(TNO) Kinh tế nhiều nước xuất khẩu dầu thô gặp khó là hậu quả hiển hiện của việc giá dầu thấp. Tầng kết quả thứ hai của các thùng dầu có giá tầm 50 USD này mới đây tiếp tục lộ diện.
Giá dầu ở tầm 50 USD/thùng để lại một số hệ quả tích cực cho thế giới - Ảnh: Reuters
|
Vào năm 1973-1974, giá dầu thế giới vọt tăng từ 3 USD/thùng lên 12 USD/thùng chỉ trong vài tháng. Mức giá mới này khi đó tạo ra các xoay chuyển cục diện thế lực kinh tế toàn cầu về phía các nước xuất khẩu dầu mỏ chủ yếu ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Ngược lại, kinh tế Mỹ, châu Âu và Nhật Bản chịu thiệt hại lớn.
Song, câu chuyện của năm 1974 đã đảo ngược trong năm nay, và thậm chí còn có thể để lại hậu quả lớn hơn so với cách đây 40 năm, theo Business Insider ngày 5.4. Bắt đầu giảm từ mùa hè năm 2014, giá dầu hiện nay được giao dịch ở tầm 50 USD/thùng và hiện làm thay đổi cục diện quan hệ giữa các nước lớn.
Kinh tế Nga, Venezuela, Nigeria, Iran, Iraq, Kuwait… gặp khó khăn vì giá dầu thấp đã là điều hiển hiện từ nhiều tháng trước đây. Không chỉ các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ, các công ty năng lượng và thành phố, tiểu bang sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ, từ Texas cho đến Lagos đều đang chịu thiệt hại lớn.
Song, theo Business Insider, đó mới chỉ là tầng thứ nhất trong chuỗi kết quả của giai đoạn giá dầu thấp. Bloomberg dẫn nguồn từ ngân hàng đầu tư Goldman Sachs cho hay tổng giá trị đầu tư 1.000 tỉ USD vào các dự án của ngành năng lượng hiện chịu nguy cơ lớn, đồng nghĩa với việc sản xuất dầu trong dài hạn sẽ giảm và giá dầu thô thế giới sẽ trở lại mức cao trong lương lai.
Nhiều hệ quả tích cực bắt đầu lộ diện
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cùng các công nhân dầu khí - Ảnh: Reuters
|
Trong bối cảnh giá dầu thấp, các nước như Oman, Malaysia và Indonesia đồng thực hiện việc thu hẹp hoặc bỏ hẳn trợ cấp nhiên liệu. Tại Ấn Độ, chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi cắt trợ cấp dành cho nhiên liệu dầu diesel - khoản chi lớn từ lâu được cho là không được lòng người dân nước này.
Business Insider cho hay trợ cấp năng lượng mỗi năm của thế giới ước tính 540 tỉ USD hiện kích thích tiêu dùng năng lượng gây ô nhiễm môi trường. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng khoảng 60 - 80% trợ cấp năng lượng của chính phủ các nước Trung Đông và Bắc Phi đang làm lợi cho khoảng 20% số người giàu nhất, trong khi chỉ 10% số người nghèo là được hưởng lợi.
Về mặt kinh tế, giá dầu thấp có thể dẫn đến làn sóng sáp nhập và mua lại (M&A) của các công ty dầu khí, thay đổi diện mạo nền công nghiệp năng lượng toàn cầu.
Về mặt địa chính trị, giá dầu thấp góp phần làm Nga và Venezuela yếu đi, cùng lúc cũng là nguyên nhân thúc đẩy mối quan hệ ấm lên giữa Mỹ và Cuba.
Điện Kremlin thời gian qua tìm kiếm quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc, và “xét trong lĩnh vực năng lượng, Trung Quốc đang có vị trí mặc cả thuận lợi hơn so với một nước Nga đang có nền kinh tế khó khăn và rất cần một đối tác”, ông Matt Ferchen của trung tâm Carnegie-Tsinghua Bắc Kinh cho hay.
Nhiều tờ báo nhận định giá dầu thấp góp phần khiến Iran - nước đang chịu lệnh trừng phạt từ quốc tế về vấn đề hạt nhân - đồng ý ngồi vào bàn đàm phán - Ảnh: Reuters
|
Iran - một trong những quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất từ giá dầu thấp - thời gian qua đã chấp nhận đàm phán và đồng ý đi đến một thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân vào ngày 2.4 vừa qua.
Quan trọng nhất, tờ Financial Times trong một bài báo tháng 2.2015 cho hay: “Tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) - nhóm thánh chiến giàu nhất thế giới - đã không còn nguồn tài chính lớn như trước đây nữa. Các phiến quân IS có thể đang chịu sức ép lớn do phải cắt chi tiêu năng lượng và trợ cấp lương thực, tìm tiền mặt ở các khu vực địa phương”.
Nhà phân tích Torbjorn Soltvedt thuộc hãng Maplecroft (Anh) thì cho hay số tiền mà IS thu được từ việc buôn dầu thô giảm từ 1 đến 2 triệu USD mỗi ngày trong năm 2014 xuống còn 300.000 USD trong thời điểm hiện tại. “Tôi không cho rằng IS sẽ tàn vì lợi nhuận kiếm được từ giá dầu sụt giảm, nhưng chắc chắn giá dầu sẽ đẩy nhanh sự sụp đổ của chúng”, ông Soltvedt cho hay.
Bình luận (0)