đã được "nhúng chàm" Nhiều game thủ Việt chân chính vẫn đang kiên nhẫn chờ đợi, nói không với các thủ thuật "bẩn" để đợi ngày Pokemon Go ra mắt chính thức tại Việt Nam. |
Bình luận (0)