Nhiều người ăn không ngon, ngủ không yên vì triệu chứng 'nhìn cuộc đời quay vòng'

04/05/2024 08:19 GMT+7

Thời gian gần đây, một bệnh viện tại TP.HCM tiếp nhận nhiều ca bệnh có triệu chứng 'nhìn cuộc đời quay vòng' khiến bệnh nhân ăn không ngon, ngủ không yên, sức khỏe giảm sút.

Theo thông tin bệnh sử, bà T.T.H (60 tuổi, ở quận 2, TP.HCM) đang ngủ thì trở mình, thấy mình như bị rơi xuống núi, mọi thứ xung quanh quay vòng. Đây không phải lần đầu tiên bà H. cảm thấy mọi thứ quay vòng. Cách đó vài ngày, bà đang nằm, tỉnh giấc, chồm người dậy bật đèn, bà thấy mọi thứ chao đảo rồi đổ sập xuống. Hốt hoảng, toát mồ hôi hột, bà lấy hai tay ôm đầu nhưng mọi thứ không dừng lại. 

Nhiều tháng qua, tình trạng này thường xuyên lặp lại 2-3 ngày một lần. Bà uống thuốc theo đơn bác sĩ mà bà từng khám và điều trị trước đó, đỡ bệnh rồi lại tái phát.

Bà H. cho biết: "Tôi sợ và ám ảnh, ăn không ngon, ngủ không yên, sức khỏe giảm sút. Tôi đã từng đi khám trầm cảm và uống thuốc an thần".

Nhiều người mất ngủ, sức khỏe giảm sút vì bị rối loạn tiền đình

Nhiều người mất ngủ, sức khỏe giảm sút vì bị rối loạn tiền đình

Minh họa: Freepik

Tương tự, bà N.T.L (65 tuổi, ở TP.HCM) cũng kể về những lần "nhìn cuộc đời quay vòng". 

Một tuần qua, bà L. thường xuyên cảm thấy mọi thứ xung quanh chao đảo, chóng mặt. Bà cúi xuống lấy đồ, chồm người, trở mình khi ngủ hoặc quay ra phía sau thì hoa mắt, chóng mặt, nhà cửa sụp đổ. Bà bước đi lảo đảo rồi té ngã. Từ đó, bà sợ quá nên nằm yên một chỗ, ăn uống và vệ sinh tại giường. Bà thường xuyên trong trạng thái hốt hoảng, lo sợ. "Tôi già yếu, khi thấy mọi thứ chao đảo, quay như chong chóng, tôi cứ nghĩ mình sắp chết", bà L. bần thần nói.

Cách đây 1 năm, bà L. được bác sĩ chẩn đoán rối loạn tiền đình, từng điều trị khắp nơi, mua thuốc uống cho "qua cơn, cắt cơn" nhưng bệnh không dứt. Bà từng nghĩ, phải sống chung với bệnh đến cuối đời.

Bà H. và bà L. được gia đình đưa đến Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM để khám bệnh

Tại phòng tiền đình của Trung tâm Tai Mũi Họng, thạc sĩ - bác sĩ CKI Nguyễn Trung Nguyên đã kiểm tra tiền đình bằng hệ thống đo chức năng tiền đình Interacoustics ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), phối hợp với công nghệ ảnh động nhãn đồ cho 2 bệnh nhân trên.

Hồi phục nhanh nhờ AI

Thạc sĩ - bác sĩ CKII Trần Thị Thúy Hằng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết phần mềm đo chức năng tiền đình phối hợp công nghệ AI với 18 phương pháp đo được lập trình sẵn, chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây rối loạn tiền đình, loại trừ các nguyên nhân chóng mặt khác. So với phương pháp truyền thống, công nghệ này chỉ kiểm tra một lần duy nhất giúp xác định đúng nguyên nhân bệnh.

Nhiều người ăn không ngon, ngủ không yên vì triệu chứng 'nhìn cuộc đời quay vòng'- Ảnh 2.

Người bệnh được kiểm tra tiền đình về vận động mắt

BVCC

Người bệnh được đeo một loại kính đặc biệt có gắn camera, ghi lại và phân tích chuyển động nhãn cầu nhằm xác định kiểu rung giật nhãn cầu do nguyên nhân ở tai (rối loạn tiền đình ngoại biên) hay ở não (rối loạn tiền đình trung ương).

Người bệnh được kiểm tra tiền đình về vận động mắt, kiểm tra xung động đầu, phân tích chức năng phản xạ tiền đình mắt của 6 ống bán khuyên qua hệ thống vHIT EyeSeeCam, kiểm tra định vị nhằm phân tích rung giật nhãn cầu ở các tư thế.

Sau 30 phút được AI hỗ trợ phân tích kết quả, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên chẩn đoán bà H. và bà L. đều bị chóng mặt tư thế kịch phát lành tính (BPPV) - một dạng rối loạn tiền đình ngoại biên do thạch nhĩ (sỏi tai) lạc chỗ, rơi từ soan nang và cầu nang vào ống bán khuyên. Ở người bình thường, sỏi tai giúp định hướng và giữ thăng bằng nhưng khi rơi vào ống bán khuyên, sẽ ngăn dịch lỏng trong tai di chuyển về não, gây chóng mặt, buồn nôn, chao đảo.

Sau khi xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, người bệnh được thực hiện các bài tập phục hồi chức năng tiền đình (TRV) được áp dụng trong điều trị rối loạn tiền đình ngoại biên do thạch nhĩ lạc chỗ, giúp tái định vị sỏi tai. 

Ngay sau buổi tập đầu tiên, bà H. phục hồi đến 90% cảm giác thăng bằng và sau lần thứ hai, tình trạng bệnh ổn định, triệu chứng chao đảo, quay vòng, hoa mắt không còn. 

Còn bà L., phải tập mỗi tuần 2 lần và sau 2 tuần, các triệu chứng đã cải thiện 90%. Bà L. lấy lại cảm giác thăng bằng, không còn chóng mặt, không còn nhìn mọi thứ quay vòng. Bà cũng không còn nằm một chỗ. Tuy nhiên, bà cần duy trì tập các bài tập tại nhà mà bác sĩ đã hướng dẫn để bệnh không tái phát.

Bác sĩ Trần Thị Thúy Hằng khuyến cáo, để hạn chế tái phát, người bệnh hạn chế thay đổi tư thế đột ngột; không nên tự ý sử dụng thuốc; không nên uống thuốc ức chế tiền đình kéo dài sẽ làm bệnh diễn tiến nặng hơn; không được tự ý bỏ điều trị; thường xuyên tập các bài tập vật lý trị liệu phục hồi tiền đình tại nhà mà bác sĩ đã hướng dẫn; vận động nhẹ nhàng; hạn chế căng thẳng, stress.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.