Nhận thấy những góp ý này thật sự có giá trị cho công tác ra đề thi của Bộ GD-ĐT, chúng tôi xin trích dẫn những ý chính từ bài viết của GS Tuấn.
Tiếng Anh không chuẩn
Những ý kiến của GS Tuấn tập trung chủ yếu vào 2 bài văn trong phần Reading Comprehension (đọc hiểu).
Theo GS Tuấn: “Nếu đọc kỹ, có thể nói hầu như đoạn văn nào cũng có vấn đề và quan trọng hơn là tiếng Anh không chuẩn, thậm chí sai chính tả”. Ông đưa ra rất nhiều dẫn chứng, và đây là một trong những số đó: Cách hành văn thiếu chuẩn mực và rườm rà. Có câu văn phức tạp một cách không cần thiết. Ví dụ như câu “Today, however, Chinese cartoons have an added part to play in spreading knowledge” có cụm từ “an added part to play” mù mờ. Ngay cả cụm từ “To play in spreading knowledge” tuy không sai về văn phạm, nhưng là cách nói không chuẩn tiếng Anh, mà rất ư... Việt Nam. Ngoài ra, chữ however ở đây rất vô duyên, bởi vì nó chẳng có ý nghĩa transition (sự chuyển tiếp - PV) từ đoạn văn trước nào cả.
Có 2 vấn đề trong câu “The important feature of all these cartoons is the joke and the element of surprise which is contained”. Thứ nhất, người đọc kỹ sẽ hỏi “the feature” ở đây là feature gì, bởi vì trước đó chưa có nói đến feature nào cả! Ngoài ra, “the element of surprise” là element nào, vì chưa có yếu tố nào được đề cập trước đó. Thứ hai, về nội dung thì lặp lại ý của câu văn trước, tức là không cung cấp thêm thông tin nào cả. Nói tóm lại, câu này có vấn đề về dùng mạo từ và ý nghĩa thì thiếu tính liên tục cũng như không cho thêm thông tin.
Bạn đọc có thể vào địa chỉ http://www.nguyenvantuan.net/education/3-edu/991-vai-nhan-xet-ve-de-thi-tuyen-sinh-dai-hoc-tieng-anh để đọc toàn bộ nhận xét của GS Tuấn.
Không ghi nguồn trích dẫn
Một vấn đề khá nghiêm trọng là đề thi trích dẫn từ nhiều nguồn khác nhau nhưng lại không hề có nguồn trích dẫn. Theo tìm hiểu của GS Tuấn, đề thi tiếng Anh tuyển sinh ĐH từ năm 2006 đến nay lúc nào cũng trích dẫn từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau nhưng chưa bao giờ ghi rõ nguồn. Trong khi đó, đây lại là một yêu cầu bắt buộc đối với việc ra đề thi ở các nước.
Cả hai bài đọc hiểu trong đề thi tiếng Anh năm nay đều được lấy từ nhiều nguồn khác nhau trên mạng, tất nhiên là có chỉnh sửa, bổ sung nhưng không ghi rõ nguồn (tham khảo 2 địa chỉ sau: http://blog.daum.net/herry9028/6193832 và http://www.northedu.com.cn/shijuan/show.jsp?informationid=201005211450454063&classid=200709291421488805).
Vấn đề đặt ra ở đây - theo GS Tuấn - là: “Ngay cả cách sao chép cũng không thể hiện tính nghiêm túc (formality) của một đề thi tiếng Anh. Soạn giả hay người sao chép hình như không phân biệt được văn viết và văn nói, mặc dù có dấu hiệu cố gắng thay đổi câu văn. Chẳng hạn như "at last" thì đổi thành "eventually"; "dull" thành "rusted up"; "when I passed an exam" (văn nói); hay như kiểu viết tắt như "you'll" lại không thay đổi (mà điều này lại là điều cấm kỵ trong cách hành văn viết trong thi cử)”.
Bảng bên cạnh trình bày 2 đề thi, đề bên trái có từ trang web của Ủy ban Giáo dục TP Thiên Tân (Trung Quốc) và có cả trong phần ngân hàng đề thi thử dành cho học sinh lớp 11 ở Trung Quốc. Tuy giống nhau, nhưng đề thi tiếng Anh tuyển sinh ĐH năm 2010 (bên phải) có sửa chữa chút ít (phần gạch nền màu).
Nghiêm túc nhìn nhận sơ sót Đề thi tuyển sinh ĐH môn tiếng Anh năm 2010 vẫn giữ nguyên cấu trúc và nội dung kiểm tra tổng quát như đề thi những năm trước đây. Nhìn chung, tôi đánh giá đề thi năm nay là tương đương về độ khó so với đề thi các năm trước, và không quá khó đối với trình độ chung thí sinh thi vào khối D. Trong đề thi năm nay, phần kiểm tra đọc hiểu bao gồm 2 bài đọc về 2 chủ đề khác nhau với 20 câu hỏi trên tổng số 80 câu của bài thi. Khi đọc kỹ 2 đoạn trích của phần kiểm tra đọc hiểu, quả thật tôi thấy có một số vấn đề cần bàn thêm. Chính các bài đọc hiểu này là nguyên nhân của các bài nhận định (có tính phê phán) về đề thi tuyển sinh tiếng Anh năm nay của GS Nguyễn Văn Tuấn. Tôi nghĩ các ý kiến của GS Tuấn nhìn chung là chính xác và có căn cứ. Những điểm đáng phê phán trong đề thi (chỉ liên quan đến 2 bài đọc hiểu) mà GS Tuấn đã nêu ra gồm có: Đề thi có “đạo văn”: Những điều mà GS Tuấn nêu ra trong các bài viết của ông là chính xác. Tôi nghĩ, đây thực sự là một vấn đề lớn trong việc ra đề thi tiếng Anh ở Việt Nam, tương tự như vụ đạo giáo trình trước đây. Chúng ta có thể giải thích lý do tại sao điều này lại xảy ra được ở Việt Nam, thậm chí có thể thông cảm vì việc này bắt nguồn từ hoàn cảnh Việt Nam trước đây chưa hội nhập sâu rộng với thế giới, trình độ tiếng Anh của giáo viên nói chung còn hạn chế... Nhưng những lý do và sự thông cảm đó không làm cho một việc sai trở thành đúng. Giờ đây, khi đất nước đã hội nhập sâu rộng, và khả năng “bị phát hiện” bởi cộng đồng khoa học thế giới cũng rất cao, chúng ta nên thừa nhận cái sai để sửa và rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, ngay cả nếu chúng ta vẫn tiếp tục xem việc sử dụng những tài liệu “miễn phí” trên mạng không phải là đạo văn (thật ra, điều này là đi ngược với đạo đức học thuật của cộng đồng khoa học thế giới), thì nội dung và ngôn ngữ của 2 bài đọc nói trên vẫn có nhiều điểm đáng bàn. Về ngôn ngữ: Tiếng Anh chưa chuẩn, khó có thể xem là “mẫu mực” để đưa vào các tài liệu chính thức và quan trọng như trong kỳ thi tuyển sinh quốc gia. Cả hai bài viết đều có những lỗi sai về cách dùng mạo từ (sử dụng “the” một cách khá tùy tiện), phong cách không hoàn toàn phù hợp với một đề thi vì khá “thông tục” (bài đọc về Adult learning), và đặc biệt có nhiều lỗi về “quy chiếu” (reference) và “kết nối” (link) mà GS Tuấn gọi là lỗi logic khiến cho bài đọc thiếu mạch lạc. Ví dụ: từ “instead” trong câu 2, đoạn 1 của bài đọc về Adult learning là chỉ cái gì, tương tự như vậy với từ “better” trong câu 3, đoạn 3 cùng bài: Hoặc trong bài đọc về Cartoons, câu 3 đoạn 1 bắt đầu bằng “Even though”, nhưng ý của 2 vế trong câu này không hề trái ngược và vì thế không thể dùng “even though” để nối. Cũng vậy với từ “Unlike” trong câu đầu của đoạn 3, đã dùng “unlike” để chỉ những điều trái ngược, nhưng trong câu lại dùng “also” để chỉ những điều giống nhau. Về nội dung: Cả hai bài đều không hoàn toàn phù hợp với đối tượng thí sinh của kỳ thi. Mặc dù có những sơ sót như vậy, nhưng tôi nghĩ đề thi cũng sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của thí sinh hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kỳ thi. Điều đáng quan tâm ở đây là nó bộc lộ những lỗ hổng trong quản lý giáo dục của Việt Nam ở mức độ hệ thống. Chúng ta nên cùng nghiêm túc nhìn nhận những sơ sót này. TS Vũ Thị Phương Anh |
Thùy Ngân
(thực hiện)
Bình luận (0)